Trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm thi hành nghĩa vụ do pháp luật hành chính quy định và trách nhiệm phát sinh do vi phạm nghĩa vụ đó. Trách nhiệm pháp lí hành chính gồm khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức, buộc thôi việc,…

Quy định về trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm thi hành nghĩa vụ do pháp luật hành chính quy định là trách nhiệm mà chủ thể phải:

1) Hành động phù hợp với những yêu cầu của pháp luật hành chính;

2) Chịu những hậu quả của việc không thực hiện hay thực hiện không đúng các nghĩa vụ của mình.

Trách nhiệm phát sinh do vi phạm nghĩa vụ hành chính là nghĩa vụ của chủ thể phải gánh chịu những hậu quả của việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những yêu cầu của pháp luật hành chính, trở thành đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước và bằng hành động của mình đền bù thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.

Trách nhiệm hành chính phát sinh do vi phạm nghĩa vụ có những đặc điểm sau:

1) Là loại trách nhiệm có tính phái sinh;

2) Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm trước Nhà nước;

3) Trách nhiệm hành chính do Nhà nước áp dụng thông qua cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền;

4) Trách nhiệm hành chính được xác định trên cơ sở quy phạm pháp luật hành chính;

5) Trách nhiệm hành chính có mức độ ít nghiêm khắc hơn so với trách nhiệm hinh sự.

Trách nhiệm pháp lí hành chính gồm khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức, buộc thôi việc…

Các giai đoạn của thủ tục hành chính

Mọi thủ tục đều bao gồm nhiều hoạt động nối tiếp nhau. Các thủ tục khác nhau thì các hoạt động trong đó cũng khác nhau. Trong các thủ tục hành chính, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật có sự khác biệt đáng kể so với thủ tục giải quyết các công việc cụ thể và thủ tục này được đề cập đầy đủ trong chương “Quyết định hành chính”. Vì vậy, chương này chỉ xem xét thủ tục hành chính được dùng để giải quyết các công việc cụ thể. Thủ tục giải quyết các công việc cụ thể có thể chia thành các giai đoạn: Khởi xướng vụ việc; ra quyết định giải quyết vụ việc; thi hành quyết định; khiếu nại, giải quyết khiếu nại và xem xét lại quyết định đã ban hành.

Phân biệt trách nhiệm hành chính và trách nhiệm kỷ luật như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010 và Nghị định 112/2020/NĐ-CP

Việc phân biệt trách nhiệm hành chính và trách nhiệm kỷ luật như sau:

Tiêu chí

Trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm kỷ luật

Khái niệm

Trách nhiệm hành chính được hiểu là hậu quả pháp lý đối với đối tượng có hành vi vi phạm hành chính, phải chịu trách nhiệm thi hành nghĩa vụ do pháp luật hành chính quy định và trách nhiệm phát sinh do vi phạm nghĩa vụ đó.

Trách nhiệm kỉ luật là trách nhiệm pháp lí áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức do vi phạm kỉ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Đối tượng

Cá nhân, tổ chức

Cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức

Hình thức xử lý

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

– Trục xuất.

(Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

– Khiển trách

– Cảnh cáo

– Hạ bậc lương

– Hạ ngạch

– Cắt chức

– Buộc thôi việc

– Bãi nhiệm

(Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

Nguyên tắc xử phạt

– Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

– Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

– Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

– Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định

– Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

– Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 điểm d được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

– Khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

– Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

– Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

– Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

– Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

– Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thi hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

(Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

Căn cứ phát sinh

Khi bị cơ quan nhà nước phát hiện có hành vi vi phạm thì lập tức ra quyết định xử phạt hành chính và người vi phạm phải thực hiện trách nhiệm hành chính của mình

Khi phát hiện Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định xử lý kỷ luật đối với cá nhân đó

Trách nhiệm hành chính
trách nhiệm hành chính

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại Điều 80 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức như sau:

Thời hiệu xử lý kỷ luật

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức 2008, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

– 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

– 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức 2008.

Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

– Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

– Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

– Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

– Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Thời hạn xử lý kỷ luật

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Lưu ý: Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

– Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về trách nhiệm hành chính. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139