Người có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam là công dân, tổ chức. Quyền thừa kế thuộc về cá nhân được thể hiện theo hai chủ thể nhất định, đó là chủ thể để lại tài sản (quyền của người để lại di sản) và chủ thể hưởng thừa kế di sản (quyền của người nhận di sản). Quyền thừa kế thuộc về tổ chức được thể hiện theo một chủ thể nhất định, đó là chủ thể hưởng thừa kế di sản (và chỉ trong trường hợp thừa kế theo di chúc).
Khi xem xét về vấn đề thừa kế thì di sản là một trong những vấn đề được quan tâm trước tiên. Di sản là cơ sở để thiết lập di chúc bên cạnh các căn cứ khác. Chỉ khi di sản còn tồn tại trên thực tế thì người lập di chúc mới có “cái” để định đoạt.
Những người được thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi.
Người có hay không có năng lực hành vi hoặc người có năng lực hành vi không đầy đủ đều có quyền thừa kế. Trong trường hợp này, người giám hộ sẽ thực hiện giúp những người này các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi tài sản của họ. Để cho bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp đến bạn đọc nội dung bài viết luật di chúc và thừa kế.
Di chúc là gì?
Di chúc, căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, được hiểu là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết.
Trong đó, người có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản mình, theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định là người đã thành niên, có tài sản để lại, minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện khi lập di chúc.
Còn người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì vẫn được quyền lập di chúc như người đã thành niên nhưng phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Quy định về độ tuổi lập di chúc (từ đủ 15 tuổi trở lên) nhằm mục đích đảm bảo việc thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản – khi họ có đủ khả năng và điều kiện để tạo lập nên tài sản của chính mình.
Khi một người lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có tài sản chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo quy định.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc được được đưa ra làm căn cứ phân chia tài sản sau khi một người chết đi được xác định là di chúc hợp pháp và là di chúc cuối cùng mà họ lập ra trước khi chết.
Thừa kế là gì?
Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và nuôi dưỡng.
Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản thừa kế sau đây:
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người thừ kế theo pháp luật
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý:
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Hàng thừa kế là gì?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
Hàng thừa kế thứ nhất
Gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
– Quan hệ thừa kế giữa vợ với chồng và ngược lại:
Vợ sẽ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của chồng và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ coi là vợ chồng nếu hai bên nam nữ kết hôn hợp pháp. Đối với quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng cần lưu ý:
Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản.
Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế
Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản
Đối với trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/3/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, người chồng, người vợ được hươnhr thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.
– Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và ngược lại:
Cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ được thừa kế theo pháp luật của nhau không chỉ là quy địnhb của pháp luật thừa kế Việt Nam mà còn của hầu hết các nước trên thế giới. Con đẻ được hưởng thừa kế của cha mẹ đẻ không kể là con trong giá thú hay con ngoài giá thú và ngược lại.
– Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại:
Về phía gia đình cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ của người nuôi con nuôi. Cha đẻ, mẹ đẻ của người nuôi con nuôi cũng không được thừa kế của người con nuôi đó.
Trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi đó không đương nhiên trở thành con nuôi của người đó, cho nên họ không phải là người thừa kế của nhau theo pháp luật.
Người đã làm con nuôi người khác vẫn có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột, cô, bác, chú, dì, cậu ruột như người không làm con nuôi người khác.
– Quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế:
Nếu có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con, mẹ con thì được hưởng thừa kế tài sản của nhau và còn được hưởng thừa kế tài sản theo quy định
Hàng thừa kế thứ hai
Gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, am ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Quan hệ thừa kế giữa ộng nội, bà nội với cháu nội, giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại và ngược lại:
Ông bà nội là người sinh ra cha của cháu, ông bà ngoại là người sinh ra nẹ của cháu. Nếu cháu (ruột) chết thì ông bà nội, ông bà ngoại ở hàng thừa kế thứ hai của cháu và ngược lại.
Trên thực tế có trường hợp ông bà chết nhưng cha mẹ cháu không được hưởng thừa kế mặc dù vẫn còn sống (bị truất quyền, không có quyền hưởng di sản), trong trường hợp này, cháu ruột của ông bà cũng không được hưởng di sản vì không thuộc hàng thừa kế của ông bà. Xuất phát từ lý do đó, pháp luật có quy định cháu ruột thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông bà nếu ông bà chết.
– Quan hệ thừa kế giữa anh chị ruột với em ruột và ngược lại:
Anh, chị, em ruột là hàng thừa kế thứ hai của nhau. Anh, chị, em ruột có thể cùng cha mẹ, cùng cha hoặc cùng mẹ. Do vậy, không phân biệt con trong giá thú hay con ngoài giá thú, nếu anh, chị ruột chết trước em ruột thì em ruột được hưởng thừa kế của anh chị ruột và ngược lại.
Con riêng của vợ, con riêng của chồng không phải là anh chị em ruột của nhau. Con nuôi của một người không đương nhiên trở thành anh, chị, em của on đẻ người đó. Do đó, con nuôi và con đẻ của một người không phải là người thừa kế hàng thứ hai của nhau.
Người làm con nuôi người khác vẫn được hưởng thừa kế hàng thứ hai của anh chị em ruột mình. Người có anh, chị, em ruột làm con nuôi người khác vẫn là người thừa kế hàng thứ hai của người đã làm con nuôi người khác đó.
Hàng thừa kế thứ ba
Gồm cụ nội, cụ ngoai của người chết; Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Quan hệ thừa kế giữa cụ nội với chắt nội, giữa cụ ngoại với chắt ngoại và ngược lại:
Cụ nội là người sinh ra ông hoặc bà nội của người đó, cụ ngoại là người sinh ra ông hoặc bà ngoại của người đó.
Trong trường hợp cụ nội, cụ ngoại mất không có người thừa kế là con, cháu hoặc có người thừa kế nhưng họ đều từ chối hoặc bị truất quyền hưởng thừa kế thì chắt sẽ được hưởng di sản của cụ.
– Quan hệ thừa kế giữa bác ruột, cô ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột với cháu ruột và ngược lại:
Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột là anh chị em ruột của bố hoặc mẹ của cháu. Khi cháu ruột chết, anh chị em ruột của bố, mẹ thuộc hàng thừa kế thứ ba của cháu và ngược lại.
Ý nghĩa:
Quy định về hàng thừa kế theo pháp luật đã là một bước tiến trong quá trình lập pháp ở nước ta và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người thùa kế có quan hệ thân thuộc, gần gũi với người để lại di sản.
Đặc biệt, quyền sở hữu tài sản của công dân được mở rộng nhóm khách thể thuộc quyền sở hữu cá nhân bao gồm không những tư liệu sinh hoạt mà còn là tư liệu sản xuất không bị hạn chế về khối lượng và giá trị.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Trần và Liên Danh. Nếu bạn đang có những thắc mắc pháp lý về thừa kế thì hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn một cách chi tiết.