Khi bạn xin nghỉ việc, bạn sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp). Vì vậy, bạn cần nắm rõ cách tính bảo hiểm thất nghiệp năm, mức bảo hiểm thất nghiệp, để tránh mất quyền lợi.
Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin gửi tới quý bạn đọc một số nội dung về BHTN và mức bảo hiểm thất nghiệp mới nhất hiện nay:
Điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp
Có rất nhiều người lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp tuy nhiên người lao chỉ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 49, Luật Việc làm. Cụ thể các điều kiện hưởng BHTN như sau:
(1) Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn.
- Hoặc từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Các mức lãnh bảo hiểm thất nghiệp
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội.
Quy định về mức lãnh bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo Điều 50 của Luật Việc làm quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy yếu tố mức lương cơ sở sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động. Mức hưởng tối đa không vượt quá 5 lần mức lương cơ sở ở thời điểm người lao động nghỉ việc.
Mức lãnh bảo hiểm thất nghiệp tối đa
Đối với các đối tượng lao động làm việc thực hiện chế độ tiền lương khác nhau sẽ có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau. Cụ thể mức lãnh bảo hiểm thất nghiệp tối đa theo các trường hợp như sau:
Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Căn cứ theo Khoản 7, Điều 3, Nghị quyết 128/2020/QH14 ban hành ngày 12/11/2020 quy định “Trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo” như vậy mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá: 1,49 x 5 = 7,45 triệu đồng/tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa phụ thuộc vào mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng.
Đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Cho tới thời điểm hiện tại (đầu năm 2021) do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn mức lương tối thiểu vùng được giữ nguyên theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng này thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau:
- Vùng I: 4,42 x 5 = 22,1 triệu đồng/tháng.
- Vùng II: 3,92 x 5 = 19,6 triệu đồng/tháng.
- Vùng III: 3,43 x 5 = 17,15 triệu đồng/tháng.
- Vùng IV: 3,070 x 5 = 15,35 triệu đồng/tháng.
Người lao động có thể đối chiếu Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng kèm theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó biết được khu vực của mình thuộc vùng nào suy ra mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Nắm được mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa người lao động sẽ có thể chủ động hơn trong nguồn tài chính của mình. Số tháng người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH bắt buộc. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Quy định mức đóng BHTN
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 cho người lao động được thực hiện theo quy định của Luật việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn Pháp lý khác.
3.1 Mức đóng, cách tính bhtn của người sử dụng lao động
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 57, Luật Việc làm 2013, tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính theo công thức sau:
Mức đóng của doanh nghiệp = 1% x Quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia BHTN
Theo Nghị quyết 116/NQ-CP ban hành ngày 24/9/2021 Chính phủ để hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó thực hiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động quy định tại Điều 43, Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) như sau:
“b) Mức giảm đóng
Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”
Thời gian thực hiện giảm đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Như vậy, mức đóng vào quỹ BHTN năm 2022 của người sử dụng lao động như sau:
Tỷ lệ đóng BHTN |
Thời gian |
Đối tượng đóng |
|
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên |
Tổ chức, cơ quan, đơn vị khác |
||
Tính trên tiền lương tháng đóng BHXH |
Từ 01/10/2021- 30/9/2022 |
1% |
0% |
Tính trên tiền lương tháng đóng BHXH |
Từ 01/10/2022 trở đi |
1% |
1% |
Như vậy, đối với các đơn vị, doanh nghiệp không trực thuộc khối nhà nước, mức đóng BHTN sẽ được giảm xuống còn 0% đến hết 30/9/2022. Chính sách này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để vực dậy, sản xuất kinh doanh.
3.2 Mức đóng, cách tính bhtn của người lao động
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 57, Luật Việc làm quy định mỗi tháng, người lao động sẽ phải trích đóng 1% quỹ tiền lương tháng đóng vào quỹ BHTN. Cụ thể cách tính như sau:
Mức đóng của người lao động = 1% x Tiền lương tháng đóng BHTN
Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (theo Điều 58, Luật Việc làm).
3.4 Mức đóng, cách tính bhtn tối đa và tối thiểu
Theo quy định tại Điều 58, Luật Việc làm 2013, mức tiền lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
-
Người lao động theo chế độ tiền lương mà Nhà nước quy định: Tiền lương tháng đóng BHTN tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hiện tại mức lương cơ sở là 1,49 triệu/đồng/tháng. Dự kiến mức lương cơ sở không tăng trong năm 2022.
-
Người lao động theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định: Tiền lương tháng đóng BHTN tối đa bằng 20 lần lương tối thiểu vùng.
Mức đóng BHTN tối thiểu của người lao động năm 2022 là 1% tính trên quỹ tiền lương tháng đóng vào quỹ BHTN. Do đó, mức đóng BHTN tối thiểu của người lao động có chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định là 1% mức lương tối thiểu vùng. Dự kiến theo tình hình dịch bệnh và những khó khăn về kinh tế hiện nay dự kiến lương tối thiểu vùng 2022 sẽ giữ nguyên so với năm 2021 và mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định về việc đóng BHTN nêu trên. Năm 2022, người lao động sẽ đóng mức BHTN tối đa như sau.
Đối tượng |
Lương tối thiểu vùng năm 2022 |
Tiền lương đóng BHTN tối đa |
Mức đóng BHTN tối đa |
Mức đóng BHTN tối thiểu |
|
NLĐ theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định |
– |
29.800.000 |
298.000 |
– |
|
NLĐ theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định |
Vùng I: |
4.420.000 |
88.400.000 |
884.000 |
44.200 |
Lương tối thiểu Vùng II |
3.920.000 |
78.400.000 |
784.000 |
39.200 |
|
Lương tối thiểu Vùng III: |
3.430.000 |
78.400.000 |
686.000 |
34.300 |
|
Lương tối thiểu Vùng IV: |
3.070.000 |
61.400.000 |
686.000 |
30.700 |
Có thể thấy, mức đóng BHTN tối đa và tối thiểu năm 2022 dự kiến sẽ không đổi khi mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng không đổi.
Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần được không?
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi về bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Năm 2010, tôi đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì tìm được việc làm nên được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp một lần. Năm 2014 tôi đi nước ngoài, đến năm 2017 tôi về nước và đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đó đến nay. Tôi dự kiến nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp tiếp nhưng được biết bảo hiểm thất nghiệp không còn được nhận một lần nữa nếu tôi tìm được việc làm. Điều này có đúng không? Xin Luật sư giải đáp.
Trả lời:
Cảm ơn câu hỏi Bạn đã gửi về hòm thư liên hệ của chúng tôi. Với câu hỏi này, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước năm 2015, một số văn bản pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm thất nghiệp nói chung và trợ cấp thất nghiệp nói riêng là:
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006;
– Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;
– Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp;
– Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 Hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, các văn bản này có quy định với nội dung:
Người bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội.
Các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 bao gồm
+ Có việc làm;
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Do đó, vào thời điểm năm 2010, khi bạn đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng được xác định là có việc làm, bạn bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại theo quy định.
Từ 1/1/2015 cho đến nay (thời điểm trả lời câu hỏi), Luật Việc làm 2013 có hiệu lực thi hành điều chỉnh nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Điều 53 Luật này có quy định:
Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
2. Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định trên, hiện nay với trường hợp tìm được việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bạn bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được giải quyết một lần, mà được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Trên đây là một số nội dung về mức bảo hiểm thất nghiệp, nếu có vấn đề gì thắc mắc về nội dung này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Trần và Liên Danh chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng!