Cổ phần ưu đãi

cổ phần ưu đãi

Khi góp vốn vào một công ty chắc hẳn điều mà nhà đầu tư quan tâm đến chính là lợi nhuận mà mình thu được sau khi góp vốn. Trong công ty cổ phần có nhiều loại cổ phần khác nhau, trong đó cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả nhiều lợi nhuận hơn so với các loại cổ phần còn lại. Để tìm hiểu rõ hơn về loại cổ phần này, dưới đây Luật Trần và Liên Danh xin tư vấn về cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông ưu đãi cổ tức.

Cơ sở pháp lý

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 17/06/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.

Cổ tức là gì?

Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020

Cổ tức là khoản lợi nhuạn ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Khái quát về cổ phần

Khái niệm

Trong Luật doanh nghiệp hiện hành (Luật doanh nghiệp năm 2020) không đưa ra định nghĩa cụ thể về cổ phần, tuy nhiên ta có thể hiểu cổ phần là phần vốn điều lệ được chia ra làm nhiều phần bằng nhau. Căn cứ vào khái niệm trên ta có thể hiểu cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia ra từ phần vốn điều lệ. Những cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần gọi là các cổ đông.

– Giá trị của mỗi cổ phần (mệnh giá cổ phần) do công ty quyết định và được ghi vào cổ phiếu. Mệnh giá cổ phần có thể khác với giá chào bán cổ phần.

– Cổ phần là căn cứ pháp lý chứng minh tư cách cổ đông của công ty bất kể họ tham gia thành lập công ty hay không.

Các loại cổ phần

Cổ phần trong công ty cổ phần có thể tồn tại dưới hai dạng: Cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

– Cổ phần phổ thông:

+ Công ty cần phải có cổ phần phổ thông.

+ Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

– Cổ phần ưu đãi:

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;

+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

+ Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ của công ty quy định.

Cổ phần ưu đãi

Cổ phần ưu đãi là loại cổ phần mà người sở hữu chúng (cổ đông ưu đãi) được hưởng một số ưu đãi, đồng thời cũng bị hạn chế một số quyền so với người sở hữ cổ phần phổ thông. Công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có nhiều loại, mỗi loại cổ phần ưu đãi đem lại cho người sở hữu chúng những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Cổ phần ưu đãi được coi là loại cổ phần đặc biệt trong công ty cổ phần, tương ứng với các loại cổ phần đặc biệt này, cổ đông ưu đãi sẽ nhận được một số quyền nhất định trong quá trình quản lý, hoạt động của công ty cổ phần.

Các loại cổ phần ưu đãi

Khoản 2 Điều 114 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về các loại cổ phần ưu đãi cụ thể như sau:

“2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán”.

* Cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Khi nắm trong tay cổ phần ưu đãi biểu quyết cổ đông có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại điều lệ công ty; Các quyền khác như cổ đông phổ thông.

Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông.

* Cổ phần ưu đãi cổ tức

Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền nhận phần cổ tức theo quy định, nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản, các quyền khác như cổ đông phổ thông.

Tuy nhiên, đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, pháp luật hạn chế một số quyền của họ, cổ đông không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

* Cổ phần ưu đãi hoàn lại

Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, tuy nhiên cũng giống như cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ đông bị tước một số quyền cơ bản như không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

* Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

Ngoài các loại cổ phần ưu đãi mà pháp luật quy định, các cổ đông có quyền thỏa thuận về cổ phần ưu đã cho cổ đông tùy thuộc vào tính chất hoạt động của công ty.

Như vậy, đối với từng loại cổ phần ưu đãi, cổ đông sẽ có những quyền lợi ưu đãi khác nhau so với các cổ đông sở hữu cổ phần khác.

Quyền lợi của cổ đông nắm cổ phần ưu đãi (cổ đông ưu đãi).

* Đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại Điều lệ công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Cổ đông sở hữu phần ưu đãi biểu quyết được quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định.

* Đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức.

Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

cổ phần ưu đãi
cổ phần ưu đãi

– Nhận cổ tức theo quy định tại trên đây.

– Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản.

* Đối với cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.

+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền như cổ đông phổ thông.

+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật doanh nghiệp năm 2020.

Khoản 5 Điều 114 quy định như sau:

“5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông”.

Khoản 6 Điều 148 quy định như sau:

” 6. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”.

* Ngoài những quyền đã được nêu ở trên cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cũng có các quyền chung như cổ đông phổ thông, cụ thể như sau:

– Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

– Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

– Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

– Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;

– Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;

– Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

* Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:

– Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;

– Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

– Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về cổ phần ưu đãi. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139