Quy trình tố tụng hình sự

Quy trình tố tụng hình sự

Quy trình tố tụng hình sự là gì? Các giai đoạn của tố tụng hình sự tại Việt Nam? Tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đến giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Quan hệ xã hội phát sinh từ quá trình tố tụng giữa các cơ quan và những người tiến hành tố tụng với người tố tụng được pháp luật tố tụng hình sự tiến hành trực tiếp điều chỉnh, trong đó những quy định về quyền cũng như nghĩa vụ của cơ quan của các bên tham gia tố tụng. 

Tố tụng hình sự là gì? 

Tố tụng hình sự là cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các giai đoạn tố tụng hình sự bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng Quá trình giải quyết vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn nhất định của pháp luật. Tại hình sự: mỗi bước, cơ quan và người chịu trách nhiệm sẽ phải đảm nhận với những vị trí và vai trò khác nhau.

Các giai đoạn của Tố tụng hình sự:

Tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Theo Điều 144 BLTTHS:

“Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”

– Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Bộ Luật TTHS quy định cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan khác được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. (Điều 145 Bộ luật TTHS).

– Về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố (Điều 147)

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Có thể được Viện kiểm sát gia hạn thêm một lần nhưng cũng không quá 2 tháng.

Khởi tố, điều tra:

Sau khi kết thúc giai đoạn giải quyết tín báo, tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điều tra là giai đoạn mà trong đó cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự

Giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự.

Về thời hạn điều tra quy định tại điều 172 BLTTHS:

“Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.”

Các trường hợp gia hạn điều tra được quy định chi tiết trong điều 172 BLTTHS

Truy tố:

Giai đoạn truy tố được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Về thời hạn truy tố, điều 240 BLTTHS quy định:

Điều 240. Thời hạn quyết định việc truy tố

Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

a) Truy tố bị can trước Tòa án;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Quy trình tố tụng hình sự
quy trình tố tụng hình sự

Xét xử VAHS:

– Xét xử sơ thẩm

+ Giai đoạn chuẩn bị xét xử (điều 276, 277 BLTTHS)

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án phức tạp có thể gia hạn thời hạn xét xử không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi kết thúc giai đoan chuẩn bị xét xử, thẩm phán ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

* Thẩm quyền xét xử của Tòa các cấp.

Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ những tội phạm sau đây: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;  các tội phạm quy định tại các Điều 92, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322, 323 của BLHS.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.

* Phiên tòa hình sự sơ thẩm bao các giai đoạn.

Giai đoạn bắt đầu phiên tòa: ở giai đoạn này Thẩm phán chủ tọa phiên tòa làm các thủ tục cần thiết trước khi xét hỏi như: kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,…

Giai đoạn xét hỏi

Trước khi bắt đầu xét hỏi, Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trực tiếp xem xét vật chứng, tài liệu tại phiên tòa. Khi xét hỏi, Thẩm phán hỏi trước sau đó đến Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa. Bị cáo, người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu xét hỏi thêm về những vấn đề chưa được làm rõ.

Giai đoạn tranh luận

Mở đầu giai đoạn tranh luận Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó người bào chữa (nếu có), bị cáo trình bày lời bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Kiểm sát viên phải tham gia đối đáp về những vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời luận tội, quan điểm xử lý vụ án của Kiểm sát viên với lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp qua tranh luận mà phát hiện thêm những vấn đề chưa được làm rõ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi, sau khi xét hỏi xong lại trở lại phần tranh luận. Kết thúc phần tranh luân bị cáo được trình bày “lời nói sau cùng”.

Giai đoạn nghị án và tuyên án

Khi nghị án chỉ có thành viên Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm) mới có quyền này. Hội đồng xét xử phải lần lượt thảo luận và biểu quyết từng vấn đề của vụ án; các thành viên của Hội đồng xét xử đều phải trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ án, Hội thẩm phát biểu trước, Thẩm phán phát biểu sau và là người biểu quyết sau cùng. Bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử phải được đa số thành viên của Hội đồng xét xử biểu quyết thông qua, người có ý kiến thiểu số được bảo lưu ý kiến trong hồ sơ; việc nghị án phải được lập thành biên bản, bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử và biên bản nghị án phải được thông qua tại phòng nghị án.

Sau khi nghị án xong Thư ký Tòa án yêu cầu các bị cáo và người tham gia tố tụng vào phòng xử án, sau đó Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử đọc bản án, trong trường hợp bản án dài thì các Thẩm phán, Hội thẩm thay nhau đọc.

– Xét xử phúc thẩm

+ Thời hạn kháng cáo (Điều 333)

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

+ Thời hạn kháng nghị (Điều 337)

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Thi hành án hình sự:

Là giai đoạn tố tụng hình sự nhằm thực hiện bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Giai đoạn tố tụng đặc biệt: gồm giám đốc thẩm và tái thẩm:

Giám đốc thẩm là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.

Tái thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về quy trình tố tụng hình sự. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139