Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của pháp luật để thi hành công vụ. Tuy nhiên trong một số trường hợp chủ thể có đủ điều kiện sử dụng lại làm huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự. Trong trường hợp như vậy thì có biện pháp chế tài xử phạt như thế nào đối với tội danh này hay không? Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự là gì?
Quy định chi tiết của pháp luật về Điều 413 Bộ luật hình sự 2015
Điều 413 Bộ luật hình sự quy định Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự như sau:
“Điều 413. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 114 và Điều 303 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.”
Dấu hiệu pháp lý của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
Khách thể của tội phạm – Điều 413 Bộ luật hình sự
Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là tài sản đặc biệt của Nhà nước giao cho Quân đội để huấn luyện và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không chỉ xâm phạm quyền sở hữu của Nhà nước đối với loại tài sản đặc biệt này mà còn trực tiếp xâm phạm sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Đối tượng bị xâm phạm trong tội này là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được trang bị cho quân đội hoặc do quân đội quản lý.
Theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số: 14/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.”
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu của Nhà nước đối với vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự và sức mạnh; khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Mặt khách quan của tội phạm – Điều 413 Bộ luật hình sự
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự.
Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự là làm mất hoàn toàn tính năng và giá trị sử dụng của vũ khí, phương tiện không thể khôi phục được hoặc làm mất một phần tính năng, giá trị sử dụng của vũ khí, phương tiện đó.
Hành vi trên có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đập phá, đốt, sử dụng hoá chất.
Hậu quả của tội phạm là làm cho vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự hư hỏng một phần hoặc hư hỏng toàn bộ, làm mất giá trị sử dụng một phần hoặc toàn bộ giá trị sử dụng của vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự mà không thể khôi phục.
Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm do tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự xảy ra.
Chủ thể của tội phạm – Điều 413 Bộ luật hình sự
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm.
Họ chỉ có thể là:
“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân
Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”
Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm – Điều 413 Bộ luật hình sự
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Mục đích phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu mục đích là chống chính quyền nhân dân thì hành vi phạm tội xâm phạm bị truy cứu về Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114).
Hình phạt đối với người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
Điều 413 Bộ luật Hình sự quy định 03 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
Mức hình phạt tại khoản 1 Điều 413 Bộ Luật hình sự: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 114 và Điều 303 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Mức hình phạt tại khoản 2 Điều 413 Bộ Luật hình sự: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
- Trong chiến đấu;
- Trong khu vực có chiến sự;
- Lôi kéo người khác phạm tội;
- Gây hậu quả nghiêm trọng.
Mức hình phạt tại khoản 3 Điều 413 Bộ Luật hình sự: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo có thể được hưởng khi phạm tội tại Điều 413 BLHS năm 2015
Điều 51 Bộ luật hình sự có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo đó, khi bị cáo có một trong các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 thì Hội đồng xét xử có thể xem xét cho giảm nhẹ trách nhiệm. Cụ thể:
Các tình tiết các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự về việc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Vì vậy, bị cáo có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 hoặc trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo còn có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 413 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.