Đấu giá tài sản là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam. Do đó, thành lập công ty đấu giá tài sản thường rắc rối và phức tạp hơn so với thành lập công ty với ngành nghề đơn thuần. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ một số quy định về điều kiện và thủ tục để thành lập công ty đấu giá tại Việt Nam.
Doanh nghiệp đấu giá tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016, Doanh nghiệp đấu giá tài sản được hiểu là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, khoản 2 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016 cho phép chủ doanh nghiệp được lựa chọn tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân, các thành viên công ty hợp danh được thỏa thuận lựa chọn tên của công ty đấu giá hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, tuy nhiên cần đảm bảo rằng, trong tên doanh nghiệp phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản
Căn cứ theo khoản 3 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016 doanh nghiệp đấu giá tài sản cần thoả mãn một số điều kiện dưới đây để có thể thành lập doanh nghiệp:
– Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;
– Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.
Như vậy, bên cạnh việc cần có trụ sở, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động đấu giá, đối với doanh nghiệp đấu giá tư nhân thì chủ doanh nghiệp, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp phải là đấu giá viên, điều kiện thành lập đối với công ty hợp danh cũng cần có ít nhất 01 thành viên là đấu giá viên.
Quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản:
Thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản:
Tại Điều 25 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản như sau:
Doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 23 của Luật này gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động đấu giá tài sản đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nộp phí theo quy định của pháp luật. Hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hoạt động;
– Điều lệ của doanh nghiệp đối với công ty đấu giá hợp danh;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá tư nhân, Chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh;
– Giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Doanh nghiệp bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản có những quy định về đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu gái tài sản thành lập trước ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực như sau:
Đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp
Tại Điều 6 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định
– Trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 23 của Luật đấu giá tài sản thì nộp trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp có trụ sở. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 25 của Luật đấu giá tài sản.
– Doanh nghiệp đấu giá tài sản được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản của doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.
– Doanh nghiệp đấu giá tài sản được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động công bố nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 28 của Luật đấu giá tài sản. Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 27 của Luật đấu giá tài sản.
Đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động đấu giá tài sản và kinh doanh các ngành nghề khác
Tại Điều 7 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định
– Trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động đấu giá tài sản và kinh doanh các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản mới theo quy định tại Điều 25 của Luật đấu giá tài sản.
– Doanh nghiệp đấu giá tài sản mới được thành lập theo quy định của Luật đấu giá tài sản kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản của doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.
– Sau khi doanh nghiệp đấu giá tài sản mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành phải chấm dứt hoạt động đấu giá tài sản và không được sử dụng cụm từ “đấu giá tài sản” trong tên gọi của mình.
– Doanh nghiệp đấu giá tài sản được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động công bố nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 28 của Luật đấu giá tài sản. Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 27 của Luật đấu giá tài sản.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu giá tài sản
Quyền:
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản 2016, doanh nghiệp đấu giá tài sản có các quyền sau đây:
– Cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016;
– Tuyển dụng đấu giá viên làm việc cho tổ chức theo quy định của pháp luật;
– Yêu cầu người có tài sản đấu giá cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, giấy tờ có liên quan đến tài sản đấu giá;
– Nhận thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;
– Cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá;
– Thực hiện dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quản lý tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận;
– Xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản 2016 theo ủy quyền của người có tài sản đấu giá;
– Phân công đấu giá viên hướng dẫn người tập sự hành nghề đấu giá;
– Đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật này;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ:
Căn cứ khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản 2016, doanh nghiệp đấu giá tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
– Thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản;
– Ban hành Quy chế cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 34 của Luật Đấu giá tài sản 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Tổ chức cuộc đấu giá liên tục theo đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng;
– Yêu cầu người có tài sản đấu giá giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá; trường hợp được người có tài sản đấu giá giao bảo quản hoặc quản lý thì giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá;
– Bồi thường thiệt hại khi thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;
– Lập Sổ theo dõi tài sản đấu giá, Sổ đăng ký đấu giá;
– Đề nghị Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở cấp, thu hồi Thẻ đấu giá viên;
– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức theo quy định tại Điều 20 của Luật Đấu giá tài sản 2016;
– Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở danh sách đấu giá viên đang hành nghề, người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức;
– Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở về tổ chức, hoạt động hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu; đối với doanh nghiệp có chi nhánh thì còn phải báo cáo Sở Tư pháp nơi chi nhánh của doanh nghiệp đăng ký hoạt động;
– Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản
Hồ sơ:
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Đấu giá tài sản 2016, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hoạt động;
– Điều lệ của doanh nghiệp đối với công ty đấu giá hợp danh;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá tư nhân, Chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh;
– Giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.
Nơi nộp hồ sơ: Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
Thời hạn giải quyết:
– 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản.
Doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Mẫu giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản:
Giấu đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản được ban hành là mẫu TP-ĐGTS-05 trong phụ lục của Thông tư số 06/2017/TT- BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chương trình khung của khóa, đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Mẫu giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
GIẤY ĐỀ NGHỊ
ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh (thành phố) … (ghi tên Sở Tư pháp có thẩm quyền)
Tên tôi là:……Nam/Nữ…… (ghi theo Giấy Khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân)
Ngày, tháng, năm sinh: ……/..…../…….. (ghi theo Giấy Khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân)
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:…….(ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố)
Điện thoại:…..Email:……..
Chứng minh nhân dân số/Hộ chiếu/Thẻ Căn cước công dân số:…… Ngày cấp: ……/…./…. Nơi cấp:……. (Ghi theo Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân)
Đề nghị đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản với các nội dung sau đây:
Tên doanh nghiệp đấu giá tài sản (tên gọi ghi bằng chữ in hoa):
………
Tên giao dịch (nếu có): ……..
Tên viết tắt (nếu có): …….
Tên tiếng Anh (nếu có): ……
Địa chỉ trụ sở: …….(ghi địa chỉ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố)
Điện thoại:…….Fax:…. Email:…..
Website:…….
Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân/ Thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là đấu giá viên đối với công ty hợp danh:
a) Họ và tên: ……. Nam/Nữ:….. sinh ngày:……./……/…… (ghi theo Giấy Khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân)
Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu/ Thẻ Căn cước công dân số:….. Ngày cấp: …./…/… Nơi cấp:…..(Ghi theo Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân)
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:…….(ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố)
Chỗ ở hiện nay:…….(ghi nơi ở hiện tại của người đại diện, ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố)
Chứng chỉ hành nghề đấu giá số:……. ngày cấp……/…../….. (ghi theo chứng chỉ hành nghề đấu giá)
b) Họ và tên:….. Nam/Nữ:……….. sinh ngày:……/…../…….
Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu/ Thẻ Căn cước công dân số:……
Ngày cấp: …/…../…… Nơi cấp:…..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:…..(ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố
Chỗ ở hiện nay:….. (ghi nơi ở hiện tại của người đại diện, ghi rõ thôn/xóm, xã/phường/ thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố)
Chứng chỉ hành nghề đấu giá số: …… ngày cấp ……./…../…… (ghi theo chứng chỉ hành nghề đấu giá)
Danh sách đấu giá viên khác trong doanh nghiệp đấu giá tài sản (nếu có): (Phần này ghi thông tin của các đấu giá viên)
Stt |
Họ tên |
Năm sinh |
Chứng chỉ hành nghề đấu giá |
Địa chỉ, số điện thoại liên hệ |
Tỉnh (thành phố), ngày… tháng… năm…
Người đề nghị
(Ký, ghi rõ họ tên)
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục thành lập công ty đấu giá. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.