Khi giao kết hợp đồng, các bên luôn mong muốn đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng và kết thúc hợp đồng một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn có thể xảy ra tranh chấp. Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng, các bên không tự thương lượng, hòa giải được với nhau thì có thể giải quyết tại Tòa án, trong đó thời hiệu khởi kiện là một trong những vấn đề đặc biệt lưu ý khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin liên quan đến thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Hợp đồng là gì? Tranh chấp hợp đồng là gì? Giải quyết tranh chấp hợp đồng tại toà án
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Tranh chấp hợp đồng dân sự được hiểu là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng có các đặc điểm cơ bản sau:
– Phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đồng.
– Mang yếu tố tài sản và gắn liền với lợi ích các bên trong tranh chấp.
– Có sự vi phạm thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ của một hoặc các bên, sự vi phạm này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên còn lại.
Khi tranh chấp hợp đồng xảy xa, các bên có thể giải quyết thông qua nhiều phương thức, trong đó có thể kể đến như: thương lượng, hoà giải, trọng tài…
Trong đó, giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua Toà án là phương thức phổ biến và được các bên lựa chọn áp dụng. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án, cụ thể: Tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 3 Điều 26.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong thời hạn đó, người có quyền yêu cầu được khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý”.
Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ: A cho B vay 100 triệu đồng, thời hạn vay 01 tháng kể từ ngày 11/01/2020, lãi suất 2%/tháng, đến thời hạn trả nợ là ngày 11/02/2020, B không trả tiền cho A và A muốn khởi kiện B ra Tòa án. Thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là bao lâu? Và A còn quyền khởi kiện không (tính đến thời điểm ngày 09/04/2022)?
Theo quy định Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ thời điểm bắt đầu tính thời hiệu. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng là từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu phải căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì bên có quyền lợi bị xâm phạm biết hoặc phải biết hành vi vi phạm các điều khoản của hợp đồng và thời điểm biết hoặc phải biết là ngày bên có nghĩa vụ phải thực hiện mà không thực hiện nghĩa vụ hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại.
Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là ngày hợp đồng hết thời hạn thực hiện.
Như vậy, trong trường hợp trên thời hiệu khởi kiện là 03 năm tính từ ngày A biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm đó là ngày 11/02/2020. Do đó, tính đến thời điểm ngày 09/04/2022 A vẫn còn quyền khởi kiện.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
+ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ví dụ: Công ty A thỏa thuận bán cho công ty B 100 mặt hàng sản phẩm gốm sứ và cam kết giao cho công ty B vào ngày 05/08/2020, tuy nhiên trong quá trình giao hàng, do có cơn bão mạnh nên xe vận chuyển của công ty A gặp tai nạn dẫn đến một nửa số hàng bị hư hỏng. Trong trường hợp này, do sự kiện thiên tai xảy ra, dẫn đến công ty A không thể giao đúng số lượng và chất lượng hàng hóa đã cam kết với công ty B.
+ Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Ví dụ: Ông X (bên bán) ký hợp đồng mua bán hạt điều với ông Y (bên mua). Hai bên thỏa thuận thanh toán theo từng đợt.
Đợt 1: Ngày 04/05/2020, ông Y sẽ thanh toán trước cho ông X 50 triệu;
Đợt 2: Ngày 07/09/2020 ông Y sẽ thanh toán số tiền còn lại cho ông X sau khi ông X giao đủ hàng hóa. Tuy nhiên, đến ngày 07/09/2020, ông X không giao hàng cho ông Y và ông X cũng không trả lại số tiền ông Y đã thanh toán đợt 1 nên ngày 10/02/2021, ông Y khởi kiện ông X lên Tòa án.
Được biết, ngày 05/09/2020, ông X bị tai nạn giao thông phải nhập viện và được ra viện vào ngày 20/09/2020, hồ sơ bệnh án của bệnh viện xác nhận ông Y bị gãy chân và chấn thương sọ não. Như vậy, vì ông X bị tai nạn dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ của mình nên khoảng thời gian ông X nhập viện không tính vào thời hạn khởi kiện.
– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là khoảng thời gian diễn ra liên tục từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, nếu xảy ra các sự kiện nêu trên thì khoảng thời gian xảy ra các sự kiện đó không được tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng.
Trường hợp áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Đây là quy định mới về thời hiệu khởi kiện, phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Khi hết thời hiệu khởi kiện, người khởi kiện vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đối với vụ việc hết thời hiệu khởi kiện nhưng một bên hoặc các bên, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu (trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ), có nghĩa là không ai có yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện thì Tòa án vẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục chung.
Chỉ khi hết thời hiệu khởi kiện và có yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu của một bên hoặc các bên trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng thì Tòa án mới căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp hợp đồng. Như vậy, Tòa án không được tự ý viện dẫn lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
– Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác;
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
– Trường hợp khác do luật quy định.
Theo giải đáp tại Công văn 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử ngày 02 tháng 08 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao:
Tại khoản 2 Mục III về Dân sự có giải đáp:
“Ông A vay của Ngân hàng 01 tỷ đồng, thời hạn vay 01 tháng kể từ ngày 02-01-2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 01 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày 03-02-2017 đến ngày 03-02-2020, Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?
Theo quy định Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không”.
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng
Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp:
– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Theo đó, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong các sự kiện nêu trên.
Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng được tính từ ngày người có quyền yêu cần biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kể từ ngày người có nghĩa vụ đã thừa nhận nghĩa vụ của mình (một phần hoặc toàn bộ) hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ với người khởi kiện, hoặc các bên tự hòa giải với nhau thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại.
Áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.
Theo đó, đối với các hợp đồng được xác lập trước ngày 01/07/2016 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như phân tích trên.
Tóm lại, khi tranh chấp hợp đồng xảy ra thì bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời hiệu khởi kiện là một trong những vấn đề quan trọng cần xác định vì người khởi kiện có thể mất quyền khởi kiện nếu hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, việc nắm rõ các quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện sẽ giúp các bên trong quan hệ hợp đồng có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
– Công văn 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử ngày 02 tháng 08 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao.
Trên đây là bài viết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự của Luật Trần và Liên Danh. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.