Dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động làm trung gian kết nối truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán. Vậy pháp luật quy định chủ thể nào có quyền cung ứng dịch vụ này? Điều kiện, thủ tục ra sao?
Cơ sở pháp lý
Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ dung Nghị định 101/2012/NĐ-CP
Thông tư 39/2014/TT-NHNN
Thông tư 20/2016/TT-NHNN
Dịch vụ trung gian thanh toán là gì?
Dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động làm trung gian kết nối truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.
Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm 3 loại dịch vụ sau đây.
Thứ nhất, dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, bao gồm các dịch vụ: chuyển mạch tài chính; bù trừ điện tử; cổng thanh toán điện tử;
Thứ hai, dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, bao gồm các dịch vụ: hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử; ví điện tử;
Thú ba, các dịch vụ trung gian thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ – CP quy định về tổ chức được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán:
“4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là:
a) Tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.”
Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phéo hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Kính chào công ty Luật Trần và Liên Danh. tôi có một thắc mắc về pháp luật ngân hàng xin được luật sư giải đáp. Theo tôi được biết, đối với tổ chức không phải là ngân hàng theo quy định của pháp luật chỉ được hoạt động cung ứng dịch vụ khi được Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép. Vậy điều kiện để được cấp giấy phép đối với tôt chức này là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-NHNN và khoản 1 Điều 2 Thông tư 20/2016/TT-NHNN). Theo đó, tổ chức không phải là ngân hàng cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Tổ chức không phải là ngân hàng được xin cấp Giấy phép thực hiện một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại Điều 2 Thông tư này trên cơ sở đáp ứng các Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP và các quy định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế các Điều kiện này (nếu có).
a) Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
b) Có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt, trong đó tối thiểu phải có các nội dung:
(i) Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép, gồm: Tên, phạm vi cung ứng, đối tượng khách hàng, điều kiện sử dụng, sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện nghiệp vụ, quy trình dòng tiền từ lúc khởi tạo giao dịch đến lúc quyết toán nghĩa vụ giữa các bên liên quan;
(ii) Cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, gồm: Cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán;
(iii) Quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp;
c) Có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng;
d) Điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học trở lên hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật;
Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;”
đ) Điều kiện về kỹ thuật: Có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hệ thống kỹ thuật dự phòng xây dựng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố và tuân thủ các quy định khác về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng;
e) Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan;
g) Đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức;
Quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động dịch vụ trung gian thanh toán
Thưa luật sư, tôi đang nghiên cứu pháp luật về tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Xin luật sư cho biết, trình tự, thủ tục và hồ sơ xin cấp phép theo quy định pháp luật như thế nào ạ? Rất mong được giải đáp. Xin cảm ơn!
Về trình tự, thủ tục:
Tại Điều 16 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về quy trình, thủ tục như sau:
Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép
a) Tổ chức xin cấp Giấy phép gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (bao gồm 05 bộ) qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này. Tổ chức xin cấp Giấy phép phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp;
b) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra hồ sơ theo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định này;
c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thẩm định và cấp Giấy phép hoặc có văn bản từ chối cấp phép trong đó nêu rõ lý do;
d) Tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Về hồ sơ xin cấp phép gồm:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước quy định;
– Biên bản hoặc Nghị quyết họp Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị (hoặc Đại hội cổ đông phù hợp với quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức) thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật và Biên bản nghiệm thu thử nghiệm kỹ thuật với một tổ chức hợp tác;
– Hồ sơ về nhân sự: Sơ yếu lý lịch, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức (bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu).”
Thời hạn của Giấy phép là 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Phí dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt
Thưa luật sư, hiện nay, việc thanh toán qua thẻ đang ngày càng phổ biến. Vậy phí dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều đó? Mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Xin cám ơn!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới cong ty Luật Trần và Liên Danh, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
Phí dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt được quy định tại Điều 17 Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ấn định và phải niêm yết công khai các mức phí cung ứng dịch vụ.
Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế xác định phí dịch vụ thanh toán và phí dịch vụ trung gian thanh toán.
Bảo mật thông tin khi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Thưa luật sư, theo tôi hiểu cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng là một giao dịch liên quan trực tiếp đến tài sản của người sử dụng dịch vụ. Vậy pháp luật có quy định về bảo mật thông tin như thế nào trong vấn đề này? Rất mong được giải đáp. Xin cảm ơn!
Điều 23 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về bảo mật thông tin khi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:
Quyền từ chối cung cấp thông tin
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin về chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của chủ tài khoản.
Nghĩa vụ bảo mật thông tin
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của người sử dụng dịch vụ của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về dịch vụ cấp phép trung gian thanh toán. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.