Thành lập trung tâm ngoại ngữ

thành lập trung tâm ngoại ngữ

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu ngoại ngữ của mọi người trong xã hội, hàng loạt các trung tâm ngoại ngữ được mở ra với nhiều loại ngôn ngữ chẳng hạn: tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn,… Để được thành lập và hoạt động, các trung tâm ngoại ngữ này phải đảm bảo được điều kiện về ngành nghề kinh doanh có điều kiện với những nội dung chủ yếu dưới đây:

Đối tượng có quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ

Theo Điều 2, Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học (ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 21/08/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì căn cứ theo loại đối tượng thành lập trung tâm ngoại ngữ, có 3 hình thức trung tâm ngoại ngữ:

Trung tâm ngoại ngữ do Nhà nước thành lập;

Trung tâm ngoại ngữ do tổ chức, cá nhân trong nước thành lập;

Trung tâm ngoại ngữ do cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài góp vốn toàn bộ hoặc một phần thành lập;

Như vậy, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, tổ chức kinh tế, xã hội, xã hội nghề nghiệp được thành lập hợp pháp hoàn toàn có thể tự mình thành lập trung tâm ngoại ngữ để kinh doanh.

Điều kiện, thủ tục để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục

Khi được cấp phép thành lập, trung tâm ngoại ngữ muốn hoạt động giáo dục phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục như sau:

* Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục quy định tại khoản 21 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP như sau:

“21. Sửa đổi, bổ sung Điều 48 như sau:

Điều 48. Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục

Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.

Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.” 

* Thủ tục để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục

– Hồ sơ quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP gồm có:

+ Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;

+ Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;

+ Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;

+ Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.

– Trình tự thực hiện được quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP như sau:

+ Trung tâm ngoại ngữ, tin học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định đến người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.

* Người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục được quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP như sau:

+ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 47 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP);

+ Giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động trong khuôn viên của trường.

Như vậy, trung tâm ngoại ngữ có thể do Nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước hoặc cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn một phần, phải đảm bảo các Điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Khi muốn thành lập trung tâm ngoại ngữ, các đối tượng trên phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.

Điều kiện của giám đốc trung tâm ngoại ngữ

Giám đốc trung tâm là người trực tiếp quản lý, điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của trung tâm.

Căn cứ Khoản 2, Điều 6 Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học thì giám đốc trung tâm phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

Có nhân thân tốt;

Có năng lực quản lý;

Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Giám đốc trung tâm được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập trung tâm bổ nhiệm. Nhiệm kỳ giám đốc trung tâm ngoại ngữ là 05 năm.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi Trung tâm ngoại ngữ đặt địa điểm là người có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ.

Căn cứ: Điểm a, khoản 1, Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP

Hồ sơ thực hiện thủ tục xin cấp phép

Theo quy định tại khoản 2, Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ gồm: 

a) Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;

b) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;

c) Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;

d) Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm (Giấy xác nhận tài khoản ngân hàng của Công ty: có tối thiểu 300 triệu đến 500 triệu đồng).

Trên thực tế, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập trung tâm ngoại ngữ cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

+ Đối với tổ chức là doanh nghiệp thành lập trung tâm ngoại ngữ 

Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (có ngành nghề về dạy ngoại ngữ);

Hợp đồng thuê, mượn trụ sở nơi đặt trụ sở của trung tâm có công chứng (thời hạn thuê ít nhất 01 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ); Diện tích đảm bảo 1,5m2 /1 học viên). Diện tích 1 phòng học 30m2;

Giấy cam kết phòng cháy chữa cháy (tự làm)

Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà, đất nơi đặt trụ sở trung tâm;

Danh sách giáo viên giảng dạy; Danh sách nhân viên trung tâm;

Ký hợp đồng lao động với Giám đốc Trung tâm, giáo viên và các nhân viên khác;

Văn bản xác nhận của chính quyền địa phương đồng ý cho mở trung tâm (Quý doanh nghiệp chi trả chi phí xin công văn chấp thuận)

+ Đối với giám đốc trung tâm 

Văn bản xác nhận thời gian công tác trong lĩnh vực giáo dục của cơ sở giáo dục ít nhất từ 03 năm trở lên ở vị trí tư vấn giáo dục hoặc giảng dạy;

Sơ yếu lý lịch có dán ảnh 3×4, có xác nhận của UBND phường nơi cư trú (Chú ý thời gian công tác trong sơ yếu lý lịch phải khớp với văn bản xác nhận thời gian công tác);

Bản sao chứng thực Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc Bằng B1 hoặc các chứng chỉ khác

Giấy khám sức khỏe trong thời hạn 6 tháng gần nhất;

Bản sao chứng thực Chứng minh thư nhân dân;

thành lập trung tâm ngoại ngữ
thành lập trung tâm ngoại ngữ

+ Đối với giáo viên, nhân viên của trung tâm ngoại ngữ 

Đối với giáo viên ngoại ngữ, cần tối thiểu là 04 giáo viên (25 học viên/1 giáo viên/1 ca học):

Bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ (nếu không có chuyên ngành sư phạm thì phải có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm);

Bản sao chứng thực CMND;

Nơi công tác hiện tại;

Hồ sơ lao động (Sơ yếu lý lịch, Giấy khám sức khỏe, Đơn xin việc)

Đối với nhân viên khác:

Kế toán: Bản sao chứng thực Bằng tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp và bản sao chứng thực CMND

Nhân viên tư vấn: Bản sao chứng thực bằng đại học tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế, thương mại, ngoại ngữ…; Bản sao chứng thực  CMND;

Thủ quỹ: Bản sao chứng thực Bằng tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp; Bản sao chứng thực CMND

Bảo vệ: Bản sao chứng thực CMND; Hồ sơ lao động (Sơ yếu lý lịch, Giấy khám sức khỏe, Đơn xin việc)

Lưu ý: Tất cả các giấy tờ chứng thực phải có thời hạn trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm nộp hồ sơ.

+ Một số thông tin khác cần chuẩn bị:

Liệt kê đầy đủ giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, chỉ rõ sử dụng giáo trình nào;

Lập bảng kê Cơ sở vật chất: như bàn, ghế, bảng, máy tính, máy chiểu để giảng dạy, Các trang thiết bị PCCC ở mỗi tầng…. (kèm theo thông tin về giá trị thành tiền của cơ sở vật chất để tính chi phí);

Dự kiến trả lương cho giáo viên ( cụ thể theo giờ/tháng/buổi);

Dự kiến thu các loại học phí của học viên;

Nội dung chi tiết Chương trình giảng dạy; kế hoạch giảng dạy, kiểm tra, thi cuối khóa;

Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, quy mô đào tạo, tổ chức cơ cấu, diện tích các phòng. Tên trung tâm gồm “trung tâm ngoại ngữ” và “tên riêng”. Tên riêng của trung tâm không được trùng với tên riêng của trung tâm đã thành lập trước đó, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ

Theo khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ, trình tự thành lập và cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập đối với trung tâm ngoại ngữ như sau:

* Hồ sơ thành lập trung tâm ngoại ngữ bao gồm:

– Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học;

– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;

– Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

*Trình tự thực hiện như sau:

– Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định đến người có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học:

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra theo quy định;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học quyết định thành lập, cho phép thành lập nếu đủ điều kiện; nếu chưa quyết định thành lập thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.

* Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ được quy định như sau:

– Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học trong khuôn viên nhà trường;

– Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc;

– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm ngoại ngữ, tin học quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139