Người lao động ký hợp đồng thử việc 1 tháng với những công việc nào? Có được kéo dài thời gian thử việc khi kết quả thử việc bị đánh giá không đạt yêu cầu? cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Ký hợp đồng thử việc 1 tháng với những công việc nào?
Căn cứ Điều 24 Bộ luật lao động 2019 quy định về thử việc như sau:
Thử việc
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Và theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo quy định, đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì thời gian thử việc sẽ là 30 ngày.
Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận ký hợp đồng thử việc tối đa là 1 tháng đối với những công việc này.
Có được kéo dài thời gian thử việc khi kết quả thử việc bị đánh giá không đạt yêu cầu?
Tại Điều 27 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc, cụ thể thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện được quy định tại điều này.
Như vậy, khi người lao động được đánh giá không đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng có thể chấm dứt hợp đồng lao động, tuyệt nhiên không được kéo dài thời gian thử việc đối với cùng 1 công việc vị trí.
Nếu người sử dụng lao động kéo dài thời gian thử việc sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức xử phạt với cá nhân sẽ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, với doanh nghiệp sẽ từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời, người sử dụng lao động buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó.
Hợp đồng thử việc phải đảm bảo các nội dung gì?
Tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thử việc như sau:
Thử việc
Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, nội dung của hợp đồng thử việc bao gồm:
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
– Công việc và địa điểm làm việc;
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
Được ký hợp đồng thử việc tối đa mấy lần?
Căn cứ theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo đó, thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Tuy nhiên, chỉ thử việc một lần đối với một công việc và đảm bảo thời gian sau:
– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Tuy nhiên, pháp luật không cấm việc thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp.
Do đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng thử việc nhiều lần đối với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp.
Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động chỉ có thể ký hợp đồng thử việc tối đa 01 lần đối với 01 công việc. Tuy nhiên, một người lao động có thể ký nhiều hợp đồng thử việc với cùng một người sử dụng lao động đối với những công việc khác nhau.
Mức lương thử việc tối thiểu đối với người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
Lương thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định như sau:
Thu nhập chịu thuế
…
Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
…
Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, trong thời gian thử việc, nếu người lao động nhận được tiền lương ở mức phải đóng thuế thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Lao động thử việc tự ý nghỉ việc có phải bồi thường không?
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Kết thúc thời gian thử việc
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo đó, trong thời gian thử việc, người lao động có quyền nghỉ việc, hủy bỏ hợp đồng mà không cần báo trước và cũng không phải bồi thường chi phí đào tạo cũng như các chi phí khác.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
Nghĩa vụ làm việc có thời hạn của người học
Người tốt nghiệp các khóa đào tạo theo chế độ cử tuyển, theo các chương trình do Nhà nước đặt hàng, cấp học bổng, chi phí đào tạo hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Theo đó, đối với trường hợp người lao động trong thời gian thử việc nhưng có ký cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng cấp học bổng, chi phí đào tạo nhưng lại tự ý nghỉ việc và không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi thường chi phí đào tạo hoặc các chi phí khác theo cam kết cho người sử dụng lao động.
Như vậy, trong thời gian thử việc, người lao động có quyền nghỉ việc, hủy bỏ hợp đồng mà không cần báo trước và cũng không phải bồi thường chi phí đào tạo cũng như các chi phí khác, trừ trường hợp người lao động trong thời gian thử việc có ký cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng cấp học bổng, chi phí đào tạo.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về hợp đồng thử việc. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.