Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Điều 145 Bộ luật hình sự quy định Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là độ tuổi trẻ em bắt đầu dậy thì, nhất là đối với trẻ em nữ, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cũng phát triển rõ rệt. Người phạm tội thường lợi dụng độ tuổi này để thực hiện tội phạm xâm hại tình dục với các em. Do vậy, pháp luật hình sự đặt ra quy định riêng về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Điều 145 Bộ luật hình sự quy định Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:

Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

DẤU HIỆU PHÁP LÝ TẠI ĐIỀU 145 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi của một người đã thành niên quan hệ tình dục với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Tội phạm xâm phạm sự phát triển bình thường về thể chất và sinh lý của trẻ em trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em; thể chất, sinh lý và vấn đề tình dục của trẻ em trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Mặt khách quan của tội phạm tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi quy định:

Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Nạn nhân của tội phạm này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật Hình sự. Tức là trường hợp nạn nhân là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ, người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điểm a Khoản 1 Điều 142 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trường hợp nan nhân là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị cưỡng dâm bởi người mình đang lệ thuộc hay trong trạng thái quẫn bách, người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 144 – Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo đó, trường hợp người phạm tội xâm hại tình dục đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không thuộc các trường hợp nêu trên thì phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Khác biệt với tất cả các tội phạm xâm hại đến tình dục khác, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không cần dấu hiệu “trái ý muốn của họ”. Điều này nghĩa là, nếu người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi chấp nhận hay không chấp nhận để người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ hình dục khác thì người thực hiện hành vi đó đều phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định cách xác định tuổi của nạn nhân dưới 16 tuổi như sau:

Việc xác định tuổi của người bị hại dưới 16 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nếu chưa có hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác thì không cấu thành tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Chủ thể của tội phạm tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được thực hiện bởi bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, tội phạm thực hiện bởi bất kỳ người nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch. Chủ thể thực hiện tội phạm có thể là cá nhân, thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác một mình. Nhưng cũng có thể là vụ án đồng phạm, nhiều người cùng thực hiện hành vi giao cấu hay quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc có một người thực hiện việc giao cấu hay quan hệ tình dục khác nhưng có người chỉ huy, hướng dẫn, có người khác xúi giục, giúp sức để người đó thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thành công.

Thứ hai, điều luật quy định rõ chủ thể của tội phạm này phải là người từ 18 tuổi trở lên.

Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm tại Điều 145 Bộ luật hình sự

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội đã có đầy đủ nhận thức cũng như năng lực làm chủ hành vi. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả xâm hại tình dục của trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nhưng vì để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình nên mong muốn hậu quả đó xảy ra. Đối với tội phạm này, nạn nhân có thể đồng ý để người phạm tội thực hiện hành vi thỏa mãn nhu cầu tình dục hoặc hành vi của người phạm tội có thể trái ý muốn của nạn nhân. Dù nạn nhân đồng ý với hành vi của người phạm tội hay không thì cũng không ảnh hưởng đến việc người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội danh giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

CÁC TÌNH TIẾT ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT CỤ THỂ

a) Phạm tội 02 lần trở lên.

Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dực người dưới 18 tuổi quy định:

Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Đối với 02 người trở lên.

Đây là trường hợp người phạm tội cùng thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác đối với 02 người trở lên từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.

c) Có tính chất loạn luân.

Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dực người dưới 18 tuổi quy định:

Có tính chất loạn luân là một trong các trường hợp sau đây:

– Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

– Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;

– Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;

– Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

– Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

d) Làm nạn nhân có thai.

Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi mà làm nạn nhân có thai là do hành vi giao cấu của người phạm tội mà nạn nhân có thai, tức là cái thai của nạn nhân là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội với nạn nhân. Nếu nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giữa nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”.

đ) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.

Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích, mức độ rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Đây là trường hợp người phạm tội ngoại trừ thực hiện hành vi xâm hại tình dục nạn nhân mà còn xâm hại đến sức khỏe của nạn nhân, gây thương tích ở mức đáng kể cho nạn nhân.

e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

Người phạm tội và người bị hại trong trường hợp này phải có mối quan hệ, trong đó người phạm tội có nghĩa vụ đối với người bị hại. Nghĩa vụ này xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân,…

f) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn cưỡng dâm, tức là cố ý lây truyền HIV cho người khác bằng hành vi giao cấu, làm cho tính chất và mức độ của tội phạm nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự.

HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI GIAO CẤU HOẶC THỰC HIỆN HÀNH VI QUAN HỆ TÌNH DỤC KHÁC VỚI NGƯỜI TỪ ĐỦ 13 TUỔI ĐẾN DƯỚI 16 TUỔI

Điều 145 Bộ luật hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm này thuộc loại tội phạm nguy hiểm.

– Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 10 năm áp dụng khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; tái phạm nguy hiểm. Căn cứ quy định phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự, tội phạm này thuộc loại tội rất nghiêm trọng.

– Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tại Điều 145 Bộ luật hình sự nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139