Điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật hay nông dược là những chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại đến tài nguyên thực vật. Những sinh vật gây hại chính gồm sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột và các tác nhân khác. Chính vì lý do này nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân trở thành nhu cầu thiết yếu. Bởi vậy, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được hình thành.  Sau đây, Luật Trần và Liên Danh chúng tôi xin cung cấp các điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để bạn đọc nắm rõ được quy định pháp luật về vấn đề này.

Yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh thuốc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật

Căn cứ theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 113/ 2017 ngày 09 tháng 10 năm 2017 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất đã quy định về yêu cầu đối với việc bảo quản, vận chuyển hóa chất đối với thuốc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Việc đưa ra yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh thuốc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ hàng hóa kinh doanh ở đây là loại hàng hóa mang tính độc hại với con người, nguy hiểm hơn là tác động cực xấu đến môi trường cũng như với thiên nhiên nếu không được bảo quản đúng cách, đúng yêu cầu theo quy định.

Các yêu cầu về cách bảo quản cũng như vận chuyển thuốc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cụ thể như sau:

Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.

Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

Quá trình vận chuyển hóa chất phải thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ được các yêu cầu về bảo quản hay vận chuyển đối với thuốc hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật được quy định rất cụ thể. Từ nơi phân khu, sắp xếp đến nơi dự trữ, và cả trong quá trình vận chuyển. Bởi đây không phải là loại hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt. Việc xảy ra những rủi ro trong quá trình bảo quản, vận chuyện hay lưu trữ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường và rất khó khắc phục. Chính vì lý do này nên việc bảo quản lưu trữ hay vận chuyển luôn yêu cầu phải có tính đảm bảo cao theo quy định pháp luật

Điều kiện đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

+Điều kiện chung:

– Các loại thuốc bảo vệ thực vật buôn bán tại cửa hàng ở dạng thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép, hạn chế sử dụng ở Việt Nam.

– Không được bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như: lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y và các hàng tiêu dùng khác.

– Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được đặt trong các khu vực kinh doanh hàng hóa thực phẩm, các khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.

+Điều kiện cụ thể:

-Nhân sự:

i) Người quản lý trực tiếp của cửa hàng phải có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật:

Thứ nhất, Có văn bằng trung cấp trở lên của một (01) trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp.

Thứ hai, Có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp theo quy định.

ii) Người trực tiếp bán hàng được huấn luyện về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật cấp tỉnh tổ chức hoặc có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp trở lên.

– Địa điểm:

i) Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương cấp xã, có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê nhà hợp pháp tối thiểu là 01 (một) năm trong trường hợp thuê địa điểm đặt cửa hàng.

ii) Diện tích phù hợp với qui mô kinh doanh, tối thiểu là 5 mét vuông (m2). Phải là nhà cấp 4 trở lên, bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng gió, đáp ứng các yêu cầu về mua, bán, bảo quản, không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.

iii) Cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch) ít nhất khoảng 10 mét (m) và cửa hàng phải được gia cố bờ kè chắc chắn chống sạt lở, nền cửa hàng phải cao ráo không ngập nước.

iiii) Tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa. Tường nhà và nền nhà phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi, không bị ngập.

-Trang thiết bị:

i) Có tủ trưng bày, quầy, kệ hoặc giá đựng thuốc bảo vệ thực vật, trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc.

ii) Đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện thuốc. Thiết bị chiếu sáng đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.

iii) Có nội quy và trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy để ở nơi thuận tiện, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

iiii) Có bảo hộ lao động bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang, nước sạch, xà phòng.

iiiii) Có vật liệu, dụng cụ để xử lý kịp thời sự cố theo yêu cầu của cơ quan quản lý về môi trường.

– Yêu cầu khác:

i) Có biển hiệu rõ ràng bằng tiếng Việt. Ghi rõ tên chủ cơ sở hoặc tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại.

ii) Có sổ ghi chép việc xuất, nhập thuốc bảo vệ thực vật;

iii) Có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật.

– Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng:

i) Đối với các cơ sở buôn bán có nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật từ 5.000 kilôgam (kg) trở lên áp dụng theo khoản 2, Điều 3 và khoản 2, Điều 9 của Thông tư 21/2015 ngày 08 tháng 06 năm 2015 quy định vấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thuộc bảo vệ thực vật;

ii) Đối với các cơ sở buôn bán có nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật dưới 5.000 kilôgam (kg)

iii) Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật phải khô ráo, thoáng gió, không thấm, dột hoặc ngập úng, đảm bảo phòng chống cháy nổ.

iiii) Kệ giá để hàng cách mặt đất ít nhất 10 centimét (cm), cách tường ít nhất 20 centimét (cm).

iiiii) Việc sắp xếp các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo không gây đổ vỡ, rò rỉ, có lối vào đủ rộng và riêng biệt từng loại.

Như vậy, trên đây là các điều kiện đối với buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.

điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố trong kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Nếu pháp luật quy định về các điều kiện trong quá trình kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh thì pháp luật cũng đưa ra các quy định đối với trường hợp xảy ra sự cố, phòng tránh trước những trường hợp xấu nhất có thể sẽ xảy ra. Vậy các yêu cầu đó được quy định ra sao. Về vấn đề này pháp luật đã có Điều 21 Nghị định 113/ 2017 ngày 09 tháng 10 năm 2017 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất quy định như sau:

Đối tượng phải xây dựng Biện pháp

a) Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi dự án chính thức đưa vào hoạt động;

b) Chủ đầu tư ra quyết định ban hành Biện pháp và xuất trình các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật hóa chất.

Trách nhiệm thực hiện Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân

a) Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ hóa chất, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm đúng các nội dung đề ra tại Biện pháp đã được xây dựng;

b) Biện pháp phải được lưu giữ tại cơ sở hóa chất và là căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát an toàn tại cơ sở hóa chất;

c) Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra trong Biện pháp, tổ chức, cá nhân phải bổ sung, chỉnh sửa Biện pháp.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành cấp tỉnh

Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

Trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực

a) Hướng dẫn cách trình bày, bố cục và nội dung của Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết việc thực hiện quy định về Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

Như vậy, qua đây ta có thể thấy rõ, trách nhiệm không chỉ dừng lại đối với chủ thể thực hiện kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan chức năng như cơ quan quản lý ngành cấp tỉnh. Thường xuyên thực hiện việc thanh tra kiểm tra, xây dựng các biện pháp phòng ngừa các biện pháp ứng phó nếu có sự cố không may xảy ra. Đối với các bộ quản lý ngành và lĩnh vực cũng tương tự, cần phải xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra định kỳ theo quy định và thanh tra kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139