Ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì?

ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì

Khi Bạn muốn thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình; hai vợ chồng đã thỏa thuận được các vấn đề về con cái, tài sản; bạn có nhu cầu thực hiện thủ tục nhanh… nhưng bạn chưa nắm rõ danh sách các giấy tờ trong hồ sơ ly hôn thuận tình.

Hãy cùng tham khảo bài viết sau của Luật Trần và Liên Danh hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ Hotline của chúng tôi để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.

Quy định của pháp luật về ly hôn thuận tình

Quy định về ly hôn:

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về khái niệm ly hôn như sau:

“14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”

Theo đó, người yêu cầu muốn được Tòa án giải quyết cho ly hôn phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, căn cứ ly hôn và trình tự thủ tục ly hôn theo luật định.

Quy định về ly hôn thuận tình

Pháp luật Việt Nam chia ly hôn thành hai dạng bao gồm: Ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.

Các bạn có thể tham khảo về ly hôn đơn phương thông qua bài viết Ly hôn đơn phương dễ hay khó? Sau đây, luật sư của chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu kỹ hơn về ly hôn thuận tình (Ly hôn thuận tình là gì? Hồ sơ ly hôn thuận tình bao gồm các giấy tờ gì? Trình tự, thủ tục ly hôn thuận tình như thế nào?…)

Theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình thì ly hôn thuận tình là cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn. Tòa án sẽ xem xét, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được tất cả các vấn đề giữa hai người như việc chia tài sản; việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm được quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được hoặc đã thỏa thuận nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của phái yếu là vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Hồ sơ ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì?

Để được Tòa xem xét và công nhận, bạn cần nộp đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ ly hôn thuận tình theo quy định mới nhất bao gồm đầy đủ các giấy tờ sau:

Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Đơn theo mẫu của Tòa án có thẩm quyền);

Bản gốc Giấy chứng nhận kết hôn của hai vợ chồng;

Bản sao giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng (chứng minh thư, căn cước công dân, hộ chiếu, …);

Bản sao hoặc bản trích lục Giấy khai sinh của các con chung;

Bản sao Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;

Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản chung, nợ chung của hai vợ chồng mà có yêu cầu Tòa án công nhận;

Các tài liệu, chứng cứ khác theo quy định của pháp luật về ly hôn thuận tình.

Các bạn lưu ý bản sao là bản photo có công chứng hoặc chứng thực từ bản chính.

ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì
ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì

Kinh nghiệm soạn hồ sơ thuận tình ly hôn

Trong các giấy tờ, tài liệu nêu trên, có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là nhiều bạn gặp vướng mắc khi chuẩn bị. Bởi các bạn chưa có mẫu hoặc có mẫu nhưng chưa biết trình bày làm sao cho hợp lý, cho có căn cứ pháp luật để được Tòa án chấp nhận.

Soạn đơn ly hôn thuận tình theo quy định của pháp luật

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về loại mẫu đơn này. Thế nhưng, thủ tục ly hôn thuận tình là việc dân sự nên mẫu đơn ly hôn thuận tình được áp dụng tương tự như mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sau đó, các bạn cần thay đổi một số thông tin sao cho phù hợp với pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.

Soạn đơn ly hôn thuận tình trên thực tế

Trên cơ sở mẫu đơn theo quy định của pháp luật nêu trên, kết hợp với đặc tính của từng vùng miền khác nhau nên một số Tòa án thường soạn mẫu đơn ly hôn đơn phương, đơn ly hôn thuận tình riêng của mỗi tòa.

Các bạn chỉ cần điền thông tin hoặc viết theo mẫu đó. Do đó, nhiều bạn đã đáp ứng đầy đủ các nội dung theo mẫu tố tụng nhưng vẫn không được Tòa án chấp thuận. Khi đó, Tòa án sẽ yêu cầu bạn sửa đổi, bổ sung nội dung, thông tin vào đơn theo các nội dung có trong mẫu của Tòa.

Qua đó cho thấy, các bạn cần dùng đúng mẫu đơn ly hôn thuận tình theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế của từng Tòa án. Như vậy bạn sẽ không bị mất thời gian, công sức cho việc đi lại và sửa đổi, bổ sung đơn theo yêu cầu của Tòa án.

Câu hỏi:

Chào Luật Trần và Liên Danh, tôi đang gặp khó khăn trong việc soạn thảo hồ sơ ly hôn thuận tình. Do dịch bệnh nên tôi tải mẫu đơn trên mạng và gửi hồ sơ ly hôn qua bưu điện tới Tòa án. Hồ sơ tôi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ.

Hôm nay tôi nhận được Thông báo của Tòa về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu.

Tòa cho rằng đơn của vợ chồng tôi trình bày nội dung chưa đúng theo quy định của pháp luật cả về nội dung và hình thức.

Tòa yêu cầu tôi bổ sung trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ trả lại hồ sơ cho tôi và không giải quyết. Rất mong sớm nhận được hướng dẫn của chúng tôi. Cảm ơn nhiều!

Trả lời:

Chào bạn, như chúng tôi đã hướng dẫn phía trên thì việc bạn tải mẫu đơn trên mạng về nhiều khi chưa đáp ứng hết các yêu cầu của Tòa án. Bạn cần dùng đúng mẫu đơn của Tòa án mà mình thực hiện thủ tục.

Do bạn chưa trình bày cụ thể về mẫu đơn bạn đã dùng và cụ thể Tòa yêu cầu về hình thức, nội dung đơn cần sửa như nào nên luật sư của chúng tôi chưa đưa ra hướng dẫn bổ sung cho bạn cụ thể được.

Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình tại đâu?

Các bạn cần xác định đúng thẩm quyền của cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc của mình để nộp hồ sơ. Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu về hôn nhân và gia đình; trong đó có bao gồm việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Hai vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của bên vợ hoặc bên chồng công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Một số trường hợp đặc biệt thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác; ví dụ: ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh;

Thủ tục ly hôn thuận tình.

Luật sư ly hôn của Luật Trần và Liên Danh chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các bước ly hôn thuận tình như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ ly hôn thuận tình.

Bạn cần chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ ly hôn thuận tình như hướng dẫn ở phần trên của bài viết. Sau đó, vợ chồng bạn nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án có thẩm quyền. Bạn có thể lựa chọn phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua dịch vụ bưu chính (bưu điện).

Nếu nộp trực tiếp thì bạn cần tìm hiểu lịch tiếp nhận hồ sơ của Tòa án đó.

Bước 2: Nhận thông báo của Tòa án.

Tòa án sẽ xem xét hồ sơ của bạn và đưa ra một trong các quyết định sau:

Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án nếu hồ sơ của bạn đã đầy đủ giấy tờ.

Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ hồ sơ chưa đầy đủ hoặc đơn ly dị không đáp ứng đủ các nội dung. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự có nghĩa vụ phải bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Tòa án.

Nếu không bổ sung được hồ sơ thì Tòa án sẽ ra thông báo trả hồ sơ khởi kiện, yêu cầu ly hôn.

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng lệ phí ly hôn thuận tình.

Vợ chồng bạn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn tại Chi cục Thi hành án. Sau đó nộp biên lai lại cho Tòa để vụ việc của mình được Tòa thụ lý và giải quyết.

Bước 4: Nhận thông báo thụ lý và tham gia các buổi làm việc.

Sau khi hoàn tất ba bước trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Tòa án sẽ ra Thông báo thụ lý.

Bạn nhận Thông báo thụ lý đó và tham gia các buổi làm việc theo giấy triệu tập của Tòa án.

Án phí, chi phí ly hôn thuận tình hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lệ phí ly hôn thuận tình hai vợ chồng phải nộp là 300.000 đồng; trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hai vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được người nộp thì mỗi bên phải nộp 50% mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa là 150.000 đồng.

Giải quyết thuận tình ly hôn mất thời gian bao lâu?

Thời hạn giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự bao gồm:

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình là 01 tháng kể từ thời điểm thụ lý.

Trong trường hợp cần thu thập tài liệu chứng cứ, triệu tập người làm chứng thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.

Trong thời hạn nêu trên, Tòa án ra quyết định mở phiên họp để giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình. Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày kể từ ngày có quyết định mở phiên họp.

Như vậy, đối với trường hợp ly hôn thuận tình thì thời gian giải quyết thủ tục tối đa không quá 02 tháng 15 ngày tính từ thời điểm Tòa án thụ lý yêu cầu.

Lưu ý:

Thời hạn nêu trên chưa bao gồm thời gian Tòa án xem xét hồ sơ ly hôn trước khi thụ lý. Thời gian có thể kéo dài hơn do yếu tố thiên tai, dịch bệnh hoặc lý do khách quan nào đó theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về thắc mắc ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại để được giải đáp tận tình và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139