Thời gian gần đây rất nhiều người gặp phải tình trạng bị các bên tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty thu hồi nợ gọi điện, nhắn tin đến yêu cầu trả các khoản nợ tín dụng, nợ do mua hàng trả góp,… Đặc biệt là nhiều trường hợp khách hàng không có vay mượn nhưng vẫn bị đòi nợ. Vậy trường hợp này xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ tư vấn cho quý khách hàng một số cách xử lý khi nhận tin nhắn đòi nợ như trên nhé!
1. Nguyên nhân xảy ra tình trạng không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dù không có vay mượn tiền của ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ mà mình không hề vay, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
– Do tình trạng bị rò rỉ thông tin cá nhân: hiện nay do công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thông tin cá nhân có thể dễ dàng bị rò rỉ khi cá nhân tham gia các giao dịch mua bán hàng ngày hoặc tham gia các hội nhóm,… Một số đối tượng xấu có thể lợi dụng việc này để buôn bán thông tin cá nhân cho các tổ chức tín dụng bẩn để tạo những khoản vay ảo và yêu cầu người đó phải trả khoản nợ mà mình không vay.
– Do bị đối tượng xấu xử dụng thông tin khoản vay trước đó: Tình trạng này khá phổ biến khi mà hoạt động vay tín chấp, vay trả góp đang rất phổ biến, rất nhiều cá nhân tham gia vay của các tổ chức tài chính, công ty tín dụng có lưu lại hồ sơ cá nhân. Sau đó các đối tượng xấu có được hồ sơ đó đã làm giả một hồ sơ khác tạo các khoản vay và chiếm đoạt số tiền đó.
Ngoài những nguyên nhân trên, còn có một trường hợp mà rất nhiều người gặp phải thời gian gần đây là cá nhân có tham gia vay tín chấp, sau đó đã thanh toán hết khoản vay, nhưng một thời gian sau lại được thông báo rằng khoản vay chưa được tất toán, vẫn còn một khoản phí nào đó chưa được thanh toán và yêu cầu cá nhân thanh toán cùng với một phần lãi suất chậm thanh toán rất lớn. Để tránh gặp trường hợp này các cá nhân khi tham gia vay tín chấp và thanh toán cần check lại kỹ các khoản thanh toán và lưu lại chứng từ thanh toán phí. Khi đã thanh toán cần lưu lại bằng chứng về hợp đồng/hồ sơ đã được tất toán để tránh gặp phải trường hợp này.
2. Người không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì có phải trả khoản tiền đó không?
Không chỉ uy hiếp, đe dọa trả tiền nhiều app cho vay tiền hiện nay còn đăng hình ảnh cá nhân vay mượn tiền lên các trang mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người vay nhằm mục đích thu hồi tiền nợ. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp mặc dù không vay nhưng do tâm lý hoang mang, không muốn ảnh hưởng đến việc kinh doanh, cuộc sống mà vẫn tặc lưỡi trả các khoản tiền không phải do mình vay. Vậy theo quy định hiện nay, nếu bị đòi nợ các khoản tiền mà mình không vay thì có phải trả nợ không?
Theo Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay thì người vay tiền chỉ phát sinh nghĩa vụ trả tiền khi có tham gia vay mượn tiền, có thỏa thuận trả tiền. Như vậy nếu như không vay tiền, không có thỏa thuận vay thì người bị đòi nợ không có nghĩa vụ phải trả tiền.
Tuy nhiên việc bị các đối tượng xấu lấy cắp thông tin thì người bị lấy cắp thông tin cần phải chứng minh bản thân không phải người thực hiện vay tiền.
tin nhắn đòi nợ
3. Không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì nên xử lý như thế nào?
Khi không vay tiền nhưng vẫn bị các app cho vay tiền, các tổ chức tín dụng liên tục dùng điện thoại để đòi nợ, đe dọa, quấy rối, vu khống, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩn của người khác thì hành vi bị coi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Hành vi này có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng.
Khi bị làm phiền thì đầu tuên người bị làm phiền cần tìm cách thu thập lại bằng chứng về việc đòi nợ bất hợp lý như:
– Ghi âm hoặc quay phim lại các cuộc gọi đòi nợ;
– Lưu lại nhưng tin nhắn đòi nợ, đe dọa đòi nợ,…;
– Lưu lại thông tin màn hình, giao diện mạng của người đòi nợ, người đưa tin đối với trang đưa tin,…;
– Lập vi bằng ghi nhận lại các thông tin tin nhắn, những thông tin đăng tải mà có nội dung đe dọa, vu khống và xúc phạm danh dự, nhân phẩm,…;
Sau khi có những bằng chứng trên thì người bị làm phiền có xử lý bằng những cách sau:
Cách 1: Liên hệ, làm rõ với tổ chức tín dụng, app cho vay tiền
Đầu tiên khi nhân iên của tổ chức tín dụng, app cho vay tiền gọi điện tới cần giải thích cho người gọi điện là mình không có vay tiền, đề nghị họ xem xét lại hồ sơ vay. Người bị làm phiền cần hỏi thông tin của bên cho vay, yêu cầu bên đòi nợ cung cấp chứng từ, hợp đồng, thông tin chứng minh về việc vay nợ của mình.
Lưu ý: trong quá trình trao đổi tuyệt đối cung cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên đòi nợ.
Nếu không thể trao đổi được với người gọi điện mà có được thông tin của tổ chức đòi nợ thì người bị làm phiền có thể liên hệ trực tiếp đến văn phòng của công ty để khiếu nại, khi đi mang theo các bằng chứng chứng minh mình không liên quan đến các khoản nợ đó, và đã bị làm phiền, chửi bới, đe dọa như thế nào?
Cách 2: Trình báo ra cơ quan công an
Người bị làm phiền có thể đến trực tiếp cơ quan Công an để trình báo về hành vi của tổ chức, cá nhân đòi nợ bạn hoặc làm đơn trình báo gửi qua đường bưu điện kèm theo bằng chứng để trình báo. Cơ quan công an khi tiếp nhận thông tin trình báo sẽ điều tra, tùy vào hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hồ sơ cần nộp để trình báo gồm:
– Đơn trình báo/tố cáo hành vi vi phạm.
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh bản thân không vay tiền, giấy tờ tài liệu chứng minh mình đã bị làm phiền, vu không hoặc đe dọa danh dự, nhân phẩm kèm theo số điện thoại của người đòi nợ.
Cách 3: Đề nghị sở Thông tin và truyền thông xử lý
Việc lợi dụng thông tin trên mạng, sử dụng mạng xã hội, mạng internet,… để thực hiện hành vi đòi nợ cũng vi phạm quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Nếu người bị làm phiền biết được thông tin địa chỉ của tổ chức, cá nhân đòi nợ thì có thể gửi đơn trình báo đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi Công ty đặt trụ sở để đề nghị xử lý.
Cách 4: Gửi đơn trình báo đến Thanh tra, giám sát ngân hàng
Người bị đòi nợ có thể gửi đơn trình báo sự việc đến cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng để đề nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, Công ty đòi nợ.
Trên đây là những cách thức giải quyết chính khi bị đòi nợ những khoản tiền mà mình không vay. Ngoài ra người bị làm phiền nên chặn các tin nhắn, cuộc gọi đến từ các cá nhân, tổ chức đòi nợ để tránh những tin nhắn, cuộc gọi này gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt.
Cuộc sống càng hiện đại thì thông tin cá nhân càng dễ bị rò rỉ, những thông tin cá nhân được các tổ chức, cá nhân bán qua lại, nó có thể giúp họ tìm được khách hàng tiền năng để có thể tiêu thụ sản phẩm họ buôn bán, Nhưng cũng có những công ty, tổ chức sử dụng thông tin cá nhân sử dụng thông tin này vào mục đích trục lợi. Đây là nguyên nhân sinh ra các vụ việc không vay mượn tiền mà vẫn bị đòi nợ như trên. Vậy nên hãy bảo mật thông tin cá nhân của mình một cách cẩn thận. Chỉ tiết lộ thông tin khi thực sự cần thiết và thận trọng để tránh những rủi ro pháp lý mai sau.
4. Gọi điện, nhắn tin đòi nợ sẽ bị xử lý ra sao?
Việt Nam nghiêm cấm cách thức khủng bố đe dọa để đòi nợ, theo điều 156 Bộ luật Hình sự, hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhâm phầm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt hành chính từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Và theo điều 133 Bộ luật Hình sự quy định về tội đe dọa giết người nếu có căn cứ khiến cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện thì người gây ra hành vi này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vì vậy, bạn hãy yên tâm pháp luật nhà nước sẽ bảo vệ bạn, hãy bình tĩnh và thực hiện các cách theo hướng dẫn bên trên nhé.
Trên đây là một số chia sẻ về cách xử lý khi bị nhận tin nhắn đòi nợ của Luật Trần và Liên danh, hi vọng qua bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ và biết cách xử lý khi bất chợt nhận được tin nhắn đòi nợ từ các số lạ. Hãy liên hệ với chúng tôi để được cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp và nhanh nhất. Luật Trần và Liên danh – Đồng hành pháp lý cùng bạn.