Hợp đồng lao động vô hiệu

hợp đồng lao động vô hiệu

Hợp đồng lao động là cơ sở để giải quyết quyền lợi cho các bên khi xảy ra tranh chấp. Vậy trường nào thì hợp đồng lao động vô hiệu? Quyền lợi của các bên khi hợp đồng vô hiệu được giải quyết như thế nào?

Hợp đồng lao động là gì?

Căn cứ theo Điều 13 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Hợp đồng lao động với tư cách là một trong những hình thức pháp lí để tuyển dụng lao động cho nên nó được áp dụng trong phạm vi đối tượng nhất định.

Theo quy định, phạm vi đối tượng của hợp đồng lao động được áp dụng với tất cả người lao động làm việc trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện và có nhu cầu thuê mướn, sử dụng lao động, trừ phạm vi đối tượng sau đây:

– Những người thuộc đối tượng điều chỉnh là Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức (những người đã là công chức, viên chức vẫn có thể tham gia quan hệ hợp đồng lao động nếu công việc của họ không bị pháp luật cấm)

– Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách, người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ;

– Người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhà nước;

– Thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp;

– Những người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoạt động theo Quy chế của tổ chức đó;

– Cán bộ chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp;

– Xã viên Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Các trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 điều kiện đảm bảo cho một hợp đồng lao động hợp pháp sẽ bao gồm: nội dung của hợp đồng lao động lao động phù hợp với quy định của pháp luật;

Chủ thể tham gia hợp đồng đáp ứng yêu cầu về năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật; hình thức hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật; các điều kiện khác do pháp luật quy định hoặc do các bên xác định phù hợp, không trái với quy định của pháp luật.

Quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu như sau:

Hợp đồng lao động vô hiệu khi toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật.

Nội dung của hợp đồng lao động thường bao gồm thông tin của người sử dụng lao động, thông tin người lao động; công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của hợp đồng lao động; về mức lương như thế nào?

Và hình thức trả lương ra sao; về thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày và thời giờ nghỉ ngơi; về quyền và nghĩa vụ của hai bên do hai bên thỏa thuận.

Nội dung của hợp đồng lao động là nội dung được xây dựng chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận và ý chí tự nguyện của hai bên tuy nhiên pháp luật vẫn phải có sự điều chỉnh liên quan đến nội dung này.

Theo đó đối với hợp đồng lao động có nội dung vi phạm những quy định của pháp luật sẽ không được công nhận, vì nó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng lao động, của người lao động hoặc các chủ thể khác.

Tuy nhiên, vì hợp đồng lao động là cơ sở để các bên dựa vào đó làm căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình nên nếu trong trường hợp nội dung hợp đồng lao động chỉ có một phần vi phạm với quy định của pháp luật thì hợp đồng đó vẫn sẽ không bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu về nếu mặt nội dung vi phạm với quy định.

Hợp đồng lao động bị vô hiệu khi người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

Người chủ sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động bao gồm: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Như vậy, khi người lao động làm việc cho người sử dụng lao động thì cần được ký kết hợp đồng đúng thẩm quyền. Trong trường hợp có người khác không đủ chức năng nhiệm vụ ký hợp đồng lao động với người lao động thì sẽ không được pháp luật công nhận.

Việc giao kết hợp đồng phải thực hiện theo các nguyên tắc sau:

– Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

– Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

hợp đồng lao động vô hiệu
hợp đồng lao động vô hiệu

Hợp đồng lao động vô hiệu khi công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm.

Xuất phát từ tâm lý và nhu cầu tìm kiếm việc, tạo ra thu nhập của người lao động đặc biệt là những nguồn lao động có trình độ dân trí chưa cao rất dễ bị người sử dụng lao động lợi dụng để yêu cầu những người lao động này thực hiện những công việc mà pháp luật không cho phép.

Ví dụ: Anh A ký hợp đồng lao động với chị B về việc trồng cây thuốc phiện có trả lương hàng tháng. Vì việc trồng cây thuốc phiện thuộc vào trường hợp cấm của pháp luật nên hợp đồng này sẽ bị tuyên bố vô hiệu

Vấn đề thứ hai: Về Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Để xem xét một hợp đồng lao động có vô hiệu hay không cần có những cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xác định do đó việc quy định về thẩm quyền và trình tự thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là một vấn đề rất quan trọng.

Căn cứ theo quy định của Điều 50 Bộ luật lao động 2019 về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là Tòa án nhân nhân.

Vấn đề thứ ba: Về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

– Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

+ Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

– Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

Hợp đồng lao động vô hiệu, giải quyết thế nào?

Điều 51 BLLĐ năm 2019 và Mục 3 Chương III của Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết hợp đồng lao động vô hiệu như sau:

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Cách giải quyết:

– Sửa đổi, bổ sung phần bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.

– Không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu: Chấm dứt hợp đồng lao động

Quyền lợi của các bên:

– Đồng ý sửa đổi, bổ sung phần hợp đồng vô hiệu:

+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng (nếu không có thì thực hiện theo pháp luật).

+ Hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng:

Thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định.

Người sử dụng lao động hoàn trả phần tiền chênh lệch giữa tiền lương sau thỏa thuận và tiền lương trước đó.

– Chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Quyền và lợi ích của các bên được giải quyết như trường hợp đồng ý sửa phần hợp đồng vô hiệu.

+ Người lao động được trả trợ cấp thôi việc nếu đủ điều kiện.

+ Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc để thực hiện chế độ về lao động.

– Các vấn đề khác liên quan do Tòa án giải quyết.

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

Cách giải quyết: Một trong hai cách:

– Ký lại hợp đồng lao động.

– Chấm dứt hợp đồng lao động.

Quyền lợi của các bên:

– Khi ký lại hợp đồng:

+ Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì thực hiện theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

+ Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động như trường hợp hợp đồng vô hiệu từng phần.

+ Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc để thực hiện chế độ về lao động

– Khi chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Quyền lợi của các bên thực hiện như trường hợp ký lại.

+ Người lao động được trả trợ cấp thôi việc nếu đủ điều kiện.

– Các vấn đề khác liên quan do Tòa án giải quyết.

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết bị pháp luật cấm

Cách giải quyết: Một trong 02 cách sau:

– Giao kết hợp đồng mới theo đúng quy định.

– Chấm dứt hợp đồng lao động.

Quyền lợi của các bên:

– Khi giao kết hợp đồng mới:

Thực hiện tương tự như trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.

– Khi chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Quyền lợi các bên thực hiện như giao kết hợp đồng mới.

+ Người lao động được trả một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Thời gian làm việc để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

– Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với các hợp đồng lao động trước hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu, nếu có.

– Các vấn đề khác liên quan do Tòa án giải quyết.

Trên đây là những phân tích về các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ qua địa chỉ hotline để được hỗ trợ tốt nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139