Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ giải đáp các thắc mắc trên:
Vi phạm gây rối trật tự công cộng là vi phạm gì?
Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm phạm đến sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng. Trong đó, nơi công cộng được hiểu là những địa điểm “kín” (rạp hát, rạp chiếu bóng…) hoặc “mở” (sân vận động, công viên, đường phố…) mà ở đó các hoạt động chung của xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.
Quy định chi tiết của pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng
Theo điều 318, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, đối với tội gây rối trật tự công cộng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm tù.
Biểu hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng
Biểu hiện cụ thể của hành vi gây rối trật tự công cộng có thể là:
1) Lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người;
2) Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng;
3) Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ï, đua xe máy trái phép;
4) Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng;
5) Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng…
Cấu thành tội phạm tội gây rối trật tự công cộng
Khách thể của tội phạm – Điều 318 Bộ luật hình sự
Khi bình luận tội gây rối trật tự công cộng, ta thường xét đến khách thể của tội này, tội phạm xâm phạm vào những nội quy, quy tắc, điều lệ,…về trật tự ở những nơi công cộng. Tội phạm xâm phạm trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường ở những nơi công cộng.
Mặt khách quan của tội phạm – Điều 318 Bộ luật hình sự
– Tội phạm được thực hiện ở những hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Đây có thể bao gồm các hành vi coi thường trật tự chung bằng lời nói cử chỉ gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy hành hung người khác ( nhưng chưa gây thương tích) ở những nơi đông người như ở nhà ga, bến xe, rạp hát, công viên,…gây lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự chung. Ví dụ: hò hét, đuổi đánh nhau trên đường phố hoặc lôi kéo, kích động người khác cùng tham gia,…
Nơi công cộng là những nơi tập trung đông người như công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe, trên đường phố,…có nhiều người qua lại nơi công cộng cũng có thể là những nơi trao đổi hàng hoá, nơi vui chơi giải trí của công dân,…
– Hành vi gây rối trật tự công cộng kèm theo sự đập phá tài sản hoặc có vũ khí thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội khác như tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Hành vi hành hung chống lại người duy trì trật tự công cộng, người đang thi công vụ thì có thể người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật hình sự (Tội chống người thi hành công vụ).
– Hành vi gây rối trật tự công cộng không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác mà chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự chung ở nơi công cộng. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng lại gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng và tội gây rối trật tự công cộng theo nguyên tắc phạm nhiều tội.
– Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi gây rối trật tự công cộng khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm – Điều 318 Bộ luật hình sự
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý.
Chủ thể của tội phạm – Điều 318 Bộ luật hình sự
Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi theo luật định.
Mức hình phạt tội gây rối trật tự công cộng qua tư vấn của Luật Trần và Liên Danh
Theo điều 318, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về mức hình phạt của tội gây rối trật tự công cộng như sau:
Mức hình phạt tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Mức hình phạt tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, người phạm tội gây gối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù đến 07 năm.
Hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể cấu thành tội xâm phạm sở hữu hoặc tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, khi hành vị này đã gây ra thiệt hại cho sở hữu, sức khoẻ đến mức cấu thành tội phạm hoặc đã gây thiệt hại cho tính mạng.
Xử lý vi phạm hành chính về vi phạm về trật tự công cộng
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng còn có thể bị xử lý theo quy định cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;
d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ;
e) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;
g) Đốt và thả “đèn trời”;
h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;
i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
k) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
l) Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
d) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm;
đ) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”.
Tình tiết giảm nhẹ tội gây rối trật tự công cộng
Bên cạnh định khung hình phạt của từng tội danh, khi xét xử vụ án Hình sự, Thẩm phán sẽ xem xét tới những căn cứ làm giảm hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Đó dựa trên chính sách khoan hồng và nhân đạo của nhà nước và Luật pháp.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, các tình tiết giảm nhẹ luật định được quy định tại điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) :
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
Phạm tội do lạc hậu;
Người phạm tội là phụ nữ có thai;
Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Người phạm tội tự thú;
Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự về việc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Vì vậy, bị cáo có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 hoặc trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo còn có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trên đây là một số nội dung về tội gây rối trật tự công cộng 2015, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nội dung này, quý khách có thể liên hệ với công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.