Di chúc thường chỉ được hiểu một cách đơn giản, truyền thống là sự căn dặn lại của một người trước lúc chết với những người khác về những việc cần làm, nên làm, để lại tài sản của người này cho những ai, để lại bao nhiêu.
Vậy khi một người chết đi có để lại di chúc thì việc áp dụng di chúc này vào vấn đề phân chia di sản sẽ được thực hiện ra sao, pháp luật có can thiệp vào việc này hay không? Bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin bổ ích về luật thừa kế theo di chúc.
Về năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc:
Người lập di chúc phải đảm bảo được điều kiện này vì việc người xác lập nên di chúc phải đảm bảo có đủ nhận thức, đủ lý trí của mình để hiểu và kiểm soát được sự định đoạt tài sản của mình trong di chúc.
Nếu trong lúc lập di chúc người đó không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì di chúc đó sẽ bị coi là không hợp pháp.
Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện
Điều kiện này là sự cụ thể hóa nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận đã được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015. Sự tự nguyện ở đây được hiểu khái quát là việc thực hiện lập di chúc theo ý mình, không do ai ép buộc, do tự bản thân mình mong muốn, không bị phụ thuộc, lệ thuộc vào bất kì một chủ thể nào khác.
Nội dung của di chúc không trái quy định pháp luật
Nội dung của di chúc là tổng hợp các vấn đề mà người lập di chúc đã thể hiện trong di chúc đó.
Vì vậy, một di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu sự thể hiện trên không vi phạm những điều pháp luật đã cấm, không trái những điều pháp luật đã quy định.
Nội dung của di chúc không trái với đạo đức xã hội
Ngoài việc nội dung của di chúc không được trái với các quy định của pháp luật thì cũng không được trái với các nguyên tắc đạo đức xã hội thì di chúc đó mới được coi là hợp pháp.
Nếu đi chúc đáp ứng được tất cả các quy định về nội dung đúng quy định pháp luật, về hình thức hợp lệ nhưng nội dung lại có phần đi ngược lại với đạo đức, với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, hay có nội dung phản cảm, trái với lối sống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn…. thì cũng không được pháp luật công nhận đó là một di chúc hợp pháp.
Do đó, nội dung của di chúc muốn được coi là hợp pháp cũng cần đáp ứng điều kiện về mặt đạo đức.
Hình thức của di chúc không trái với quy định của pháp luật:
Việc quy định một cách chặt chẽ về hình thức và thủ tục lập di chúc không chỉ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các chủ thể mà còn hướng tới việc tạo ra tính xác thực cho những di chúc đã lập, qua đó nhàm tạo ra cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể trong lĩnh vực thừa kế theo di chúc.
Yêu cầu về nội dung của di chúc:
Di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc, ghi rõ họ tên, nơi cư chú của người lập di chúc, ghi rõ họ tên, tên người, tên cơ quan, tên tổ chức được hưởng di sản thừa kế.
Hoặc các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản thừa kế.
Các nghĩa vụ và chỉ định người thực hiện nghĩa vụ, nội dung của nghĩa vụ mà người được hưởng thừa kế phải thực hiện.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng kí hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và đều phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Một di chúc muốn có hiệu lực trước hết phải được thừa nhận là hợp pháp. Tuy vậy, một di chúc hợp pháp chưa hẳn đã là di chúc có hiệu lực, mặt khác trong từng trường hợp, di chúc hợp pháp sẽ có hiệu lực trong từng thời điểm khác nhau.
Việc xác định thời điểm của di chúc có hiệu lực là một công việc quan trọng liên quan đến quyền lợi của những người thừa kế nói chung và của người thừa kế theo di chúc nói riêng.
Bởi lẽ, chỉ khi di chúc có hiệu lực thì quyền hưởng di sản của những người thừa kế được xác định trong di chúc mới được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thực hiện.
Hiệu lực của di chúc có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình dịch chuyển di sản từ người đã chết cho những người khác.
Nếu việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc là cơ sở để xác định trong di chúc có còn hay không thì việc xác định hiệu lực của di chúc sẽ quyết định việc phân chia di sản tuân theo di chúc hay tuân theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, một di chúc bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật nhưng không thể nói điều ngược lại. Nghĩa là một di chúc hợp pháp cũng có thể không có hiệu lực.
Sau khi đã xác định được di chúc có hợp pháp và có hiệu lực theo quy định của pháp luật hay không thì việc tiến hành phân chia di sản theo di chúc sẽ được tiến hành. Việc tiến hành phân chia tài sản theo di chúc sẽ diễn ra công khai minh bạch trước những người có liên quan đến di chúc.
Thủ tục khởi kiện phân chia di sản thừa kế theo di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi có 5 anh chị em, Bố tôi mất được hơn 1 năm (mẹ tôi mất lâu rồi). Trước khi chết bố tôi có để lại di chúc phân chia di sản cho 5 anh em tôi, tuy nhiên, lại giao cho cô tôi quản lý.
Nhưng đến nay, cả cửa hàng của bố, nhà trước kia bố ở và con xe Audi cô tôi vẫn dùng thường xuyên mà anh em chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu phân chia di sản nhưng cô tôi bảo “cứ từ từ”. Tôi muốn đại diện cho 5 anh em làm đơn yêu cầu chia di sản thừa kế được không? Thủ tục như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Nội dung cơ bản của chế định thừa kế theo di chúc là chỉ định người thừa kế và phân định tài sản, quyền tài sản cho họ, giao cho họ nghĩa vụ tài sản.
Theo quy định Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác quyền thừa kế của người khác là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Đối với yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại, thời hiệu khởi kiện là ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thành phần hồ sơ chuẩn bị khởi kiện:
+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)
+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
+ Di chúc;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
+ Bản kê khai di sản;
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có).
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Vì vậy, anh chuẩn bị hồ sơ như trên và gửi đơn lên Tòa án để yêu cầu chia di sản thừa kế. Trong trường hợp này, nên để cả 5 anh em cùng yêu cầu để Tòa án phân chia dễ dàng hơn.
Nếu không, 5 anh em anh sẽ ký kết 1 văn bản ủy quyền để ủy quyền cho anh thực hiện yêu cầu dân sự trên.
Tư vấn chia di sản thừa kế theo di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Em muốn hỏi nhà chồng em có 2 chị em. Hiện chị chồng em có 2 con trai. 1 cháu 4 tuổi, 1 cháu 8 tuổi. Cả 2 cháu và chị chồng em đều theo hộ khẩu bên ngoại thì bây giờ em muốn chuyển khẩu cho 2 cháu theo bên nội được không.
Với nếu di chúc bố chồng em để lại là chồng em 2 phần, chị chồng em 1 phần thì sẽ chia theo đúng di chúc hay có vấn đề gì khác không ạ?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Về vấn đề xin nhập hộ khẩu:
Bạn muốn nhập hộ khẩu cho hai con vào cùng hộ khẩu với ông bà nội. Mỗi địa phương sẽ có quy định khác nhau về điều kiện nhập hộ khẩu.
– Nếu bạn muốn nhập hộ khẩu cho hai con vào tỉnh:
Căn cứ Điều 19 Luật cư trú 2006 quy định như sau:
Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh
Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
– Nếu bạn muốn nhập hộ khẩu cho hai con vào thành phố trực thuộc Trung ương:
Khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi năm 2013 quy định về Điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;
Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;
Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;
Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.
Như vậy, nếu bạn nhập hộ khẩu cho con vào nhà ông bà nội thì cần sự đồng ý của chủ hộ. Nếu ở thành phố trực thuộc Trung ương thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.
Thứ hai: Về việc phân chia tài sản theo di chúc
Bạn không thông tin rõ di sản bố chồng bạn để lại là tài sản riêng của ông hay tài sản chung của bố mẹ chồng bạn hoặc tài sản chung của hộ gia đình.
– TH1: Tài sản bố chồng bạn để lại di chúc là tài sản riêng của ông thì ông có toàn quyền định đoạt và việc phân chia di sản thừa kế sẽ tuân thủ theo di chúc ông để lại. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
– TH2: Nếu tài sản bố chồng bạn để di chúc lại là tài sản chung của bố mẹ chồng bạn thì bố bạn chỉ có thể để lại di chúc trong phạm vi 50% tài sản thuộc sở hữu của ông. Phần của mẹ chồng bạn thì bà sẽ có toàn quyền định đoạt.
– TH3: Nếu tài sản bố chồng bạn để di chúc lại là tài sản chung của hộ gia đình thì sẽ xem xét tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên sổ hộ khẩu gia đình có những thành viên nào thì thành viên đó có quyền định đoạt.
Mỗi thành viên trong hộ gia đình sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Do đó, trường hợp này bố chồng bạn cũng chỉ có thể để lại di chúc trong phạm vi tài sản thuộc sở hữu của bố chồng bạn.
Như vậy, trên đây là toàn bộ thông tin và nội dung tư vấn pháp luật của Luật Trần và Liên Danh liên quan đến luật thừa kế theo di chúc. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Hotline: 0969 078 234 để được giải đáp tận tình và đạt hiệu quả tối đa nhất.