Thừa kế được hiểu cơ bản là việc người hiện đang còn sống được thừa hưởng, kế nhiệm tài sản và quyền sở hữu tài sản của người đã chết để lại. Vậy dưới góc nhìn của pháp luật thì thừa kế được định nghĩa ra sao?
Thừa kế tài sản dưới định nghĩa của pháp luật được hiểu là sự chuyển dịch về quyền sử hữu tài sản từ người đã qua đời chuyển sang cho người còn sồng dưới hình thức là để lại di chúc hoặc theo pháp luật quy định khi người này mất đi.
Di sản thừa kế là gì?
Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê để xác định di sản gồm những tài sản nào. Khái niệm này đã được một số nhà khoa học đưa ra khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế trên cơ sở một số phương diện nhất định.
Xét trên phương diện khoa học luật dân sự: Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản.
Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Quyền thừa kế là gì?
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền thừa kế được pháp luật các nước trên thế giới công nhận.
Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo di nguyện của bản thân và quyền được hưởng phần di sản đó theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản. Do đó các vấn đề liên quan đến quyền thừa kế bao gồm các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về đối tượng của quyền thừa kế:
Về đối tượng của quyền thừa kế dưới góc độ pháp luật được hiểu là tài sản thuộc sở hữu của người chết hoặc quyền tài sản của người chết mà người chết là người sử dụng hợp pháp để lại cho người còn sống.
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Vậy tài sản được nhắc tới ở đây được hiểu là bao gồm những gì? Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định tài sản là vật, là tiền, là giấy tờ có giá và là quyền tài sản. Tài sản được nhắc tới ở đây bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện đã có và tài sản hiện chưa có sẽ được hình thành trong tương lai.
Thứ hai, về chủ thể của quyền thừa kế:
Về chủ thể của quyền thừa kế trong trường hợp này bao gồm quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản.
Vấn đề thứ nhất đặt ra là quyền thừa kế của người để lại di sản:
Theo Bộ luật dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc trước khi qua đời.
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội … đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Pháp luật Việt Nam bảo về quyền thừa kế của người lập di chúc dưới hai hình thức: thông qua di chúc để lại trước khi qua đời hoặc theo quy định cụ thể của pháp luật trong trường hợp không có di chúc để lại.
Trong trường hợp có di chúc của người qua đời để lại thì việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc.
Chia cho những ai? Di sản chia là gì? Và chia cho bao nhiêu? Việc phân chia này vừa thể hiện sự tôn trọng di nguyện của người đã khuất vừa là phương thức giải quyết di sản một cách công bằng nhất tránh việc tranh chấp không đáng có xảy ra về sau khi.
Trong trường hợp người đã chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật dân sự 2015.
Vấn đề thứ hai đặt ra là Quyền thừa kế của người nhận di sản:
Căn cứ vào việc người chết có để lại di chúc hay không thì người nhận di sản cũng được chia thành hai trường hợp: thứ nhất là người nhận di sản theo di chúc và thứ hai là người nhận di sản theo pháp luật.
Mọi cá nhân đều có quyền thừa kế và nhận di sản trong trường hợp mình thuộc diện nhận di sản theo pháp luật hoặc nhận di sản theo di chúc.
Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản mà di chúc đã ghi lại.
Trường hợp người nhận di sản theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ nhận được.
Bên cạnh đó người có quyền thừa kế là người nhận di sản cũng có quyền từ chối nhận phần di sản của mình dù là trong trường hợp nhận di sản theo pháp luật hay nhận di sản theo di chúc nếu sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế phù hợp với những điều kiện mà pháp luật đã quy định.
Sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ, hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng di sản và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản.
Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật cho phép nếu phù hợp với điều kiện, nguyên tắc, thời hạn theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015.
Từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc z hay theo pháp luật cũng là sự thể hiện quyền thừa kế, ý chí của người được chỉ định thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật đã không nhận thừa kế theo sự định đoạt của người để lại di sản.
Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, người được thừa kế chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp thứ hai, người được thừa kế chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc.
Trường hợp thứ ba, người được thừa kế từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên việc thực hiện quyền năng này của người có quyền hưởng di sản chỉ được pháp luật chấp nhận trong thời hạn là 06 tháng kể từ ngày tiến hành mở thừa kế; nếu quá thời hạn đã nêu trên, người được hưởng di sản mới bày tỏ ý kiến của mình về việc từ chối nhận di sản thì việc từ chối nhận di sản của họ sẽ không được pháp luật chấp nhận và theo đó người hưởng di sản buộc phải chấp nhận việc hưởng phần di sản của mình vì đó là “quyền thừa kế”.
Quy định mới nhất về các loại di sản thừa kế?
– Các tài sản thuộc quyền sở hữu của người để thừa kế và thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt và những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.
– Các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại.
– Các nghĩa vụ về tài sản của người để thừa kế phát sinh do quan hệ hợp đồng, do việc gây thiệt hại hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Một món nợ, một khoản bồi thường thiệt hại v.v…).
Cần lưu ý, đối với những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được), thì không phải là di sản thừa kế của người đó.
Ví dụ: Các quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn…chỉ có thể được thực hiện khi người được hưởng quyền còn sống. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn chỉ phải thực hiện khi người có có nghĩa vụ còn sống. Vì vậy, các người thừa kế không được hưởng loại quyền tài sản gắn liền với thân nhân người chết, và cũng không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản đó.
Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng
Theo quy định của Bộ luật dân sự, Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung; Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.
Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.
Vợ, chồng được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được chồng, vợ lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi vợ, chồng từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự.
Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác được quy định như sau:
– Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản
Trên đây là một số thông tin về thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cần chúng tôi hỗ trợ tư vấn hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý thì hãy liên hệ với Luật Trần và Liên Danh, chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.