Thi hành án hình sự là một giai đoạn trong tố tụng hình sự và có thể coi đó là giai đoạn cuối cùng của một vụ án hình sự, cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu vai trò của thi hành án hình sự qua bài viết sau đây:
Khái quát chung về thi hành án hình sự
Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó buộc người bị xử phạt tù phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã quyết định.
Các giai đoạn tố tụng hình sự gồm: Công tác điều tra, truy tố và xét xử là rất quan trọng. Quyết định hình phạt của Toà án chính là sự đánh giá, sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện.
Nếu chỉ dừng ở mức đánh giá, lên án mà không thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế đặc trưng của quyền lực nhà nước thì tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và tính chịu hình phạt hạn chế, thậm chí là không có tác dụng. Chính vì vậy, vai trò của thi hành án hình sự trong hoạt động tố tụng là vô cùng quan trọng và cần thiết
Các ngành tư pháp trung ương nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng cũng đã ban hành một số Thông tư liên tịch, Nghị quyết để hướng dẫn một số quy định của Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay.
Các đặc trưng của thi hành án hình sự
Thi hành án có những đặc trưng cơ bản sau:
– Thi hành án là quá trình diễn ra sau quá trình xét xử của toà án. Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án. Vì vậy, có thể nói không có kết quả của hoạt động xét xử thì cũng không có hoạt động thi hành án.
– Thi hành án là dạng hoạt động có tính chấp hành, vì thi hành án chỉ được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật quy định nhằm thực hiện các các bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật.Tuy nhiên, ở đây tính chất chấp hành trong thi hành án có những nét riêng thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, nó chủ yếu do cơ quan tư pháp (theo nghĩa rộng) hay đối tượng phải thi hành án tiến hành;
Thứ hai, cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án bao gồm các quy định của pháp luật (được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật) và bản án, quyết định của toà án (văn bản áp dụng pháp luật) đã có hiệu lực pháp luật;
Thứ ba, mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án là bảo đảm cho các nội dung của các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi chứ không phải là ra các văn bản áp dụng pháp luật hoặc các quyết định có tính điều hành, nét đặc trưng của cơ quan hành chính.
– Thi hành án là dạng hoạt động có tính quản lí vì thi hành án luôn đòi hỏi các yếu tố kế hoạch, tổ chức, đôn đốc, kiểm tra, xử lí… nhằm tác động tới các đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của toà án, phải tuân theo các quy định của pháp luật;
Giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù). ở đây, tính chất quản lí cũng có đặc trưng riêng về chủ thể quản lí, đối tượng và khách thể quản lí; phạm vi và phương pháp quản lí…
– Trong thi hành án, phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết).
Điều này xuất phát từ tính chất của thi hành án như đã nêu ở trên.
Ngay cả trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thực thi hành nghĩa vụ của mình thì cũng là vì họ hiểu rằng toà án đã phán xét, sự thực đã được làm sáng tỏ (nghĩa là trước đó họ đã không tự nguyện) và nếu không thi hành thì họ sẽ phải chịu các biện pháp cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án, nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án và quyết định của toà án có những nội dung phức tạp.
Thực tế đã cho thấy rõ, trong thi hành án vai trò của các cơ quan tư pháp là rất quan trọng, nhất là các cơ quan thi hành án nhưng trong nhiều trường hợp nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp và có sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng thì việc thi hành các bản án phức tạp khó đạt được kết quả tốt.
Nhiệm vụ của thi hành bản án hình sự
Để kịp thời phát huy hiệu quả của các bản án, quyết định của toà án, giai đoạn thi hành án phải giải quyết tốt nhiệm vụ bảo đảm cho tất cả các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được đưa ra thi hành đầy đủ, nghiêm chỉnh, đúng thởi hạn luật định.
Đồng thời, tránh dây dưa, kéo dài làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ý nghĩa của thi hành bản án hình sự
Việc thi hành bản án, quyết định của toà án thể hiện sức mạnh của Nhà nước trong việc quản lí xã hội bằng pháp luật.
Việc thi hành án nghiêm chỉnh, kịp thời cho thấy khả năng và hiệu quả trong quản lí xã hội bằng pháp luật của Nhà nước.
Việc thi hành bản án, quyết định của toà án góp phần khôi phục các thiệt hại do tội phạm gây ra cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đồng thời bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền và lợi ích họp pháp của các đối tượng tham gia tố tụng có liên quan;
Việc thi hành bản án, quyết định của toà án góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm.
Vai trò của việc thi hành án hình sự
Để bản án, của Tòa án được thực thi trên thực tế, công tác thi hành án hình sự đóng vai trò rất quan trọng, đăc biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.
Chính vì thế các hoạt động tội phạm ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Cùng là hoạt động thi hành án, song hoạt động thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến đối tượng là những con người hiện hữu, cụ thể; hệ thống trại giam, trại tạm giam được đầu tư, trang bị từ trung ương đến địa phương rất kiên cố;
Bộ máy, trang thiết bị quản lý các đối tượng phạm tội cũng được đầu tư chính quy, hiện đại do vậy hoạt động thi hành án hình sự có những thuận lợi nhất định.
Đặc biệt hơn thì vai trò của thi hành án phạt tù cũng tác động vô cùng quan trọng đối với đời sống trật tự an toàn xã hội.
Hoạt động này đòi hỏi sự thực thi nhiệm vụ nghiêm chỉnh của các cán bộ chiến sĩ công an thi hành nhiệm vụ trong trại giam, đặc biệt là khi phải đối đầu với những tù nhân lì lợm, có ý định bỏ trốn, khó cải tạo.
Thi hành án Hình sự và hỗ trợ tư pháp là công tác có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vai trò của thi hành án hình sự, đồng thời có chế độ, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hoạt động tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vai trò của thi hành án phạt tù bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội,\.
Điều này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự.
Thi hành án hình sự còn giúp kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tô chức, cá nhân.
Chúng ta biết rằng, thi hành án phạt tù thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể quản lý là lực lượng chức năng và đối tượng chịu sự quản lý là phạm nhân.
Đây là mối quan hệ bất bình đẳng, trong đó phạm nhân là đối tượng yếu thế, chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo của chủ thể quản lý.
Từ những mặt khách quan cũng như chủ quan nêu trên mà vai trò của thi hành án phạt tù nói riêng và thi hành án hình sự nói chung thể hiện được sự quan trọng trong việc đảm bảo cho các giai đoạn của tố tụng hình sự được thực hiện một các thống nhất, có hiệu quả, phát huy tốt nhất tính giáo dục và đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.
Cụ thể hơn, trong thi hành án hình sự, Toà án đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực thi hành án hình sự, Tòa án nhân dân (TAND) có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; kéo dài thời hạn trục xuất; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo.
– Xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình.
– Gửi bản án, quyết định được thi hành và quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định (quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; kéo dài thời hạn trục xuất; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo).
– Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự theo thẩm quyền và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định.
– Xem xét, cấp giấy chứng nhận hoặc ra quyết định xóa án tích đối với người bị kết án.
Trên đây là một số nội dung về vai trò của thi hành án hình sự, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách và quý bạn đọc vui lòng liên hệ với Luật Trần và Liên Danh chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.