Án phí lệ phí tòa án

án phí lệ phí toà án

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự hoặc khởi kiện vụ án hình sự, đương sự phải nộp án phí, lệ phí theo quy định. Ngoài ra mức án phí, lệ phí về hình sự và hành chính là bao nhiêu? Bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin giới thiệu đến quý khách án phí lệ phí toà án như sau:

1. Án phí hình sự theo quy định pháp luật 

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về các loại án phí bao gồm: án phí hình sự, án phí dân sự, án phí hành chính. Án phí dân sự gồm án phí giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong đó, án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm bằng nhau; án phí hành chính sơ thẩm và phúc thẩm bằng nhau; án phí dân sự gồm án phí cho các vụ việc có giá ngạch và các vụ việc không có giá ngạch. Mức án phí cụ thể như sau:

– Án phí hình sự sơ thẩm: 200.000 đồng;

– Án phí hình sự phúc thẩm: 200.000 đồng.

2. Án phí dân sự theo quy định pháp luật

Phân loại án phí dân sự
– Căn cứ vào từng loại vụ án
Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 326, án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Ngoài ra, án phí dân sự còn được tính trong trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự (khoản 1 Điều 21 Nghị quyết số 326). Mức án phí Tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326.
Căn cứ vào giá ngạch
Án phí dân sự chia thành án phí dân sự có giá ngạch và án phí dân sự không giá ngạch. Khoản 2 và 3 Điều 24 Nghị quyết số 326 quy định như sau:
– Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ như: Tranh chấp về ly hôn, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con, tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ; tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất; trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác…
– Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ, tranh chấp về các loại hợp đồng, tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về chia thừa kế, tranh chấp về bồi thường thiệt hại tài sản, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền, đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc…
Như vậy, điểm khác biệt giữa vụ án dân sự có giá ngạch và vụ án dân sự không có giá ngạch là trong vụ án dân sự có giá ngạch thì yêu cầu của đường sự là tiền, còn trong vụ án dân sự không có giá ngạch thì đương sự không có yêu cầu là tiền. 
Theo trình tự giải quyết vụ án
Án phí dân sự gồm án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 326.

2.1. Án phí dân sự sơ thẩm:

– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: 300.000 đồng

– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng

– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

+ Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

+ Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

+ Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

+ Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch

+ Từ 60.000.000 đồng trở xuống: 3.000.000 đồng

+ Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% của giá trị tranh chấp

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

+ Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

+ Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

– Đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch

+Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

+Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá400.000.000 đồng

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng: 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt2.000.000.000 đồng

2.2. Án phí dân sự phúc thẩm

– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động: 300.000 đồng

– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại: 2.000.000 đồng

án phí lệ phí toà án
án phí lệ phí toà án

3. Án phí hành chính

– Án phí hành chính sơ thẩm: 300.000 đồng;

– Án phí hành chính phúc thẩm: 300.000 đồng

Về lệ phí Tòa án áp dụng cho các trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các yêu cầu khác. Mức lệ phí được quy định cụ thể trong Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:

4. Lệ phí giải quyết việc dân sự

– Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: 300.000 đồng;

– Lệ phí phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: 300.000 đồng

5. Lệ phí Tòa án khác

– Lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài:

+ Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài: 3.000.000 đồng

+ Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài: 300.000 đồng

– Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định về pháp luật về Trọng tài thương mại:

+ Lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định, thay đổi trọng tài viên: 300.000 đồng

+ Lệ phí yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài, về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc: 500.000 đồng

+ Lệ phí yêu cầu Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấptạm thời liên quan đến trọng tài; yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng: 800.000 đồng

+ Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án liên quan đến trọng tài: 500.000 đồng

– Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: 1.500.000 đồng

– Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công: 1.500.000 đồng

– Lệ phí bắt giữ tàu biển: 8.000.000 đồng

– Lệ phí bắt giữ tàu bay: 8.000.000 đồng

– Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam: 1.000.000 đồng

– Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài: 200.000 đồng

– Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án: 1.500 đồng/trang A4

6. Một số bất cập trong thực tiễn về án phí dân sự

Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến vấn đề án phí dân sự cần được tháo gỡ như sau:
– Vướng mắc về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác
Điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định như sau:
5. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
….
e) Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng”.
Quy định này có thể hiểu như sau: Trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác mà nếu vợ chồng không thỏa thuận được hết việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Đối với án phí nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng đối với người khác thì đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với án phí chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng thì hiện có hai cách tính khác nhau.

– Vướng mắc về tính án phí trong trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một số yêu cầu của vụ án

Thực tiễn hiện nay cho thấy, có những vụ án đương sự chỉ thỏa thuận được một hoặc một số yêu cầu mà không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì án phí cho yêu cầu đương sự đã thỏa thuận được trước khi đưa vụ án ra xét xử được tính như thế nào.
Ví dụ, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được việc ly hôn, trả nợ chung cho người có yêu cầu độc lập nhưng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp này, án phí ly hôn và án phí đối với nghĩa vụ trả nợ được tính như thế nào? Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, có thể hiểu theo hai hướng sau:
Thứ nhất, do các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, các đương sự phải chịu toàn bộ án phí theo quy định chung như các vụ án thông thường khác. Cụ thể là, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự đối với yêu cầu ly hôn; nguyên đơn và bị đơn mỗi người phải chịu 50% án phí theo quy định đối với số tiền phải trả nợ.
Thứ hai, việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là do nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, đây là vụ án hôn nhân và gia đình nên trong vụ án có nhiều yêu cầu hoàn toàn độc lập với nhau. Trong đó, có những yêu cầu các đương sự đã thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa như yêu cầu ly hôn, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung. Do đó, nguyên đơn và bị đơn chỉ phải chịu 50% án phí dân sự đối với yêu cầu ly hôn và 50% án phí đối với số tiền phải trả nợ như trong trường hợp hòa giải thành.

Trên đây là tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về án phí lệ phí tòa án. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139