Hợp đồng cho vay thể hiện sự thỏa thuận của giữa các bên, trong đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến kỳ hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng cho bên vay, có thể kèm theo trả lãi nếu các bên có thỏa thuận trước hoặc do pháp luật quy định. Hiện nay, bộ luật dân sự vẫn chưa có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản, do đó, những rắc rối diễn ra sau khi cho vay là không thể tránh khỏi: sai lệch trong tính lãi, đòi tài sản trước thời hạn, không đòi được tài sản, tài sản bị mất hay hư hỏng nặng…Để hạn chế những rủi ro này, các bên nên lập hợp đồng thành văn bản và nội dung hợp đồng cụ thể, rõ ràng. Sau đây, bài viết xin đưa ra những gợi ý về nội dung hợp đồng vay tài sản.
Những nội dung khi soạn thảo hợp đồng cho vay tài sản:
Thông tin của các bên giao kết hợp đồng: bên vay và bên cho vay, bên nhận bảo lãnh (nếu có)
Thông tin về tài sản cho vay: tiền, hiện vật, giấy tờ có giá…
Quyền, nghĩa vụ của các bên: Về nghĩa vụ, chú ý một số điểm sau đây:
Bên cho vay: Giao tài sản đúng chất lượng, số lượng như đã giao kết; bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu giao tài sản không đảm bảo chất lượng mà không thông báo cho bên vay biết; không đòi lại tài sản trước kỳ hạn giao kết (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do hợp đồng không có kỳ hạn);
Bên vay: Nếu vay tài sản là tiền thì phải trả lại tiền đúng hạn, nếu là vật thì phải trả lại đúng số lượng, chất lượng như đã giao kết; trường hợp không thể trả lại vật (do hư hỏng, mất, cho người khác…) thì phải đền bù lại số tiền theo giá trị của vật, nếu được bên cho vay đồng ý; Nếu đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tiền hoặc tài sản thì sẽ tính mức phạt như sau:
Trường hợp vay không có lãi mà đến hạn bên vay vẫn không trả tiền thì bên cho vay có quyền yêu cầu tính lãi suất theo mức do pháp luật quy định’
Trường hợp vay có lãi suất: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Lãi suất cho vay (nếu có):
Lãi suất cho vay do các bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, nếu quy định lãi suất quá mức này thì mức lãi suất quá sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Kỳ hạn hợp đồng:
Hợp đồng có kỳ hạn:
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Hợp đồng không kỳ hạn:
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Tài sản đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng (nếu có): hai bên có thể thỏa thuận về việc sử dụng tài sản của bên vay để đảm bảo cho việc trả đủ tiền hoặc tài sản mượn của bên cho vay, hoặc nhờ một bên thứ ba đứng ra đảm bảo (ví dụ: ngân hàng)
Mục đích sử dụng tài sản vay: các bên có thể thỏa thuận về mục đích vay tài sản, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản hoặc nhắc nhở nếu bên vay sử dụng tài sản vay trái mục đích.
Địa điểm giao, nhận tài sản
Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Lưu ý:
Đối với tài sản vay là tài sản chung (của vợ chồng, anh em thừa kế…) thì khi cho vay phải có sự chấp thuận của các đồng sở hữu, hoặc chỉ cho vay phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Pháp luật không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, tuy nhiên, nếu có yêu cầu của một trong các bên thì hợp đồng vẫn được công chứng.
Nếu hợp đồng cho vay tài sản có bảo đảm thì các bên cần chú ý quy định rõ thông tin tài sản bảo đảm, giá trị tài sản; người sở hữu tài sản…tránh trường hợp một trong các bên
Khi giao, trả tiền hoặc tài sản cần giữ lại chứng từ chứng minh để phòng tránh rủi ro sau này và làm bằng chứng nếu có vấn đề về pháp lý.
Tránh giao kết hợp đồng cho vay để che giấu việc thực hiện một hợp đồng khác (mua bán nhà, đặt cọc…) vì hậu quả pháp lý của việc này là đáng lo ngại và không thể lường trước được.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng dân sự về vay tài sản, các bên nên thương lượng với nhau để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể nộp đơn khởi kiện dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết.
Các bên có thể tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức. Nếu không có thỏa thuận thì Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Cơ sở pháp lý: Điều 39, 35, 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Cơ sở pháp lý: Điều 429 Bộ luật dân sự 2015, Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Hồ sơ giải quyết tranh chấp hợp đồng vay
Đơn khởi kiện: đơn phải thỏa mãn nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015 (mẫu 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
CMND hoặc hộ khẩu của người khởi kiện, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký hoạt động (nếu người khởi kiện/bị kiện là doanh nghiệp)
Tài liệu liên quan tới nội dung vụ việc như hợp đồng hoặc văn bản tài liệu có giá trị như một giao dịch vay tài sản, tài liệu, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trong hạn của bên vay….
Cơ sở pháp lý: Điều 189, 91, 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Trình tự, thủ tục
Tổ chức, cá nhân làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện, trong thời hạn 5 ngày làm việc Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện; trả lại đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tòa án sẽ xem xét những tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tạm ứng án phí, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp, đương sự nộp lại biên lai thu tiền cho Tòa án, tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì được gia hạn thêm 2 tháng
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Cơ sở pháp lý: Điều 190, 191, 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về hợp đồng cho vay. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.