Thỏa thuận phân chia di sản có buộc phải bằng văn bản hay không? Trường hợp hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì người thừa kế có thể yêu cầu chia di sản được không? Chia di sản thừa kế và đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thế nào? chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hiện nay được quy định ra sao? Nội dung bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin hữu ích liên quan đến những vấn đề này.
Đất đai là gì? Có mấy nhóm đất đai?
Khái niệm về đất đai được quy định Điều 4 tại Thông tư 14/2014/TT-BTNMT, theo đó:
Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.
Như vậy, khái niệm về đất đai được ghi nhận trong Thông tư 14/2021/TT-BTNMT. Còn tại Luật Đất đai 2013 sẽ quy định về các vấn đề pháp lý liên quan đến:
– Chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai;
– Chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai…
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013 phân loại đất đai thành 03 nhóm sau đây:
– Nhóm đất nông nghiệp bao gồm:
+ Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
+ Đất trồng cây lâu năm;
+ Đất rừng sản xuất;
+ Đất rừng phòng hộ…
– Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm:
+ Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan
+ Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp…
– Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 53 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cụ thể:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các loại tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Bộ luật Dân sự, Luật đất đai đều cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân và do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nhà nước theo đó trao quyền sử dụng đất cho người dân thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất.
Pháp luật cũng công nhận quyền sử dụng đất đối với những người sử dụng đất ổn định và quy định về quyền cũng như nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.
Luật đất đai tuy không có quy định rõ khái niệm quyền sử dụng đất nhưng luật cũng đưa ra khái niệm về giá quyền sử dụng đất là số tiền tính trên một đơn vị diện tích đất do Nhà nước quy định hoặc hình thành trong giao dịch về quyền sử dụng đất. Còn giá trị quyền sử dụng đất là giá trị tính bằng tiền của quyền sử dụng đất trên đơn vị diện tích xác định trong một thời gian sử dụng nhất định.
Người sử dụng đất được sở hữu phần giá trị quyền sử dụng đất, được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các phần diện tích được giao tương ứng với nghĩa vụ thực hiện với Nhà nước.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng được chia thành các loại sau đây:
+ Quyền sử dụng đất đai căn cứ theo chủ thể (tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân):
Quyền sử dụng đất lúc này được căn cứ theo ý muốn chủ quan của chủ thể và việc sử dụng đất vào mục đích nào là tùy theo chủ thể quyết định. Những quyết định này cần phải nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền cho phép.
+ Quyền sử dụng đất căn cứ vào khách thể (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp hay chưa sử dụng):
Là loại đất này được quy định sử dụng vào mục đích nào thì người sử dụng đất phải làm đúng theo mục đích đó. Nếu có sự thay đổi về mục đích sử dụng thì phải báo cho cơ quan có thẩm quyền và phải được cho phép thì mới thực hiện.
+ Quyền sử dụng đất căn cứ vào thời gian:
Thời gian sử dụng đất có thể là tạm thời hoặc lâu dài, tùy theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Từ đó, quyền sử dụng đất của chủ thể cũng được quyết định là tạm thời hay lâu dài.
+ Quyền sử dụng đất căn cứ theo pháp lý:
Nghĩa là cần căn cứ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền khi giao đất, cho thuê đất mà xác định mục đích sử dụng và để biết là quyền sử dụng ban đầu của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp trong quyết định hay quyền sử dụng đất thứ hai của người được cho thuê lại, thừa kế.
Chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo quy định thế nào?
Câu hỏi: Bố mẹ tôi có một số tài sản chung gồm: 300m2 đất và căn nhà trên đất. Năm 1982 mẹ tôi mất. Đến năm 1984 bố tôi có lấy vợ hai và mua cho bà một căn nhà trên thửa đất 140m2 khác.
Do hai anh em trai tôi đi bộ đội, chị và các em gái tôi đã lấy chồng và có nhà ở riêng, nên bà hai vẫn ở trên căn nhà của bố mẹ tôi.
Năm 2001 bố tôi mất vì tai nạn giao thông, không có di chúc để lại; sau khi lo hậu sự cho bố tôi xong, tôi có họp gia đình và xác định quyền sở hữu tài sản: Thửa đất 300m2 và căn nhà trên đất của bố mẹ tôi do em trai tôi sở hữu, thửa đất 140m2 và căn nhà trên đất mới mua sau khi bà hai về do bà hai sở hữu, mọi thành viên trong gia đình đều nhất trí như vậy.
Năm 2003 địa phương tôi mới bắt đầu cấp sổ đỏ xác lập quyền sử dụng đất, lúc đó hai anh em tôi đã đi bộ đội, hai thửa đất và căn nhà trên đất, chính quyền địa phương cấp sổ đỏ lấy tên bà hai.
Nay em tôi đã xây dựng gia đình và muốn nhận lại tài sản của bố mẹ tôi để lại, nhưng bà hai không trả. Vây xin qúy luật sư hãy tư vấn cho tôi nên giải quyết thế nào cho đúng pháp luật.
Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ Mục 2.4 Khoản 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì:
Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Đồng thời căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì:
– Trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng khác…) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
– Trường hợp không có một trong giấy tờ trên thì có quyền lựa chọn Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án giải quyết.
Theo đó, bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nơi cư trú của người vợ hai.
Tuy nhiên khi giải quyết trường hợp này, bởi vì cả thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản thừa kế của mẹ bạn và của bố bạn đều đã hết thời hiệu (10 năm kể từ ngày mẹ, bố bạn mất) cho nên nếu như thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a Mục 2.4 Khoản 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP trên thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Theo đó, di sản sẽ chuyển thành tài sản chung và khi có tranh chấp thì Tòa án căn cứ vào quy định pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Cụ thể:
– Nếu các đồng thừa kế thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận đó.
– Nếu các đồng thừa kế không thỏa thuận được thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo quy định pháp luật về chia tài sản chung.
Các đồng thừa kế đượcxác định như sau:
– Đồng thừa kế đối với di sản do mẹ bạn để lại: bạn, anh chị em ruột của bạn, bố bạn, ông bà ngoại của bạn (nếu còn sống vào thời điểm mẹ bạn mất).
– Đồng thừa kế đối với di sản do bố bạn để lại: bạn, anh chị em ruột của bạn, người vợ hai, ông bà nội của bạn (nếu còn sống vào thời điểm bố bạn mất).
Đồng thời với việc khởi kiện chia tài sản trên thì bạn yêu cầu Tòa án hủy quyết định của địa phương về việc cấp sổ đỏ cho người vợ hai của bố bạn.
Bạn cần lưu ý: đối với thỏa thuận phân chia di sản trong buổi họp mặt gia đình sau khi bố bạn mất, thì phải có sự tham gia của tất cả những đồng thừa kế và phải được lập thành văn bản theo quy định của Điều 684 Bộ luật dân sự năm 1995 mới có giá trị pháp lý.
Sau khi có bản án/quyết định của Tòa án hoặc quyết định giải quyết của UBND thì các thừa kế có thể tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần mình được nhận.
Trên đây là bài viết chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn pháp luật thừa kế hoặc có bất kỳ thắc mắc nào xin hãy liên hệ ngay Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh qua hotline để được tư vấn tốt nhất.