Hiện nay có thể thấy kết hôn là hành vi phổ biến trong cuộc sống của con người. Nghi thức kết hôn là cách để thiết lập quan hệ vợ chồng giữa hai chủ thể với nhau. Bài viết này sẽ chủ yếu xoay quanh vấn đề về Nghi thức kết hôn nhằm khiến cho quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận.
Khái niệm kết hôn
Kết hôn là việc hai cá nhân xác lập quan hệ vợ chồng với nhau thông qua nghi thức kết hôn.
Với khái niệm pháp lý, theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Khái niệm nghi thức kết hôn
Nghi thức kết hôn là những quy định của pháp luật về trình tự tiến hành đăng kí kết hôn nhằm thiết lập quan hệ vợ chồng.
Theo pháp luật hiện hành, nghí thức kết hôn hợp pháp là lễ đăng kí kết hôn được tổ chức trang trọng tại cơ quan đăng kí kết hôn với sự có mặt của hai bên nam nữ và đại diện cơ quan đăng kí kết hồn, Đại diện cơ quan đăng kí kết hôn một lần nữa yêu cầu hai bên kết hôn cho biết ý chí tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng kí kết hôn ghi việc kết hôn vào Số kết hôn và trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên. Sau khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn, hai bên là vợ chồng của nhau trước pháp luật.
Nghi thức kết hôn khác như tiến hành kết hôn tại nhà thờ hoặc làm lễ cưới theo phong tục mà không đăng kí kết hôn tại cơ quan đăng kí kết hôn không làm phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Để việc kết hôn được Nhà nước, pháp luật công nhận và bảo hộ quan hệ hôn nhân, việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo nghi thức pháp luật quy định
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đều không có giá trị pháp lý. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.
Đặc điểm nghi thức kết hôn
Thứ nhất, là hoạt động được thực hiện giữa hai cá nhân.
Thứ hai, có sự có mặt của bên thứ ba (có thể là cơ quan đăng kí kết hôn)
Thứ ba, là nghi thức được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên.
Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật
Điều kiện kết hôn theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể:
“Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”
Căn cứ Khoản 2 Điều 8 Luât Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Có thể thấy, mặc dù Nhà nước Việt Nam không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới (hay có thể nói: pháp luật Việt Nam không bảo vệ mối quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính).
Khi cá nhân nam và cá nhân nữ đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 8 trên thì sẽ được tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về đăng ký kết hôn như sau:
“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.”
Thẩm quyền thực hiện đăng kí kết hôn
– Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Với hai công dân Việt Nam
Quy định tại Điều 17 Luật hộ tịch năm 2014:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
- Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
- Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy trong trường hợp hai công dân Việt Nam đăng ký kết hôn thì thẩm quyền đăng ký là UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Với công dân Việt Nam và người nước ngoài
Theo quy định tại Luật hộ tịch 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài được quy định như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
- Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
= > Thẩm quyền đăng ký sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp quận (huyện) sẽ có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài.
Trình tự, thủ tục thực hiện nghi thức kết hôn hợp pháp
Hai công dân Việt Nam
Thủ tục đăng ký kết hôn quy định tại Điều 18 Luật hộ tịch 2014
Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Công dân Việt Nam với người nước ngoài
Thủ tục đăng ký kết hôn quy định tại Điều 38 Luật hộ tịc 2014;
Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ…
Quyền lợi khi thực hiện nghi thức kết hôn hợp pháp
Khi thực hiện nghi thức kết hôn hợp pháp tức là đăng ký kết hôn hợp pháp tại Cơ quan có thẩm quyền, khi đó. quan hệ vợ chồng giữa hai bên sẽ được pháp luật bảo vệ và quy định một cách chặt chẽ. Mỗi bên đều có quyền và nghĩa vụ nhất định bắt buộc phải thực hiện.
Trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không thực hiện nghi lễ kết hôn hợp pháp (tức là đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền), thì giải quyết hậu quả như sau:
Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
- Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.”
Trong đó, về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, căn cứ Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, căn cứ Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại để được giải đáp và tư vấn hiệu quả nhất.