Quyền thừa kế đất đai

quyền thừa kế đất đai

Đất đai là tài sản lớn và có vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. “Tấc đất tấc vàng” vì vậy việc duy trì và bảo vệ tài sản này được mỗi người chú trọng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nếu như con người không thể sống mãi và phải chết đi thì đất đai là tài sản bất biến vì vậy pháp luật cần được thừa kế và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hiện nay luật thừa kế không có những quy định riêng đối với việc thừa kế tài sản là đất đai, việc áp dụng pháp luật thừa kế đối với đất đai là sự tổng hợp các quy định về luật dân sự và bên cạnh đó tuân thủ pháp luật đất đai.

Tư vấn quyền thừa kế đất đai là việc luật sư tư vấn hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ trong quan hệ thừa kế. Qua đó luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo được nguyện vọng của họ được thực hiện.

Thừa kế đất đai theo di chúc

Thừa kế đất đai là việc thừa kế trong đó tài sản để lại của người chết là đất đai. Tư vấn luật thừa kế đất đai trong đó quy định thừa kế đất đai theo di chúc, trong di chúc thể hiện ý chí của người chết sẽ định đoạt tài sản thừa kế đất đai cho ai.

Thủ tục khai nhận di sản là đất đai theo Di chúc thực hiện tại văn phòng công chứng:

Bản Di chúc;

Tờ tường trình về quan hệ nhân thân (theo mẫu);

Giấy chứng tử của người để lại di sản;

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;

Giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu, khai sinh) của người tham gia phân chia, khai nhận di sản, hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân giữa người chết và người được nhận di sản (tùy trường hợp cụ thể).

Thừa kế đất đai theo pháp luật

Nếu người chết không để lại di chúc thì khi tài sản đất đai sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thủ tục khai nhận di sản là đất đai thực hiện qua phòng công chứng theo quy định pháp luật:

Văn bản khai nhận thừa kế (theo mẫu);

Tờ tường trình về quan hệ nhân thân (theo mẫu);

Giấy chứng tử của người để lại di sản;

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó, nếu di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu;

Giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu, khai sinh) của người tham gia phân chia, khai nhận di sản, hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân giữa người chết và người được nhận di sản (tùy trường hợp cụ thể).

quyền thừa kế đất đai
quyền thừa kế đất đai

Tư vấn phân chia quyền thừa kế đất đai?

Chào luật sư, xin luật sư tư vấn cho tôi một vấn đề như sau: Tôi năm nay 21 tuổi. Ông ngoại tôi mất đã 4 năm, trước khi mất ông có 3 người con là cậu cả, dì và mẹ của tôi. Nhưng dì tôi lấy chồng và theo chồng về bắc ở. chỉ còn cậu cả và mẹ tôi, tôi với mẹ ở với ông từ nhỏ.

Ông mất quá đột ngột nên không để lại di chúc, lúc đó cậu cả vào xây dựng nhà ở cho con cậu mà cậu không hề hỏi tôi với mẹ mà tự tiện làm.

Tôi không nói gì nhưng vì cậu cả làm quá nên giờ tôi muốn hỏi luật sư: Theo luật sư thì cậu tôi có quyền xây dựng nhà ở trên đất đó không, vì trên giấy tờ thì gia đình cậu tôi không có tên trong đó chỉ có tên tôi với mẹ? Và tôi có quyền đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất và đứng ra lên tiếng không?

Mong luật sư cho tôi cách giải quyết tốt nhất để hai bên không phải lớn chuyện. xin chân thành cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

Về vấn đề thừa kế, vì ông của bạn mất đột ngột và không để lại di chúc nên thuộc một trong các trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

Không có di chúc;

Di chúc không hợp pháp;

Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Theo đó, việc chia thừa kế trong trường hợp này cũng được quy định rõ:

Người thừa kế theo pháp luật:

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Vì vậy, cậu cả, dì và mẹ của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai. Theo nguyên tắc, tài sản ông bạn để lại sẽ được chia đều cho 3 người con là cậu cả, dì và mẹ của bạn.

Bạn chỉ được chia thừa kế nếu cả 3 người nêu trên đều đã mất hoặc không có quyền hưởng, bị truất quyền hưởng, từ chối hưởng di sản. Do đó, bạn không thể đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất trong trường hợp này nếu không có sự thỏa thuân và đồng ý của các bên.

Bên cạnh đó, Luật đất đai 2013 cũng có quy định:

Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất:

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau…

Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

Do đó, cậu cả của bạn có quyền hưởng di sản trong trường hợp này, có thể tiến hành việc xây dựng nhà ở và sử dụng, tuy nhiên việc đó chỉ được thực hiện sau khi các bên được thừa kế thỏa thuận xong việc phân chia đất đai, tiến hành tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì các bên mới có thể thực hiện các quyền của mình với mảnh đất đã chia đó.

Bạn có thể giải thích cho cậu mình hiểu rõ, đợi sau khi các bên đã tiến hành thỏa thuận ổn thỏa rồi mới tiến hành xây dựng nhà ở, tránh xảy ra tranh chấp không đáng có và phải nhờ đến các cơ quan chức năng đứng ra giải quyết.

Quy định về quyền thừa kế đất đai?

Xin chào luật sư, xin nhờ luật sư tư vấn về quyền chuyển nhượng sử dụng đất. Mẹ em là T-T-C đã mất năm 2009 (do mất đột ngột nên không có giấy thừa kế), phần đất mẹ em sở hữu tổng diện tích là 3.307 mét vuông, đã có sổ đỏ, phần đất này do mẹ em ly hôn và về sống bên ngoại và nuôi bà nên được thừa kế lại.

Từ lúc mẹ em về ở bên ngoại và sống cùng bà thì cậu của em là ông: Trần Văn T luôn tranh chấp và muốn thừa hưởng hết phần đất của bà em, mặc dù cậu cũng đã được chia phần đất cụ thể và ở chỗ chính (do là con trai cả).

Mẹ em mất đã lâu và giờ em muốn chuyển nhượng tên trên sổ đỏ, mẹ em có 3 người con, tất cả anh chị đều đồng ý để em thừa hưởng phần đất đó.

Em đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết và nộp lên phòng địa chính đến nay đã 1 tháng mà chưa được giải quyết, trong thời gian chờ thủ tục thì ở thôn có loa thông báo về việc chuyển nhượng, cậu em nghe thấy và viết đơn kiện lên xã Tiên Mỹ là không được chuyển nhượng hết sang tên của em. Hiện hồ sơ thủ tục vẫn chưa giải quyết. Và cũng đã thúc dục rất nhiều lần.

Phần đất này mẹ em đã có sổ đỏ vậy xin hỏi luật sư là: + Cậu em có quyền kiện không?

Trong thời gian bao lâu thì em được chuyển tên trên sổ đỏ ạ? Nhờ luật sự tư vấn giúp em.

Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất, mẹ bạn đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vật mảnh đất đã thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn, sau khi mẹ bạn chết thì nó sẽ trở thành tài sản thừa kế.

Vì mẹ bạn không để lại di chúc nên quyền thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Mảnh đất đó sẽ thuộc về những người ở hành thừa kế thứ nhất là ba anh em bạn, nếu tất cả anh chị bạn đều đồng ý cho bạn hết thì đương nhiên có quyền sang tên giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất đó, cậu của bạn không có quyền khởi kiện trong trường hợp này.

Thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng; sổ đỏ; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử…).

Thủ tục: Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận. Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu.

Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013 quy định về thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai như sau

Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:

Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày;

Theo đó thời gian tối đa để bạn được sang tên trên sổ đỏ tối đa là 10 ngày.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về quyền thừa kế đất đai. Nếu bạn đọc còn thắc mắc xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Hotline để được tư vấn hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139