Tội giết người là gì?
Hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người.
Khung hình phạt Tội giết người Điều 123 Bộ luật hình sự
Điều 123 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau đây:
Khung 1
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi. Căn cứ để xác định tuổi nạn nhân là giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân;
c) Giết phụ nữ mà biết có thai: nạn nhân bị giết là người đang có thai mà người phạm tội đã biết rõ điều đó (có thể tự nhận biết hoặc nghe thông tin từ người khác). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội và việc giết người đó nhằm mục đích chối bỏ trách nhiệm của y đối với nạn nhân thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn; nếu giết người phụ nữ mà không biết rõ là có thai nhưng thực tế nạn nhân là người có thai thì phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội đối với phụ nữ có thai” (điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015);
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân:
Giết người đang thi hành công vụ là trường hợp giết người mà nạn nhân là người đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như: thầy giáo đang giảng bài hoặc coi thi, cán bộ Thuế đang thu thuế, cán bộ Kiểm lâm đang bảo vệ rừng…
Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội, nên thủ phạm đã chủ động giết nạn nhân, có thể hành vi phạm tội xảy ra trước hoặc sau khi thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ có thể nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ, hoặc có thể là để trả thù nạn nhân vò nạn nhân đã thi hành công vụ đó;
e) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình:
– Ông, bà gồm ông bà nội (người sinh ra bố của thủ phạm), ông, bà ngoại (người sinh ra mẹ của thủ phạm);
– Cha, mẹ được hiểu là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi. Cha, mẹ đẻ là người đã sinh ra người phạm tội. Cha, mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận;
– Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giáo dục người phạm tội như vai trò của bố mẹ mình;
– Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp,v..v.
f) Giết người mà liền trước đó hoặc ngày sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng: Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng phải đi liền trước hoặc ngay sau khi giết người xét về mặt thời gian; có thể vừa chấm dứt tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau.
g) Giết người để thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác gồm hai trường hợp: Một là, giết người để thực hiện một tội phạm khác, thể hiện mục đích của người phạm tội muốn thực hiện một tội phạm khác nhưng có người cản trở, khó khăn nên phải giết họ thì mới có điều kiện thực hiện tội phạm khác. Như vậy, việc giết người được thực hiện trước khi tiến hành một tội phạm khác.
Ví dụ: giết người bảo vệ để tuần sau vào kho trộm cắp tài sản, giết cán bộ kiểm lâm để vào rừng khai thác gỗ…Hai là, giết người để che giấu một tội phạm khác là người phạm tội sau khi phạm một tội nào đó nhưng sợ bị phát hiện, bị tố cáo nên đã giết người. Như vậy, việc giết người được thực hiện sau khi đã phạm một tội khác như người phạm tội sau khi hiếp dâm, sợ nạn nhân tố cáo nên đã giết nạn nhân…;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: như tim, gan, thận…Hành vi giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với bất kỳ mục đích nào như nghiên cứu khoa học hay lấy một bộ phận cơ thể cho người khác nhằm cứu sống một người khác,..v..v..đều là phạm tội;
i) Thực hiện phạm tội một cách man rợ là trường hợp giết người một cách dã man, tàn ác mà người phạm tội được coi là không còn tính người, như giết người sau đó chặt nạn nhân ra từng khúc, móc mắt, moi gan,..v…v..hoặc trước khi giết người đã gây cho nạn nhân đau đớn như: chặt chân, chặt tay…;
j) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp là trường hợp người phạm tội đã sử dụng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để giết người như thầy thuốc lợi dụng chữa bệnh đã tiêm thuốc hoặc cho nạn nhân uống thuốc gây chết người, người lái đò giả làm đắm đò để giết nạn nhân;
k) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp: người phạm tội sử dụng các thủ đoạn nguy hiểm cũng như dùng các loại công cụ, phương tiện có khả năng gây nên cái chết cho nhiều người cùng một thời gian như: ném lựu đạn vào chợ, vào rạp hát; hoặc cho thuốc độc vào bể nước của gia đình…Các hành động này có khả năng làm chết nhiều người mặc dù hậu quả có thể chưa xảy ra;
l) Thuê giết người hoặc giết người thuê:
– Thuê giết người là trường hợp thủ phạm không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi phạm tội giết người.
– Giết người thuê là hành vi của một người nào đó trong ý thức ban đầu không muốn giết người nhưng vì được người khác thuê, nếu thực hiện hành vi giết người theo yêu cầu của người thuê, thì sẽ nhận được những lợi ích nhất định nên đã thực hiện hành vi giết người;
m) Có tính chất côn đồ là trường hợp giết người có tính hung hãn cao độ, coi thường tính mạng của người khác; giết người không có nguyên cớ hoặc giết người vì lý do nhỏ nhen; giết người một cách hung hăng, tàn bạo, coi thương mọi người…;
n) Có tổ chức là trường hợp có từ 02 người trở lên câu kết chặt chẽ với nhau cùng thực hiện tội phạm giết người (xem khoản 3 Điều 20).
o) Tái phạm nguy hiểm: giết người trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người;
p) Vì động cơ đê hèn là trường hợp giết người có tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc…với những người quen hoặc những người thân trong gia đình, họ hàng như giết để cướp vợ, để cướp chồng của nạn nhân; giết người tình của mình để trốn tránh trách nhiệm hôn nhân; giết người đã giúp đỡ mình, cho vay tiền, cho mượn đồ đạc trong những lúc khó khăn để khỏi phải trả ơn, trả nợ…
Khung 2
Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với các trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp quy định ở khoản 1 Điều luật này, hoặc không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Các yếu tố cấu thành tội giết người?
Mặt khách quan của tội giết người
Hanh vi khách quan của tội giết người là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống.Tuy nhiên, cần phân biệt với các trường hợp: nếu làm chết chính bản thân mình thì bị coi là tự tử hoặc tự sát; nếu vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà làm chết người khác thì cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Mặt chủ quan của tội giết người
Người phạm tội giết người luôn thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Khách thể của tội giết người
Hành vi của người phạm tội giết người đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Chủ thế của tội giết người
Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường. Nghĩa là bất kỳ người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thể của tội giết người.Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Trên đây là một số nội dung điều 123 blhs 2015, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.