Kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ không còn là hình thức kinh doanh xa lạ mà đã trở lên rất phổ biến và là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu hiện nay. Việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài dường như cũng trở lên dễ dàng hơn. Không thể phủ nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP của cả nước.
Tuy nhiên, ngoài những hình thức nhập khẩu, xuất khẩu phổ biến, chúng ta còn biết đến một hình thức khác trong kinh doanh xuất nhập khẩu là tạm nhập tái xuất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn có xu hướng vận dụng hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa làm chủ đạo trong kinh doanh do những lợi ích mà hình thức này mang lại.
Tạm nhập tái xuất là gì?
Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) vào lãnh thổ Việt Nam. Thông thường, hàng hóa sau khi được nhập khẩu vào một quốc gia thì sẽ được lưu lại tại quốc gia đó để phân phối ra thị trường hoặc phục vụ cho một mục đích nhất định của doanh nghiệp nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh và có lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, với trường hợp tạm nhập thì hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích cho lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn được xuất khẩu sang nước thứ ba.
Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào Việt Nam và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, khái niệm tạm nhập tái xuất được hiểu là việc một thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ một quốc gia, được làm đầy đủ thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó thương nhân Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đã nhập khẩu này sang một quốc gia khác hoặc có thể là chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu.
Đồng thời, hàng hóa tạm nhập tái xuất này theo hình thức kinh doanh thì có thời gian lưu lại tại Việt Nam là không quá 60 ngày kể từ thời điểm thương nhân Việt Nam làm thủ tục tạm nhập qua khu vực hải quan.
Các hình thức tạm nhập tái xuất:
Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, hiện nay có 05 hình thức tạm nhập tái xuất:
Một là, tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh
Kinh doanh tạm nhập tái xuất là hình thức kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam nhưng thương nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau:
* Đối với hàng hóa kinh doanh có điều kiện:
– Nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện: Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện bao gồm
+ Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh: ví dụ như thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ; ruột, bong bóng và dạ dày động vật… ( chi tiết Phụ lục VII Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
+ Nhóm hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt : bia sản xuất từ malt; rượu vang từ nho tươi; xì gà; thuốc lá…( Phụ lục VIII Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
+ Nhóm hàng hóa đã qua sử dụng: Tủ kết đông, loại cửa trên, dung tích không quá 800 lít; Máy làm khô quần áo; Máy hút bụi… ( Phụ lục IX Nghị định số 69/2018/NĐ-CP)
– Quy định điều kiện kinh doanh: Để kinh doanh tạm nhập tái xuất nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện thì thương nhân Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
+ Một số hạn chế với doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất: Không được ủy thác, nhận ủy thác tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện; không chuyển loại hình kinh doanh từ tạm nhập tái xuất sang hình thức nhập khẩu nhằm mục đích tiêu thụ nội địa những hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện.
+ Với vận đơn đường biển của hàng hóa tạm nhập tái xuất: Phải là vận đơn đích danh ghi rõ Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp hoặc số Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với hàng hóa đã qua sử dụng.
* Đối với hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, tạm dừng xuất nhập khẩu hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam
Doanh nghiệp muốn kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất thuộc loại hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu; tạm dừng xuất nhập khẩu hay hàng hóa chưa được pháp lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hoăc hàng hóa chịu sự quản lý bằng các biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu, thuế quan.. thì phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất.
* Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất nằm ngoài phạm vi 02 loại hàng hóa nêu trên: Thương nhân Việt Nam được thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất tại các cơ quan hải quan.
* Một số lưu ý:
– Thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì không được thực hiện hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, thay vào đó có thể tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn; tái chế, bảo hành…
– Khi vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất bằng container trừ những trường hợp bắt buộc phải thay đổi, chia nhỏ hàng hóa theo yêu cầu thì các chủ thể liên quan không được phép chia nhỏ hàng hóa, đồng thời cơ quan hải quan sẽ kiểm soát hàng hóa từ khi tạm nhập vào Việt Nam tới khi được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
– Thời gian hàng hóa tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam: Không quá 60 ngày, kể từ khi hoàn thành xong thủ tục tạm nhập. Nếu cần kéo dài thời hạn thời gian gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày, không quá 02 lần gia hạn và phải có văn bản đề nghị được gia hạn gửi tới Chi cục Hải quan nơi thương nhân làm thủ tục tạm nhập hàng hóa tạm nhập tái xuất, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư;
– Do là hình thức tạm nhập tái xuất nên thương nhân kinh doanh cần thực hiện trên hai hợp đồng riêng biệt. Đối với nước xuất khẩu ban đầu thì làm hợp đồng nhập khẩu, đối với nước mà thương nhân Việt Nam tái xuất hàng hóa thì làm hợp đồng xuất khẩu. Thời gian làm hợp đồng xuất khẩu có thể trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
Hai là, tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn
Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn trừ trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu. Sau khi tiến hành bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hàng hóa tạm nhập tái xuất trong một khoảng thời gian nhất định thì thương nhân nước ngoài lại tiếp tục tái xuất hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Khác với trường hợp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hình thức ký kết hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn không quy định cụ thể về thời gian hàng tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam. Do tùy từng trường hợp, mặt hàng cụ thể, trang thiết bị, trình độ, nhu cầu mà thời gian bảo hành, bảo dưỡng, thuê mượn không thể ấn định một cách cụ thể. Trường hợp này các bên thương nhân có quyền tự thỏa thuận với nhau một khoảng thời gian hợp lý trong hợp đồng ký kết.
Ba là, tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài
Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài được hiểu là thương nhân nước ngoài đặt hàng với thương nhân Việt Nam vê việc tái chế, bảo hành hàng hóa đích danh cho thương nhân nước ngoài chỉ định. Sau khi tái chế, bảo hành thì thương nhân Việt Nam sẽ xuất trả lại hàng hóa đó cho chính thương nhân nước ngoài đã đặt hàng. Hoạt động tạm nhập tái xuất theo hình thức này được thực hiện tại các cơ quan Hải quan và không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.
Điểm khác biệt của hình thức này so với hai hình thức trên là hàng hóa sau khi tạm nhập vào Việt Nam để tái chế, bảo hành thì sẽ được tái xuất trở lại chính thương nhân nước ngoài đã xuất khẩu ban đầu sang cho Việt Nam chứ không phải là tái xuất sang nước thứ ba hay một thương nhân nước ngoài nào khác như hai hình thức trên.
Bốn là, tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Do nhu cầu của xúc tiến thương mại, trong một số trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất được đưa vào lãnh thổ Việt Nam mục đích ban đầu không nhằm kinh doanh kiếm lời mà để phục vụ cho nhu cầu trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc tham gia tại các triển lãm, hội trợ.
Mục đích của hình thức tạm nhập tái xuất này là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, kích cầu giao thương trong và ngoài nước. Do đó, hình thức này cũng không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất mà chỉ phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
Ngoài ra, khi tạm nhập tái xuất để trung bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thì thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định riêng về việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quy định của triển lãm, hội trợ.
Thời gian hàng hóa tạm nhập tái xuất lưu lại tại Việt Nam theo hình thức này cũng không quy định cụ thể nhưng thông thường sẽ tuân theo khoảng thời gian của chương trình, chiến dịch trưng bày, thời gian diễn ra hội chợ, triển lãm.
Năm là, tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác
Trong một số trường hợp, do điều kiện về trang thiết bị , máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và các tổ chức nước ngoài vì mục đích nhân đạo muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Đương nhiên với hình thức này cũng không cần có Giấy phép tạm nhập tái xuất. Hiểu đơn giản thì với hình thức này, tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam, cho Việt Nam ” mượn” các máy móc thiết bị không nhằm mục đích thu lợi, sau quá trình sử dụng thì Việt Nam phải tái xuất trả lại cho tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, với những trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho thể thao, nghệ thuật cũng chỉ cần thưc hiện thủ tục tại các cơ quan hải quan. Trừ những máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thể thao, nghệ thuật mà thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu hay hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thì ngoài việc thưc hiện thủ tục hải quan còn cần phải bổ sung một số giấy tờ sau:
+ Giấy tờ về việc cho phép tiếp nhận đoàn khám bệnh, tổ chức sự kiện vào Việt Nam của cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền.
+ Cam kết của cơ quan, tổ chức cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh, tổ chức sự kiện về việc sử dụng đúng mục đích của hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Trong trường hợp đặc biệt cần tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa là vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh nhằm mục đích phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thì cần có sự xem xét, cho phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tạm nhập tái xuất là một hình thức xuất nhập khẩu vô cùng quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự phát triển kinh tế của một quốc gia mà còn là nhu cầu tất yếu trong mối quan hệ thương mại, chính trị, xã hội giữa các quốc gia trên thế giới. Tùy thuộc theo mục đích của việc nhập khẩu, xuất khẩu mà thương nhân có quyền lựa chọn hình thức tạm nhập tái xuất và có sự chuẩn bị đầy đủ về thủ tục, khả năng tài chính phù hợp.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất:
Tạm nhập tái xuất không còn là hoạt động xa lại với các doanh nghiệp kinh doanh hiện nay. Do tính đặc thù của hoạt động tạm nhập tái xuất chỉ đưa hàng hóa tạm thời nhập khẩu rồi lại tái xuất khẩu trong thời gian ngắn, pháp luật quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất rất chi tiết.
Căn cứ Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC , trừ một số loại hàng hóa theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-BTC thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính thì thủ tục hải quan đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập – tái xuất thực hiện tương tự theo quy định đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại nhưng có thêm một số hướng dẫn như sau:
Thủ tục hải quan tạm nhập
a) Địa điểm làm thủ tục hải quan: Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập;
b) Hồ sơ hải quan tạm nhập gồm:
– Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC)
– Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:
+) Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài;
+) Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hóa (cargo manifest) thay cho vận đơn;
– Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;
– Giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản cho phép nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngoại thương và thương mại đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch hoặc văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:
+) Nếu nhập khẩu một lần: 01 bản chính;
+) Nếu nhập khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi nhập khẩu lần đầu
Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
– Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính. Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;
– Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên. Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
– Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy. Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC;
– Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
– Danh mục máy móc, thiết bị trong trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam hoặc phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời: 01 bản chụp và xuất trình bản chính Danh mục máy móc, thiết bị để đối chiếu kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi theo quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC trong trường hợp nhập khẩu nhiều lần;
– Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, pháp luật về quản lý ngoại thương mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;
– Hợp đồng bán hàng cho trường học, viện nghiên cứu hoặc hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng: 01 bản chụp
– Hợp đồng mua bán hàng hóa nhập khẩu: 01 bản chụp;
– Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ:
+ Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp: 01 bản chụp;
+ Giấy phép tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng theo quy định phải được Bộ Công Thương cấp phép: 01 bản chính.
Thủ tục hải quan tái xuất
a) Địa điểm làm thủ tục tái xuất: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất. Riêng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện theo quy định của Chính phủ thì phải làm thủ tục hải quan tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập;
b) Hồ sơ hải quan tái xuất:
– Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này,Dịch vụ xin giấy chứng nhận đầu tư.
– Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp;
– Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;
– Giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép:
+) Nếu xuất khẩu một lần: 01 bản chính;
+) Nếu xuất khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu
Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định pháp luật về một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
– Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành): 01 bản chính. Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định pháp luật về một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;
– Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định pháp luật về một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
– Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;
Trường hợp tại thời điểm làm thủ tục hải quan tạm nhập, người khai hải quan thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này thì khi làm thủ tục hải quan tái xuất, việc khai hải quan cũng được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC
– Khi làm thủ tục tái xuất, thương nhân phải khai báo thông tin về số tờ khai tạm nhập, số thứ tự của dòng hàng trên tờ khai tạm nhập tương ứng với từng dòng hàng tái xuất để Hệ thống theo dõi trừ lùi; Hệ thống tự động thực hiện trừ lùi theo số lượng trên tờ khai tạm nhập tương ứng.
Một tờ khai tạm nhập có thể được sử dụng để làm thủ tục tái xuất nhiều lần; một tờ khai tái xuất hàng hóa chỉ được khai báo theo một tờ khai tạm nhập hàng hóa tương ứng. Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai tái xuất kiểm tra thông tin về tờ khai hải quan tạm nhập trên Hệ thống để làm thủ tục tái xuất.
Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì người khai hải quan phải khai cụ thể hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên ô “Chứng từ đi kèm” của tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này.
Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất
a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương;
b) Trường hợp thay đổi cửa khẩu tái xuất đã khai trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu nhưng không thay đổi phương thức vận chuyển thì người khai hải quan có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai, nếu được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phê duyệt thì công chức hải quan thực hiện chuyển địa điểm giám sát trên Hệ thống. Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi đang lưu giữ hàng hóa lập biên bản bàn giao và niêm phong hàng hóa để chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
Trường hợp thay đổi cửa khẩu tái xuất đã khai trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa chưa thông quan thì người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Nếu thay đổi cửa khẩu tái xuất làm thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa thì người khai hải quan khai bổ sung cửa khẩu xuất tại ô “Phần ghi chú”, sửa đổi thông tin “Địa điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu;
c) Trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập nhưng tái xuất vào khu phi thuế quan, kho ngoại quan hoặc khu chế xuất thì cửa khẩu xuất hàng là khu phi thuế quan, kho ngoại quan hoặc khu chế xuất.
Thời hạn lưu giữ
a) Thời hạn hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuơng mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
b) Trường hợp thương nhân cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập hàng hóa, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét, chấp nhận ký, đóng dấu Chi cục trên văn bản đề nghị của thương nhân và trả lại thương nhân để làm thủ tục tái xuất hàng hóa; lưu hồ sơ hải quan 01 bản chụp. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần cho mỗi lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, mỗi lần không quá 30 ngày;
c) Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ hoặc hàng hóa thuộc Danh mục không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công Thương thì quá thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam thương nhân chỉ được tái xuất qua cửa khẩu tạm nhập trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam (không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập). Trường hợp không tái xuất được thì bị tịch thu và xử lý theo quy định; Trường hợp phải tiêu hủy thì thương nhân chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tiêu hủy. Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất trong việc bàn giao, quản lý, giám sát và xử lý hàng hóa quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam.
Địa điểm lưu giữ
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất (bao gồm các trường hợp đã hoàn thành thủ tục tạm nhập hoặc đã hoàn thành thủ tục tái xuất, chờ thực xuất) được lưu giữ tại một trong các địa điểm sau:
a) Khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu;
b) Cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa hoặc kho ngoại quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất;
c) Kho, bãi của thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất;
d) Các điểm thông quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới
Giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất khi vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất, người khai hải quan/người vận chuyển phải khai báo vận chuyển qua Hệ thống trong các trường hợp sau:
a) Hàng hóa tạm nhập tại một cửa khẩu nhưng tái xuất tại cửa khẩu khác;
b) Hàng hóa tạm nhập tại một cửa khẩu nhưng đưa hàng về địa điểm lưu giữ sau đó tái xuất tại cửa khẩu khác.
Thủ tục hải quan vận chuyển hàng hóa từ nơi đi đến nơi đến thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan tại Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC
Thủ tục hải quan chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC
Xử phạt phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất quá thời hạn:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có nhu cầu tư vấn vấn đề cụ thể như sau: Về xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện vận tải tạm nhập – tái xuất quá thời hạn quy định theo Nghị định thư phương tiện vận tải Việt – Lào. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư trả lời:
– Theo quy định tại Điều 33 Nghị định thư phương tiện vận tải Việt – Lào:
“Các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện và lái xe vi phạm các quy định của Hiệp định và Nghị định thư, ngoài việc bị xử lý theo quy định của Luật pháp quốc gia nơi vi phạm xảy ra, còn bị xử lý theo quy định tại Điều 34”.
Theo đó, phương tiện vận tải tạm nhập – tái xuất quá thời hạn quy định tại biên giới Việt Lào sẽ bị xử lý theo quy định của Luật pháp Việt Nam hoặc Luật pháp nước Lào nơi xảy ra vi phạm.
– Tại khoản 4 Điều 82 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thời hạn lưu giữ hàng hóa tạm nhập tái xuất tại Việt Nam như sau:
+ Thời hạn được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
+ Được gia hạn không quá 2 lần, thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày.
Như vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất và cụ thể trong trường hợp bạn nói đến là phương tiện vận tải được phép lưu giữ tại Việt Nam tối đa 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Việc gia hạn được thực hiện không quá 2 lần cho mỗi lô hàng và mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 6 Nghị định 127/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 45/2016/NĐ-CP như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
d) Không tái xuất đúng thời hạn quy định phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao nhận hàng hóa.
…
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
g) Không tái xuất, tái nhập hàng hóa đúng thời hạn quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan, trừ vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;
…
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tái xuất hàng hóa tạm nhập thuộc diện miễn thuế, hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất đúng thời hạn quy định;
b) Không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đúng thời hạn quy định, trừ phương tiện vận tải là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi quy định tại Khoản 5 Điều này và trường hợp phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao nhận hàng hóa;
Không tái xuất phương tiện vận tải nhập cảnh là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo Điểm d Khoản 1 và Điểm b Khoản 4 Điều này thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên.
Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất hàng hóa tạm nhập, phương tiện vận tải tạm nhập đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm g Khoản 3; Điểm a, Điểm b Khoản 4, Khoản 5 Điều này; trừ trường hợp được phép tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam theo quy định.
b) Buộc đưa hàng hóa ra khỏi Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này”.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 33 Nghị định thư phương tiện vận tải Việt – Lào, người vi phạm cũng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền quản lý vận tải của Bên ký kết xử lý tùy theo mức độ vi phạm theo một trong các hình thức quy định tại Điều 34 Nghị định thư Việt Lào: Nhắc nhở hoặc cảnh cáo bằng văn bản; Thu hồi giấy phép liên vận của phương tiện vi phạm; Thu hồi giấy phép vận tải quốc tế…
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về các hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.