Đọc báo cáo tài chính

đọc báo cáo tài chính

Cách đọc báo cáo tài chính và phân tích báo cáo tài chính là việc không thể thiếu hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu. Phân tích báo cáo tài chính giúp nhà đầu tư nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, đánh giá doanh nghiệp một cách kĩ càng trước khi ra quyết định mua bán cổ phiếu.

Tuy nhiên, hầu như các nhà đầu tư đều gặp khó khăn khi đọc báo cáo tài chính của các công ty. Mời bạn đọc bài viết dưới đây để bỏ túi cho mình cách đọc và phân tích báo cáo tài chính cụ thể nhất nhé!

Báo cáo tài chính là gì?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Nói cách khác, báo cáo tài chính giúp cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Theo pháp luật, tất cả các doanh nghiệp trực thuộc ngành, thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) năm. Đối với các công ty (tổng công ty) có đơn vị trực thuộc, ngoài BCTC năm thì phải BCTC tổng hợp (hợp nhất) vào cuối kỳ kế toán năm, dựa trên BCTC của đơn vị trực thuộc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước và doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bên cạnh làm BCTC năm thì phải lập BCTC giữa niên độ (báo cáo quý -trừ quý IV).

Mục đích của Báo cáo tài chính

BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

– Tài sản;

– Nợ phải trả;

– Vốn chủ sở hữu;

– Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;

– Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;

– Các luồng tiền.

Ngoài các thông tin trên, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.

Ý nghĩa của báo cáo tài chính là gì?

BCTC có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý DN cũng như đối với các cơ quan chủ quản và các đối tượng quan tâm. Điều đó, được thể hiện ở những vấn đề sau đây:

– BCTC là những báo cáo được trình bày hết sức tổng quát, phản ánh một cách tổng hợp nhất về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ của DN.

– BCTC cung cấp những thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động SXKD, thực trạng tài chính của DN trong kỳ hoạt động đã qua, giúp cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào SXKD của DN.

– BCTC là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng và là căn cứ quan trọng đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động SXKD hoặc đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của DN.

– BCTC còn là những căn cứ quan trọng để xây dựng các kế hoạch kinh tế – kỹ thuật, tài chính của DN là những căn cứ khoa học để đề ra hệ thống các biện pháp xác thực nhằm tăng cường quản trị DN không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả SXKD, tăng lợi nhuận cho DN.

Chính vì vậy, BCTC là đối tượng quan tâm của các nhà đầu tư. Hội đồng quản trị DN người cho vay, các cơ quan quản lý cấp trên và toàn bộ cán bộ, công nhân viên của DN.

Cách đọc báo cáo tài chính

Hiểu về doanh nghiệp

Mô hình kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Nắm được một số thông tin về nguyên vật liệu (VNL):

Cần hiểu được NVL đầu vào gồm những gì để tạo nên sản phẩm, dịch vụ.

Thông tin nguồn cung ứng NVL.

Công nợ với nhà cung cấp.

Sau khi đã biết được thông tin về NVL thì khi có sự biến động của thị trường ảnh hưởng đến giá NVL đầu vào, thì có thể phân tích tầm ảnh hưởng đó lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Trong thời gian diễn ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine, giá khi đốt tại thị trường châu Âu tăng, ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Kéo theo biến động ở các lĩnh vực khác: Vận chuyển, Giao thông, Thực phẩm,…

Nắm được thông tin về sản phẩm, dịch vụ đầu ra:

Sản phẩm, dịch vụ đầu ra được tiêu thụ ở thị trường nào? Nội địa hay xuất khẩu? Qua những kênh nào? Bán trực tiếp tại cửa hàng hay bán trực tuyến? …

Chính sách bán hàng của doanh nghiệp ra sao? Các điều kiện thanh toán như thế nào? Từ đó đánh giá các khoản phải thu/phải trả xem doanh nghiệp liệu có bị chiếm dụng vốn?

Nắm thông tin về giá bán ra trên thị trường.

=> Kết luận được những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Sản phẩm rất khó thay thế, sản xuất với quy mô lớn và vốn lớn nên ít đối thủ cạnh tranh trong nước; Tự chủ về VNL=> Ít biết động về giá=> Dẫn đến lợi nhuận gộp ổn định.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp

Tìm hiểu về ban lãnh đạo cũng giúp bạn có được đánh giá khách quan về doanh nghiệp đó. Lãnh đạo có luôn luôn đặt lợi ích cổ đông, đối tác và nhân viên để cùng nhau phát triển không? Hoặc có ý thức bảo vệ môi trường và các hoạt động cộng đồng hay không?…

Tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp

Đọc Báo cáo thường niên để nắm được kế hoạch và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm tiếp theo và nắm được thực tế thực thi của năm trước. Từ đó dự đoán được doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai.

Xem ý kiến của kiểm toán

Đọc bảng cân đối kế toán

Liệt kê những mục lớn trong Tài sản – Nguồn vốn.

Tính toán tỷ trọng các khoản mục này trong Tài sản và Nguồn vốn, và sự thay đổi của các khoản mục tại thời điểm báo cáo.

Chú ý những mục chiếm tỷ trọng lớn, hoặc có sự biến động lớn về mặt giá trị ở thời điểm báo cáo.

Đặc biệt, bất kỳ lĩnh vực nào thì cũng cần quan tâm tới tài khoản 131 và tài khoản 331:

 Xác định xem công nợ phải thu của khách hàng và phải trả nhà cung cấp có khớp hay không.

 Nếu tài khoản 131, 331 giảm so với cùng kỳ thì đánh giá là tốt.

 Tài khoản 131 không được chiếm tỉ trọng quá cao trong phần tài sản

 Tài khoản 331 không được chiếm tỉ trọng quá cao trong phần vốn chủ sở hữu.

đọc báo cáo tài chính
đọc báo cáo tài chính

Đọc Báo Cáo Kết Quả Hoạt Động Kinh Doanh

Trước khi bắt đầu, bạn nên nhóm riêng doanh thu, chi phí để có thể theo dõi sự biến động dễ hơn:

B1: Tách riêng doanh thu và chi phí.

B2: Tính toán tỷ trọng của từng doanh thu trong Tổng doanh thu, tỷ trọng từng chi phí trong Tổng chi phí, và sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ.

B3: Quan sát sự thay đổi.

Cần xác định nhanh các con số có phù hợp và chính xác không. Công thức chung ở phần này là: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ – Thuế TTĐB, thuế xuất khẩu,…

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

KQHĐKD= Lợi nhuận gộp + DTTC – chi phí tài chính – chi phí quản lý doanh nghiệp.

Quan tâm tới chỉ số:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần

Chỉ số này cho biết tỷ suất lợi nhuận thu được từ bán hàng và CCDV của doanh nghiệp là bao nhiêu?

Nếu hệ số này được duy trì ổn định, ở mức cao trong dài hạn => Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khá rõ nét.

Bởi vậy đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp phần này bạn cần quan tâm tới phần doanh thu, lợi nhuận, doanh thu thuần, giá vốn hàng bán và lợi nhuận sau thuế. Và từ các yếu tố này cùng với số liệu năm trước (trong vòng 3-5 năm) để so sánh và đánh giá được sự phát triển của doanh nghiệp.

Đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một bản báo cáo tổng hợp tình hình thu, chi tiền tệ của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.

Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ – Tiền chi trong kỳ = Tiền tồn cuối kỳ

Có 3 hoạt động chính được ghi trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Hoạt động kinh doanh.

Hoạt động đầu tư.

Hoạt động tài chính.

Bạn hãy chú ý khoản mục chiếm tỷ trọng lớn là “Khấu hao TSCĐ…”. Khoản mục này thể hiện doanh nghiệp mất bao nhiêu tiền để duy trì hoạt động hàng năm.

Một trong những dấu hiệu nữa thể hiện tình hình tài chính lành mạnh của doanh nghiệp chính là: dòng tiền trả cổ tức đều đặn trong dài hạn.

Ngoại trừ những doanh nghiệp đang trong thời kỳ tăng trưởng nhanh có thể không trả cổ tức. Còn trong các trường hợp khác, việc kinh doanh có lãi cần đi kèm với một chính sách chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

Việc doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền ổn định, đều đặn hàng năm là dấu hiệu quan trọng để chứng tỏ sự lành mạnh về dòng tiền và lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là chính xác.

Đọc hiểu Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo cung cấp cho thông tin chi tiết các thông tin số liệu đã trình bày ở báo cáo bên trên và các thông tin cần thiết khác theo chuẩn mực kế toán cụ thể.

Để đọc được thuyết minh Báo cáo tài chính bạn cần nắm vững chính sách kế toán của nhà nước. Việc này giúp bạn nhận diện được cách ghi nhận từng khoản mục trong Bảng cân đối kế toán. Nắm được khoản mục nào chiếm trọng yếu.

Ví dụ:

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp thì khoản mục Doanh thu chưa thực hiện dài hạn là quan trọng là khoản tiền nhận trước tiền cho thuê đất nhiều năm.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dự án thì tài khoản 154 chính là những dự án đang xây dựng cơ bản dở dang…

Lưu ý khi đọc báo cáo tài chính

Bạn không nên đọc các loại báo cáo trên một các độc lập, hãy nghiên cứu song song các tài liệu này. Đọc những khoản mục trọng yếu – là dữ liệu cốt lõi liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập trung đọc khoản mục có con số lớn. Đặc biệt là những khoản mục có con số lớn bất thường không phải dữ liệu cốt lõi. Đặt sự phù hợp giữa số liệu với lĩnh vực kinh doanh lên hàng đầu để phân tích.

Ví dụ: Khoản mục trả trước cho người bán; phải thu khác, tiền mặt tăng rất nhiều lần so với năm trước; dự phòng phải thu hàng tồn kho, dự phòng phải thu khách hàng…

Sau khi đọc qua báo cáo thì kết nối lại số liệu giữa các báo cáo với nhau:

Xem nguồn lực tài chính của doanh nghiệp có tốt không. Ví dụ khả năng thanh toán, Cơ cấu nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu có hợp lý không? Tỷ lệ chiếm dụng vốn/Bị chiếm dụng vốn có cao hơn so với ngành hay không? Doanh nghiệp có trả cổ tức đều đặn?

Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả không. Ví dụ tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng cò đều đặn hàng năm không? Khả năng sinh lời ROE ra sao?

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về cách đọc báo cáo tài chính Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139