Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế, trong quá trình tồn tại, doanh nghiệp khó mà tránh được những vấn đề khó khăn. Khi ấy, tạm ngừng kinh doanh là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp. Thời gian tạm ngừng kinh doanh chính là khoảng thời gian để các công ty phục hồi và chuẩn bị cho một chiến dịch trở lại mang tính chiến lược và hiệu quả.
Nhờ đó mà doanh nghiệp có thể có những bước chuyển mình giúp công ty phát triển hơn. Vậy thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế mới nhất được quy định cụ thể như thế nào? tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra thuế nữa không? Hãy cùng công ty Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu thông qua câu hỏi cụ thể dưới đây.
Cơ sở pháp lý
– Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Luật Quản lý thuế 2019;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP gồm các quy định hướng dẫn Luật quản lý thuế 2019;
Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có thể được phép tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Vậy tạm ngừng kinh doanh là gì?
Khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định rằng: “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Từ định nghĩa về tạm ngừng kinh doanh theo quy định trên và quy chiếu theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, có thể rút ra các đặc điểm chính của hoạt động tạm ngừng kinh doanh. Bao gồm các đặc điểm chính như sau:
Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, là việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định.
Tạm ngừng kinh doanh phải tuân thủ theo thủ tục của Luật Doanh nghiệp 2020
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh gồm hai trường hợp”
Theo quyết định của doanh nghiệp.
Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Nói một cách dễ hiểu thì tạm ngừng kinh doanh là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Luật sư tư vấn trả lời
Thông báo tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan thuế
Theo quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 thì, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
Điều 37 Luật Quản lý thuế 2019 quy định Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đã thông báo tới cơ quan Đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiếp tục quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh.
Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp bạn đã làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2021 tại cơ quan Đăng ký kinh doanh thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh với cơ quan Thuế. Ngược lại, trường hợp bạn chưa đăng ký kinh doanh, mà xin cấp mã số thuế trực tiếp tại cơ quan thuế thì sẽ phải tự mình làm thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh với cơ quan Thuế.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế
Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết quy định tạm ngừng kinh doanh của Luật quản lý thuế về căn cứ xác định thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh như sau:
– Đối với người nộp thuế làm thủ tục đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế, thời gian tạm ngừng kinh doanh của nó sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận và cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
Các cơ quan này gửi thông tin đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho cơ quan thuế qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc hay chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo, kể từ ngày cơ quan này ghi nhận trạng thái tạm ngừng kinh doanh lên Hệ thống thông tin quốc gia.
– Đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế thì thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh.
Cơ quan thuế phải có thông báo xác nhận gửi lại cho người nộp thuế về thời gian người nộp thuế đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh của người nộp thuế.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh thì:
– Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế. Trừ trường hợp họ tạm ngừng kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc không trọn năm tài chính thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý và hồ sơ quyết toán thuế năm của việc kinh doanh.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng kinh doanh sẽ được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định.
– Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
Trong trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế và báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
– Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, các thông báo của cơ quan quản lý thuế về việc đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về việc quản lý thuế, việc thanh tra, kiểm tra thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế được ban hành tại phụ lục II-19 kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
TÊN DOANH NGHIỆP ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: ………… |
…….., ngày …. tháng … năm …. |
THÔNG BÁO
Về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp/ chi nhánh công ty/ văn phòng đại diện/ địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
Kính gửi: Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố…………..
Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa):…………………………………
Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế: …………………………………………
Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chỉ kê khai nếu không có mã số doanh nghiệp/ mã số thuế): …………….. Ngày cấp …./…/….. Nơi cấp: ……………..
a) Đối với doanh nghiệp:
Đăng ký tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày…../…./…. đến hết ngày…./ ……/…….
Lý do tạm ngừng kinh doanh : ……………………………………………
Sau khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng của tất cả các chi nhánh công ty/ văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp sang tình trạng “Tạm ngừng kinh doanh”.
b) Đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh:
Đăng ký tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày …../…./…. đến hết ngày…./ ……/……. đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh sau:
Tên chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa) ……………………… ………………………………..
Mã số/ Mã số thuế của chi nhánh công ty/ văn phòng đại diện/ địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp: …………………………..
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số (chỉ kê khai nếu không có mã số chi nhánh/ mã số thuế): ………………. Ngày cấp …/…/…. Nơi cấp: …………….
Chi nhánh chủ quản (chỉ kê khai đối với trường hợp đăng ký tạm ngừng kinh doanh địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh):
Tên chi nhánh: ……………………………………………………………..….
Mã số chi nhánh/ Mã số thuế của chi nhánh: ………………………………
Số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (chỉ kê khai nếu không có mã số chi nhánh/mã số thuế): …………………. Ngày cấp …./…./….. Nơi cấp: …………….
Lý do tạm ngừng kinh doanh: ………………………………………………
Doanh nghiệp cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác và trung thực của nội dung Thông báo tạm ngừng kinh doanh này.
Người ký Thông báo tạm ngừng kinh doanh này cam kết là người có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty.
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP/ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHI NHÁNH (Ký và ghi họ tên) |
Một số vấn đề cần lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh
Theo những cập nhật mới nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 thì khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần phải chú ý một số điểm sau:
Thứ nhất, thời hạn thông báo theo quy định mới nhất là 3 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo tạm ngừng thì cũng phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục kinh doanh.
Thứ hai, thời gian tạm ngừng mỗi lần không quá 01 năm và không hạn chế số lần tạm ngừng liên tiếp.
Thứ ba, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ kê khai thuế trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Thứ tư, miễn lệ phí môn bài cho năm tạm ngưng trong trường hợp văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh được gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01.
Thứ năm, nơi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh: Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty chỉ cần nộp tại Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG phải nộp tại cơ quan thuê đang quản lý thuế của Doanh nghiệp.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh công ty
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Như vậy, so với luật doanh nghiệp 2014 thì luật doanh nghiệp 2020 không giới hạn số lần doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh liên tiếp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về thủ tục tạm ngừng kinh doanh. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.