Ký quỹ thực hiện dự án đầu tư

ký quỹ thực hiện dự án đầu tư

Kí quỹ là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo đó, bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Dưới đây là quy định về ký quỹ thực hiện dự án đầu tư.

Ký quỹ là gì?

Ký quỹ được quy định tại Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 330. Ký quỹ

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc ký quỹ là một hình thức để bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hình thức bảo đảm bằng ký quý không thường xuất hiện ở các giao dịch dân sự thông thường, mà chủ yếu xuất hiện trong các dự án đầu tư kinh doanh.

Đặc điểm của việc ký quỹ là tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ là tiền, kim khí, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền. Khoản vật chất này phải có sẵn, và được phong tỏa tại một tổ chức tín dụng. Tài sản ký quỹ và việc ký quỹ một lần hoặc nhiều lần tại ngân hàng nơi ký quỹ do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định (khoản 2 Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)

Quyền và nghĩa vụ của các bên khi ký quỹ

Hoạt động ký quỹ có sự xuất hiện của 3 bên và quyền, nghĩa vụ của các bên theo Điều 40 Nghị định 21/2021/ NĐ-CP:

Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ:

– Hưởng phí dịch vụ;

– Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;

– Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;

– Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;

– Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Bên ký quỹ:

– Thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền;

– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

– Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý;

– Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư;

– Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Bên có quyền trong ký quỹ:

– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

– Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền tại điểm a khoản này;

– Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư

Theo khoản 1 Điều 43, khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020, khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP:

Nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ/có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp:

– Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê;

– Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất;

– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ/đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định ở văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư;

– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;

– Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước 01/7/2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Như vậy, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp thực hiện dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau ngày 01/01/2021 thì phải thực hiện ký quỹ/có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định.

Hình thức ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

Nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư (theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP của Chính phủ).

Theo đó, thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm nội dung chủ yếu sau:

 – Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

– Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

– Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, đăng ký đầu tư nước ngoài;

– Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

– Biện pháp xử lý trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước;

– Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên;

– Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

ký quỹ thực hiện dự án đầu tư
ký quỹ thực hiện dự án đầu tư

Thời điểm ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

 Căn cứ khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP:

– Đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: sau khi được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm: trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. 

Căn cứ Khoản 7 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP: Trường hợp nhà đầu tư ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được duyệt thì thực hiện như sau:

– Trường hợp số tiền đã ứng bằng hoặc lớn hơn mức bảo đảm thực hiện dự án theo quy định, nhà đầu tư không phải nộp ngay tiền ký quỹ hoặc chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng tại thời điểm trên;

– Trường hợp số tiền đã ứng thấp hơn mức bảo đảm thực hiện dự án theo quy định, nhà đầu tư phải nộp số tiền ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng bằng phần chênh lệch giữa số tiền đã ứng với mức bảo đảm thực hiện dự án tại thời điểm trên.

Lưu ý: Căn cứ khoản 6 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP: Đối với dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn, việc nộp và hoàn trả số tiền ký quỹ được áp dụng theo từng giai đoạn thực hiện dự án theo quy định tại Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án. Nhà đầu tư có thể chuyển số tiền ký quỹ còn lại của giai đoạn trước để bảo đảm thực hiện dự án cho giai đoạn tiếp theo mà không nhất thiết phải hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại của giai đoạn trước và nộp bổ sung số tiền chênh lệch giữa số tiền ký quỹ cho giai đoạn tiếp theo với số tiền ký quỹ của giai đoạn trước (nếu có).

Mức ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

Theo khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP:

– Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, cụ thể:

+ Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;

+ Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;

+ Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

– Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Trong đó, vốn đầu tư của dự án không bao gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho Nhà nước cũng như chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho Nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có). Nếu tại thời điểm ký Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về ký quỹ thực hiện dự án đầu tư. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline Công ty luật để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139