Thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, đối tượng nộp thuế này là mọi dân cư trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở nước sở tại không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc cách tính thuế thu nhập cá nhân theo tháng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng các điều kiện sau:
– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân?
Nhắc đến đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân chúng ta có thể nhắc tới các đặc điểm nổi trội như:
– Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh lên tất cả cá nhân trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Chính vì thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu nên người có nghĩa vụ nộp thuế này không thể chuyển các khoản thuế của mình cho người khác.
Vì vậy đôi khi khi phải thực hiện tính thuế và quyết toán thuế một tâm lý chung của người chịu thuế thu nhập cá nhân là thường nặng nề, cảm thấy không vui vẻ so với việc nộp theo các loại thuế gián thu.
– Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội, việc nộp thuế là để phục vụ cho ngân sách nhà nước, để đóng góp vào các chính sách an sinh xã hội cũng như vì các mục đích công cộng…
– Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc lũy tiến từng phần và sẽ có biểu phí tính thuế riêng với từng mức chi trả thu nhập cụ thể của người nộp thuế với các đối tượng khác nhau.
– Việc quản lý thuế; thu thuế đòi hỏi người thực hiện cần có trình độ chuyên môn; kỹ thuật cao; chi phí quản lý thuế lớn.
Bởi bản chất của loại thuế thu nhập cá nhân là một lọai thuế phức tạp nên trong quá trình quản lý thì Cơ quan thuế phải nắm được các nguồn thu nhập chính của người chịu thuế, tình trạng cư trú… để tránh các trường hợp trốn thuế, nợ thuế…
Cách tính thuế thu nhập cá nhân? Các bậc tính thuế thu nhập cá nhân 2022
Sau khi xác định được đối tượng phải đóng thuế TNCN 2022, việc tiếp theo cần tìm hiểu đó là cách tính thuế với từng loại đối tượng cũng như các bậc tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất 2022. Thông qua đó, nắm được thông tin để thực hiện quyết toán thuế TNCN theo đúng thủ tục, quy trình.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ theo từng loại đối tượng phải nộp thuế TNCN sẽ có cách tính thuế TNCN tương ứng. Theo quy định, 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú.
Với cá nhân cư trú, sẽ có 2 trường hợp:
Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
Cá nhân không ký hợp đồng lao động/ ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân với từng trường hợp cụ thể như sau:
Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:
Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.
Lưu ý, Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ.
Trong đó, các khoản giảm trừ gồm:
Giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế;
Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, từ thiện, khuyến học, nhân đạo.
Các khoản thu nhập miễn thuế từ tiền lương, tiền công sẽ gồm:
Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ;
Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
Đối với trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng, căn cứ theo quy định tại Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC, NLĐ sẽ bị khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập.
Thuế thu nhập cá nhân = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
Trong khi đó, với cá nhân không cư trú, công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo Khoản 1, Điều 18, Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = 20% x Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương NLĐ nhận được trong kỳ tính thuế.
Cùng với đó, nếu lao động ký hợp đồng thử việc và có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì sẽ phải khấu trừ thuế 10%.
Các bậc tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ theo Phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, có 7 bậc tính thuế thu nhập cá nhân (dựa trên thu nhập theo tháng).
Cụ thể gồm:
Thu nhập <= 5 triệu
5 triệu < Thu nhập <= 10 triệu
10 triệu < Thu nhập <= 18 triệu
18 triệu < Thu nhập <= 32 triệu
32 triệu < Thu nhập <= 52 triệu
52 triệu < Thu nhập <= 80 triệu
Thu nhập > 80 triệu
Theo đó, việc tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp có thể áp dụng theo 2 cách như bảng dưới đây:
Bậc |
Thu nhập tính thuế (TNTT)/tháng |
Thuế suất |
Công thức tính thuế phải nộp |
|
Cách 1 |
Cách 2 |
|||
1 |
5 triệu VNĐ trở xuống |
5% |
0 triệu VNĐ + 5% TNTT |
5% TNTT |
2 |
Trên 05 triệu VNĐ đến 10 triệu VNĐ |
10% |
0,25 triệu VNĐ + 10% TNTT trên 5 triệu VNĐ |
10% TNTT – 0,25 triệu VNĐ |
3 |
Trên 10 triệu VNĐ đến 18 triệu VNĐ |
15% |
0,75 triệu VNĐ + 15% TNTT trên 10 triệu VNĐ |
15% TNTT – 0,75 triệu VNĐ |
4 |
Trên 18 triệu VNĐ đến 32 triệu VNĐ |
20% |
1,95 triệu VNĐ + 20% TNTT trên 18 triệu VNĐ |
20% TNTT – 1,65 triệu VNĐ |
5 |
Trên 32 triệu VNĐ đến 52 triệu VNĐ |
25% |
4,75 triệu VNĐ + 25% TNTT trên 32 triệu VNĐ |
25% TNTT – 3,25 triệu VNĐ |
6 |
Trên 52 triệu VNĐ đến 80 triệu VNĐ |
30% |
9,75 triệu VNĐ + 30% TNTT trên 52 triệu VNĐ |
30 % TNTT – 5,85 triệu VNĐ |
7 |
Trên 80 triệu VNĐ |
35% |
18,15 triệu VNĐ + 35% TNTT trên 80 triệu VNĐ |
35% TNTT – 9,85 trđ |
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương làm thêm ?
Xin chào Luật sư! Tôi có vấn đề cần tư vấn về cách tính thuế thu nhập cá nhân, xin luật sư tư vấn giúp tôi. Hiện nay tôi làm công cho một công ty, mức lương trong hợp đồng tôi ký với công ty là 25 triệu đồng/ tháng.
Nhưng vì công ty thiếu người làm chuyên môn nên mỗi tháng tôi đi làm thêm 4 ngày chủ nhật, và được trả công là 2 triệu đồng/ 1 ngày chủ nhật (số tiền này không có trong hợp đồng hay phụ lục hợp đồng nào, mà chỉ là thỏa thuận bằng miệng giữa tôi và lãnh đạo công ty).
Như vậy, tổng thu nhập của tôi là 33 triệu đồng/ tháng, nhưng khi tính thuế thu nhập cá nhân thì kế toán công ty tôi lại gộp cả 2 loại thu nhập này của tôi để tính mà không trừ đi phần chênh lệch tiền công làm việc trong giờ và công làm thêm (theo hướng dẫn về cách tính thuế thu nhập cá nhân của TT111/2013 của BTC).
Vậy xin luật sư cho tôi hỏi cách tính của kế toán công ty tôi có đúng không? Vì khi tôi thắc mắc thì họ nói đấy không phải là tiền làm thêm giờ mà đó cũng là một khoản thu nhập của tôi nên áp thuế cả hai khoản trên cộng lại ?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm i khoản1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân về các khoản thu nhập được miễn thuế:
“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.”
Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, phần tiền lương cao hơn do phải làm thêm là thu nhập được miễn thuế.
Như vậy, việc kế toán ở công ty bạn gộp chung cả hai khoản tiền (lương làm việc bình thường hàng tháng + tiền lương làm thêm vào chủ nhật có mức cao hơn ngày bình thường) để tính thuế thu nhập cá nhân cho bạn là sai theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc xác định phần thu nhập được miễn thuế và tính phần thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được thực hiện như sau:
– Trước hết bạn cần xác định mức tiền lương mà bạn đang được hưởng theo ngày làm việc bình thường. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTB&XH, tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn.
Ngoài ra, bạn cần căn cứ vào quy định trong điều lệ của công ty bạn hoặc hợp đồng lao động mà bạn đã kí kết để xác định số ngày làm việc bình thường trong tháng của bạn.
– Lấy số tiền lương bạn được hưởng trong một ngày làm thêm (chủ nhật) trừ đi số tiền lương bạn được hưởng trong một ngày làm việc bình thường để tính mức lương chênh lệch trong một ngày. Bạn làm 4 ngày chủ nhật, do đó bạn lấy con số này nhân lên 4 lần tính được phần thu nhập được miễn thuế.
– Phần thu nhập chịu thuế TNCN trong tháng của bạn được tính bằng tổng số lương của bạn trong tháng (33 triệu) trừ đi phần thu nhập miễn thuế.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về cách tính thuế thu nhập cá nhân theo tháng Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.