Việc tăng giảm vốn điều lệ công ty cổ phần là việc thay đổi số vốn điều lệ của công ty. Nó mang lại một số lợi ích nhất định. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin về thủ tục thay đổi vốn điều lệ, giúp các doanh nghiệp có thể thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vốn điều lệ Công ty cổ phần là gì?
Căn cứ vào Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì vốn điều lệ của công ty cổ phần chính là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại trong công ty. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Các hình thức tăng vốn điều lệ công ty cổ phần
Vốn điều lệ công ty cổ phần có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tùy theo mức độ phát triển cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty. Công ty cổ phần có các hình thức tăng vốn điều lệ như sau:
Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong công ty cổ phần là trường hợp công ty tăng thêm số lượng các cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ hiện có trong công ty.
Trình tự thực hiện thủ tục như sau:
Bước 1: Công ty thông báo bằng văn bản (về số lượng cổ phần dự kiến chào bán, được quyền mua và các nội dụng khác theo quy định pháp luật) đến tất cả các cổ đông chậm nhất trong vòng 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn để đăng ký mua cổ phần;
Kèm theo thông báo những nội dung trên phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty trực tiếp phát hành. Trong trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần của cổ đông không được gửi về công ty theo đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan sẽ coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua số cổ phần đó;
Bước 2: Cổ đông công ty có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
Trong trường hợp số lượng cổ phần dự kiến công ty chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị công ty có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán cho các cổ đông của công ty hoặc cho người khác.
Bước 3: Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua. Công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu.
Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần bằng cách chào bán cổ phần riêng lẻ
Theo quy định Luật doanh nghiệp 2020, việc chào bán cổ phần của công ty có thể thực hiện tự do và không phải thông báo lên Phòng đăng ký kinh doanh.
Theo đó, việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần trong trường hợp không phải là công ty đại chúng sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không thực hiện việc chào bán cổ phần thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ thực hiện việc chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
- Nhà đầu tư nước ngoài mua mua cổ phần chào bán sẽ phải làm thủ tục Đăng ký mua cổ phần tại Sở kế hoạch đầu tư.
Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần bằng cách chào bán cổ phần ra công chúng
Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng hình thức thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng, tức là công ty cổ phần đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng theo nhiều đợt. Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần theo hình thức này sẽ phức tạp hơn bởi cần thực hiện thêm các bước sau:
Bước 1: Công ty phát hành sẽ gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Bước 2: UBCKNN sẽ tiếp nhận và kiểm tra danh mục hồ sơ của công ty. Trường hợp danh mục hồ sơ chưa đầy đủ thì UBCKNN sẽ hướng dẫn tổ chức phát hành bổ sung hồ sơ theo quy định pháp luật.
UBCKNN sẽ thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của các nội dung trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. Trường hợp nội dung hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, UBCKNN có ý kiến bằng văn bản yêu cầu công ty phát hành thực hiện bổ sung, sửa đổi hồ sơ.
Bước 3: Công ty phát hành hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng theo yêu cầu và gửi lại UBCKNN.
Lưu ý: Sau thời hạn là 60 ngày kể từ ngày có công văn yêu cầu, công ty phát hành không thực hiện việc bổ sung, sửa đổi hồ sơ, UBCKNN sẽ dừng việc xem xét hồ sơ đăng ký chào bán của công ty.
Bước 4: Công ty phát hành gửi UBCKNN 06 bản cáo bạch chính thức để hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bước 5: UBCKNN sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho công ty phát hành, thu tiền lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì UBCKNN sẽ gửi công ty phát hành công văn từ chối và nêu rõ lý do.
Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần
Việc tăng vốn điều lệ công ty cổ phần phải thực hiện các thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp. Theo đó, hồ sơ cần chuẩn bị theo từng hình thức tăng vốn điều lệ như sau:
Hồ sơ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Hồ sơ chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu trong công ty bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (Phụ lục II-1 Thông tư 02/2019/TT-BKHDT);
- Quyết định Đại hội đồng cổ đông và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông công ty;
- Văn bản về việc chấp thuận, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp;
- Quyết định HĐQT và biên bản họp của HĐQT công ty về việc tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc thực hiện mỗi đợt chào bán cổ phần;
- Quyết định Đại hội đồng cổ đông và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông công ty ghi nhận việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ công ty (trong đó nêu rõ về số lượng các cổ phần đã được chào bán và giao lại cho HĐQT công ty thực hiện thủ tục đăng ký vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần).
Hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ
Hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ lưu tại công ty và không phải nộp lên Phòng đăng ký kinh doanh để xin chấp thuận. Trong đó hồ sơ sẽ bao gồm:
- Thông báo về việc chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty về chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng
Hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng bao gồm như sau:
- Giấy đăng ký chào bán (Mẫu số 03 Phụ lục Nghị định 155/2020/NĐ-CP);
- Bản cáo bạch (Căn cứ theo Điều 19 Luật Chứng khoán);
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty về việc thông qua phương án phát hành, thông qua phương án sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán ngoại trừ trường hợp công ty thực hiện chào bán cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông, thông qua việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
- Báo cáo tài chính của công ty phát hành trong 02 năm gần nhất;
- Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
- Cam kết bảo lãnh phát hành (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
Quyết định của Hội đồng quản trị công ty về việc thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trường hợp, chào bán cổ phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng, phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng. Trường hợp, chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty kinh doanh bảo hiểm, phải có văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
Văn bản cam kết của Hội đồng quản trị công ty triển khai niêm yết hoặc thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
Văn bản thỏa thuận giữa cổ đông sở hữu số cổ phiếu được chào bán với công ty về phương án chào bán, giá chào bán trong trường hợp việc chào bán cổ phiếu thuộc sở hữu của các cổ đông;
Điều lệ của công ty thực hiện phát hành;
Văn bản cam kết (nội dung đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật chứng khoán 2019);
Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trong công ty trước thời điểm công ty thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất là 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu trong thời gian là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
Văn bản xác nhận của ngân hàng hoặc của chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần nói chung
Bước 1 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Lựa chọn hình thức tăng vốn điều lệ
Khi quyết định tăng vốn điều lệ thì các cổ đông công ty cần thống nhất về phương án tăng vốn điều lệ trước khi quyết định việc tăng vốn.
Bước 2 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Chuẩn bị và nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch và đầu tư
Công ty cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần theo từng hình thức như đã nêu trên nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc tại Uỷ ban chứng khoán nhà nước. Trường hợp gửi hổ sơ đến Ủy ban chứng khoán nhà nước thì trình tự thực hiện sẽ theo mục 3.3 Bài viết này.
Bước 3 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Nhận kết quả
Trong vòng thời gian từ 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm xem xét tính chất pháp lý của hồ sơ, nếu xét thấy hồ sơ đầy đủ hợp lệ theo quy định pháp luật sẽ cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối thay đổi phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Khi hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi doanh nghiệp.
Bước 4 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Công bố thông tin thay đổi vốn điều lệ công ty trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp
Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh sẽ công bố thông tin thay đổi của doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Bước 5 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Khai, nộp bổ sung lệ phí môn bài sau khi tăng vốn điều lệ
Trường hợp việc thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp làm tăng mức lệ phí môn bài của doanh nghiệp phải nộp thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục sau đây:
- Tờ khai điều chỉnh đăng ký thuế (Mẫu số 08/MST);
- Tờ khai thuế môn bài bổ sung;
- Trường hợp người nộp thuế có sự thay đổi các yếu tố liên quan đến căn cứ tính thuế làm thay đổi số thuế môn bài phải nộp của năm tiếp theo thì sẽ phải tiến hành nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo, thời hạn thực hiện việc khai thuế chậm nhất là vào ngày 31/12 của năm có sự thay đổi đó.
Bước 6 trong thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần: Cổ đông hoàn thành góp vốn khi tăng
Cổ đông công ty sẽ phải chịu trách nhiệm với số vốn góp tăng lên và có nghĩa vụ thực hiện góp đủ số vốn tăng trong thời gian là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung thay đổi tăng vốn điều lệ công ty.
Trên đây là thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Trần và Liên Danh – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.