Trốn thuế và tránh thuế là hai hành vi dễ bị nhầm lẫn với nhau. Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin giải đáp và phân biệt hai hành vi trốn thuế và tránh thuế này như sau:
Phân biệt trốn thuế và tránh thuế
Khái niệm trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế: là một hoạt động bất hợp pháp trong đó cá nhân hoặc tổ chức cố tình tránh phải trả một nghĩa vụ thuế thực sự. Những người bị bắt vì tội trốn thuế thường phải chịu các cáo buộc hình sự và hình phạt đáng kể.
Tránh thuế: là việc sử dụng các phương pháp hợp pháp để sửa đổi tình hình tài chính của một cá nhân để giảm số tiền thuế thu nhập phải nộp. Việc sửa đổi này thường được thực hiện dưới dạng yêu cầu được ghi nhận các khoản khấu trừ thuế và nợ hợp pháp. Hành động này khác với việc trốn thuế bằng cách sử dụng các phương pháp bất hợp pháp, như ghi giảm thu nhập.
Đặc điểm trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế: Giấu thông tin mà lẽ ra phải cung cấp cho cơ quan nhà nước, tạo ra thông tin không có thật.
Tránh thuế: Chủ động nghiên cứu, phân tích tận dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về quy định thuế.
Phương thức
Trốn thuế:
- Các hành vi gian lận thuế nội địa: Bỏ ngoài sổ sách kế toán; tạo giao dịch bán hàng giả mạo; tạo giao dịch mua hàng giả mạo; ghi giá bán thấp hơn giá thực tế; hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định.
- Các hành vi gian lận thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Buôn lậu; khai sai chủng loại hàng hóa; khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu; gian lận giá tính thuế; giả mạo mục đích xuất khẩu, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế.
Tránh thuế:
- Trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp: Chọn đăng ký phương thức khấu hao thích hợp tùy theo dự kiến doanh nghiệp sẽ có lãi hay bị lỗ; đăng ký chuyển lỗ trong vòng 5 năm vào những năm tài chính mà doanh nghiệp dự kiến sẽ có lãi lớn để dùng số lỗ đó giảm thu nhập chịu thuế.
- Trong lĩnh vực thuế nhập khẩu: Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ những nước có ký các hiệp định về ưu đãi thuế quan với Việt Nam về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước (ASEAN) để được hưởng mức thuế suất thấp.
- Trong lĩnh vực thuế nhà thầu: Chọn giữa việc đăng ký thực hiện chế độ kế toán Việt Nam hay không; ký hợp đồng dịch vụ với những công ty là đối tượng cư trú ở những nước có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam. Theo đó, công ty dịch vụ, trong một số trường hợp, có thể được hưởng thuế suất thấp hơn và lẽ đương nhiên sẽ giảm giá mua bán hàng hóa/dịch vụ với doanh nghiệp.
- Trong lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân, cũng có một số cách có thể tránh thuế hợp pháp: Chọn đối tượng nộp thuế là vợ hoặc chồng tùy theo thu nhập cao thấp của từng người trong việc kê khai giảm trừ gia cảnh đối với số người phụ thuộc trong gia đình nhằm mục đích giảm số thuế phải trả.
Xử lý trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt vi phạm hành chính theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Phạt vi phạm hình sự: tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2013.
Tránh thuế:
- Không thể xử lý vì không có hành vi trái pháp luật.
Cơ sở pháp lý về trốn thuế và tránh thuế
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.
Hành vi nào được xem là trốn thuế?
Tội trốn thuế được quy định cụ thể tại Điều 200 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, theo đó “người phạm TỘI TRỐN THUẾ khi thực hiện các hành vi sau”:
- Về hồ sơ thuế:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế;
- Không nộp hồ sơ khai thuế;
- Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Về hóa đơn bán hàng:
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ;
- Ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích:
- Làm giảm số tiền thuế phải nộp;
- Làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm;
- Tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để:
- Xác định sai số tiền thuế phải nộp;
- Xác định sai số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Điều kiện xử lý hình sự Tội trốn thuế
- Hành vi trên phải trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên thì mới CẤU THÀNH TỘI trốn thuế.
- Hành vi trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng cấu thành tội trốn thuế và phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi trốn thuế của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện tội phạm.
- Tội trốn thuế xâm phạm quy định của Nhà nước về thuế làm suy giảm đến ngân sách Nhà nước.
Hình phạt đối với hành vi trốn thuế
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Người nào phạm tội trốn thuế mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1.500 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm:
- Trốn thuế có tổ chức;
- Trốn thuế mà số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trốn thuế;
- Phạm tội trốn thuế hai lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu trốn thuế với số tiền là 1 tỷ đồng trở lên
- Hình phạt bổ sung đối với tội trốn thuế: Người phạm tội trốn thuế còn có thể phải chịu một hoặc một vài hình phạt bổ sung sau đây:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế:
- Pháp nhân thương mại mà thực hiện hành vi nêu tại mục 1 nêu trên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1 tỷ đồng;
- Pháp nhân thương mại nào phạm tội thuộc trường hợp tại điểm b, mục 3 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng;
- Pháp nhân thương mại nào phạm tội thuộc trường hợp tại điểm c, mục 3 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến ba năm;
- Pháp nhân thương mại nào mà trốn thuế gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để trốn thuế, thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Xử lý hành chính đối với hành vi trốn thuế
Nếu bị xử lý hành chính, trốn thuế có bị đi tù không? thì trốn thuế không bị đi tù, nhưng phải nộp phạt theo quy định.
Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, nếu bạn có hành vi trốn thuế, bạn sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn. Cụ thể:
Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Một là, không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
- Hai là, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế..
- Ba là, không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
- Bốn là, sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
- Năm là, sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
- Sáu là, sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
- Bảy là, người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế.
Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trên mà có một tình tiết tăng nặng.
Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trên có hai tình tiết tăng nặng.
Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi nêu trên có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Đối tượng vi phạm các hành vi trên sẽ bị buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định. Ngoài ra, người nộp thuế còn bị buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Các hành vi vi phạm thứ hai, năm, sáu nêu trên bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Trên đây là một số nội dung về trốn thuế và tránh thuế. Nếu có vấn đề gì về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.