Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Vậy cần phải tốn bao nhiêu thời gian để việc ly hôn được giải quyết xong? Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin liên quan đến thời gian giải quyết ly hôn.
Khi nào bạn được yêu cầu ly hôn?
Theo quy định khi hai vợ chồng đồng thuận, hoặc khi “có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” (Điều 56 Luật hôn nhân gia đình) thì bạn được nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong đó:
Vợ chồng đồng thuận ly hôn là thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đây là cách ly hôn nhanh nhất, đơn giản nhất.
Như vậy với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì lý do xin ly hôn không quá quan trọng, nó phù hợp với nguyên tắc tôn trọng ý chí tự nguyện của vợ chồng trong hôn nhân.
Vợ chồng không đồng thuận ly hôn là thủ tục đơn phương ly hôn. Tòa án sẽ căn cứ vào đơn khởi kiện ly hôn để xác định có chấp thuận giải quyền ly hôn cho bạn không, hay bác yêu cầu ly hôn. Nếu bị Tòa bác yêu cầu ly hôn thì sau 01 năm bạn mới được nộp lại đơn xin ly hôn.
Thời gian ly hôn đơn phương mất bao lâu?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng. Kèm theo đó là sự thay đổi về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con cái, tài sản…
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có thể được Tòa án giải quyết theo yêu cầu của một bên. Theo đó, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu có một trong các căn cứ:
– Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình;
– Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của mình làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể tiếp tục chung sống với nhau và mục đích xây dựng gia đình không đạt được;
– Khi Tòa tuyên bố một trong hai người đã mất tích…
Bởi ly hôn đơn phương xuất phát từ yêu cầu của một người nên trong thực tế có khá nhiều trường hợp bên kia gây khó khăn, bất lợi thậm chí cản trở việc ly hôn này.
Do đó, thời gian đơn phương ly hôn trên thực tế thậm chí sẽ bị kéo dài hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật.
Về bản chất, ly hôn đơn phương là một vụ án dân sự. Do đó, thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương sẽ thực hiện theo thủ tục của một vụ án dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Bước 1: Người có yêu cầu gửi đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công 01 thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời gian 03 ngày làm việc. Sau đó, trong thời gian 05 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra một trong các quyết định:
– Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thụ lý vụ án;
– Chuyển đơn cho đơn vị khác có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện;
– Trả lại đơn khởi kiện;
Bước 3: Nếu Tòa án thụ lý đơn ly hôn, thì trong thời gian 04 tháng, Tòa án sẽ chuẩn bị xét xử để thu thập chứng cứ, xác định tư cách đương sự, hòa giải…
Trong thời gian này, người yêu cầu ly hôn sẽ được nhận thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, nộp tiền và gửi lại biên lai cho Tòa án và Tòa án sẽ ra một trong các quyết định: Công nhận thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử.
Đối với vụ án phức tạp hoặc do tính chất bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử không quá 02 tháng.
Bước 4: Kể từ ngày đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 01 tháng, Tòa án phải mở phiên tòa. Nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Như vậy, trong các vụ án ly hôn, không phải vụ nào cũng diễn ra thuận lợi bởi thực tế việc các bên có thể đi đến thỏa thuận thường gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, thời gian để giải quyết một vụ ly hôn đơn phương nhanh nhất khoảng hơn 05 tháng hoặc có thể kéo dài hơn nhiều tùy tính chất, sự phức tạp của từng vụ cụ thể.
Thuận tình ly hôn chỉ mất khoảng 02 tháng?
Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thuận tình ly hôn là việc hai vợ chồng cùng tự nguyện yêu cầu ly hôn sau khi đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, cấp dưỡng … con.
Bởi lúc này, ngoài việc thuận tình ly hôn thì việc chia tài sản chung vợ chồng, việc giành quyền nuôi con, thăm nom con cái và các vấn đề phát sinh khác trong quá trình chung sống đã được các bên thỏa thuận nên thời gian để Tòa án giải quyết sẽ nhanh hơn so với đơn phương xin ly hôn.
Theo đó, thời gian để thuận tình ly hôn được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể gồm các mốc thời gian sau đây:
03 ngày: Sau khi hai vợ chồng nộp đơn yêu cầu xin thuận tình ly hôn và tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn. Sau khi xem xét đơn, Tòa án có thể trả lại, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thụ lý giải quyết đơn yêu cầu.
05 ngày: Nếu xét thấy đơn yêu cầu đủ điều kiện để thụ lý thì Tòa án thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí. Sau khi nộp lệ phí thì người yêu cầu phải nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền.
03 ngày: Tòa thông báo cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn.
01 tháng: Đây là thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Trong thời gian này, Tòa án tiến hành các việc như: Hòa giải, yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự…
Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn nhưng không quá 01 tháng.
15 ngày: Đây là thời hạn Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự kể từ ngày ra quyết định.
Như vậy, thời gian để giải quyết thuận tình ly hôn chỉ khoảng 02 – 03 tháng, nhanh hơn rất nhiều so với đơn phương ly hôn.
Lưu ý: Thời gian giải quyết các vụ ly hôn chỉ mang tính chất tương đối. Tùy vào tình huống thực tế mà thời gian giải quyết thủ tục ly hôn có thể ngắn hơn hoặc dài hơn.
Bạn được yêu cầu chia tài sản nào khi ly hôn?
Về nguyên tắc thì tài sản chung của vợ chồng được yêu cầu chia đôi khi ly hôn trong đó có xem xét công sức đóng góp của mỗi người, thêm vào đó người vi phạm chế độ hôn nhân gia đình sẽ bị chia ít hơn.
Luật sư cũng đã chia sẻ chi tiết nội dung: Thế nào được coi là tài sản chung vợ chồng? Trong bài viết này luật sư xin chia sẻ ví dụ thực tế về phân chia tài sản chung vợ chồng thường gặp để mang lại sự hữu ích cho quý vị.
Ví dụ 1: Nhà đất được bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ tặng cho khi lấy nhau
Về mặt lý thì Tòa án sẽ xác định nhà đất đã nêu đang đứng tên ai? GCN quyền sử dụng đất cấp khi nào? Công sức tạo dựng, đóng góp của vợ chồng ra sao? Từ đó quyết định có tiếp nhận yêu cầu phân chia tài sản này khi giải quyết ly hôn không.
Ví dụ 2: Tiền tích kiệm của vợ chồng trong tài khoản ngân hàng
Khoản tiền này hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì chắc chắn được yêu cầu phân chia. Tuy nhiên làm sao Tòa án xác minh được số tiền cụ thể, số tài khoản, tên ngân hàng gửi tiền để chấp thuận giải quyết yêu cầu chia tiền là vướng mắc rất lớn.
Ví dụ 3: Tiền vay mượn để kinh doanh hoặc chi trả chi tiêu gia đình
Nhiều người chồng không đồng ý liên đới chịu trách nhiệm với khoản nợ vợ đi vay để cho con ăn học.
Nhưng lại không thể giải thích được làm sao mỗi tháng có số tiền cả chục triệu đóng tiền học cho con. Giải quyết yêu cầu phân chia nợ chung là rất khó, bởi căn cứ chứng minh không rõ ràng.
Các yêu cầu trên nếu biết cách thu thập chứng cứ Tòa án đều giải quyết cho bạn. Do đó trước khi xin ly hôn, bạn nên rà soát lại những yêu cầu nào nên gửi tới Tòa án song song với yêu cầu giải quyết ly hôn.
Có được yêu cầu bồi thường khi ly hôn không?
Pháp luật luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, do đó khi có căn cứ thấy rằng hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho mình thì bạn được quyền yêu cầu bồi thường.
Vậy khi ly hôn, liệu hành vi của vợ/chồng có được coi là hành vi vi phạm luật hôn nhân và gây thiệt hại để bạn được đòi bồi thường không? Mức bồi thường như thế nào?
Một số khách hàng liên hệ Luật sư hỏi về “Yêu cầu bổi thường tuổi xuân có được không?”. Thực thế pháp luật không cấm bạn đưa ra yêu cầu này trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn nhưng bạn cần hiểu: Khi kết hôn bạn tự nguyện thì đồng nghĩa với việc bận chấp nhận các rủi ro có thể xảy ra.
Đương nhiên nếu bạn thấy rằng căn cứ yêu cầu bổi thường tuổi xuân của mình là có cơ sở, có chứng cứ thì chúng tôi ủng hộ việc gửi yêu cầu này cho Tòa để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bạn.
Làm sao để giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn
Thông thường việc tranh chấp quyền nuôi con diễn ra chủ yếu trong thủ tục ly hôn đơn phương. Các yếu tố Tòa án căn cứ để quyết định quyền nuôi con từ 36 tháng – 7 tuổi nếu vợ chông không thỏa thuận được với nhau như sau:
Thu nhập hàng tháng: Bạn cần chứng minh được thu nhập hàng tháng của bạn có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính cho con phát triển khôn lớn.
Chỗ ở ổn định: Nếu bạn có chỗ ở ổn định cho con hơn đối phương thì đây là một lợi thế.
Môi trường sống: Bạn sẽ có lợi hơn nếu chứng minh được môi trường sống khi con ở cùng bạn sẽ tốt hơn đối phương. Bạn cần chỉ ra môi trường ở đó tốt như thế nào, bạn có thể dành cho con những tiện nghi như thế nào, việc học hành và di chuyển của con đảm bảo ra sao?
Thời gian làm việc: Nếu bạn có nhiều thời gian và sự chăm sóc cho con nhiều hơn đối phương thì đây là ưu điểm tốt để Tòa xem xét.
Hành vi của bạn: Yếu tố này quan trọng nhất khi Tòa xem xét việc nuôi con, nếu hành vị, lối sống của bnj ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của con hơn đối phương thì bạn sẽ giành được lợi thế quyền nuôi con.
Căn cứ trên các yếu tố này mà khi ly hôn chúng ta cần tập hợp chứng cứ hợp pháp để bảo vệ yêu cầu xin giành quyền nuôi con đưa ra.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc liên quan đến thời gian giải quyết ly hôn.
Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn qua HOTLINE của Luật Trần và Liên Danh.