Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập. Trường hợp Công ty góp vốn điều lệ không đủ xử lý thế nào?
Phạt bao nhiêu khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký?
Kính thưa luật sư: Doanh nghiệp tôi có đăng ký vốn điều lệ 3 tỷ từ năm 2017, đến nay cũng chưa góp đủ vốn và đang định làm thủ tục giảm vốn do các thành viên không góp đủ. Tôi nhờ tư vấn về mức phạt khi không góp đủ vốn điều lệ?
Cảm ơn luật sư
Trả lời:
Theo khoản 3 điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư quy định như sau:
…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
Theo khoản 5 điều 28 NGhị định 50/2016/NĐ-CP và Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- a) Buộc đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
- b) Buộc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty hoặc đăng ký giải thể đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;
- c) Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;
- d) Buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;
- đ) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.
Thủ tục giảm vốn điều lệ của công ty khi không góp đủ vốn?
Thưa Luật sư, hiện nay công ty tôi đang hoạt động, nhưng số vốn thực góp không đúng với số vốn điều lệ trên đăng ký kinh doanh. Thực tế góp vốn là 800 triệu VNĐ, trên đăng ký kinh doanh là 10 tỷ đồng. Tôi muốn làm thủ tục giảm vốn điều lệ của Công ty về mức khoảng 3 tỷ đồng.
Vậy tôi nên làm cách nào để giảm thiệt hại ít nhất về nộp phạt cho công ty?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Tại thời điểm thành lập công ty, bạn có thế đăng ký vốn điều lệ cao hơn só vốn thực góp của các thành viên góp vốn. Thời hạn góp vốn đối với các loại hình công ty theo Luật doanh nghiệp năm 2020 là 90 ngày kể từ ngày có đăng ký kinh doanh.Nếu hết thời hạn này mà số vốn không đủ Công ty bạn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:
Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp
…..3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký
Trong trường hợp trên bạn không nói cụ thể công ty của bạn là loại hình công ty gì. Tuy nhiên cần lưu ý không được giảm vốn điều lệ nếu công ty của bạn là Công ty THHH một thành viên.”
Trường hợp công ty của bạn là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh thì việc giảm vốn điều lệ được quy định như sau:
Theo điều 44 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp quy định:
Điều 44. Đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp
Trường hợp công ty đăng ký thay đổi tỷ lệ vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của các thành viên hợp danh công ty hợp danh, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:
Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc số quyết định thành lập, mã số doanh nghiệp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
Tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc của mỗi thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi; thời điểm và hình thức tăng giảm vốn;
Họ, tên, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này, địa chỉ thường trú và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền đối với công ty hợp danh.
Trường hợp đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty, kèm theo Thông báo quy định tại Khoản 1 Điều này phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi vốn điều lệ của công ty; văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần, kèm theo Thông báo quy định tại Khoản 1 Điều này, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có:
Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần;
Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị công ty cổphần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần.
Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.
Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn, kèm theo Thông báo phải có thêm báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trường hợp công ty của bạn là công ty cổ phần:
- Giảm vốn điều lệ công ty cần Đại hội đồng cổ đông quyết định.
- Hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ công ty:
– Thông báo giảm vốn điều lệ
– Quyết định giảm vốn điều lệ của: Đại hội đồng cổ đông
– Biên bản họp về việc thay đổi vốn điều lệ: Đại hội đồng cổ đông
– Báo cáo tài chính thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ nộp tại Sở kế hoạch và đầu tư
Công ty cổ phần giảm vốn điều lệ là rất khó thực hiện trên thực tế vì số cổ phẩn mà cổ đông sáng lập không mua hết được chào bán ra, công ty đã bán cổ phiếu ra công chúng thì lại rất khó quản lý cho việc giảm vốn, tính chất cổ đông hết sức đa dạng, chuyển đổi khi mua bán cổ phiếu.
Chưa góp đủ vốn điều lệ có làm thủ tục tăng vốn điều lệ được không?
Chào luật sư! Bên em là công ty TNHH một thành viên, thành lập hồi tháng 8/ 2017 với vố điều lệ là 15 tỷ. Đến thời điểm hiện tại thì bên em chưa góp đủ vốn điều lệ nhưng vì một vài lý do mà muốn tăng số vốn điều lệ thì có được không thưa luật sư và thủ tục hồ sơ gồm những gì ạ?
Rất mong sự giúp đỡ của luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 3 điều 75, Luật doanh nghiệp năm 2020 Thực hiện góp vốn thành lập doanh nghiệp quy định:
Góp vốn thành lập công ty
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.
Như vậy trong trường hợp này bạn phải tiến hành đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp, hay nói cách khác bạn phải tiến hành giảm vốn điều lệ của công ty xuống.
Còn nếu bạn muốn tăng vốn điều lệ thì bạn chỉ có thể tiến hành khi góp đủ vốn và tiến hành dưới các hình thức quy định tại điều 87:
Điều 87. Tăng, giảm vốn điều lệ
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý công ty được thực hiện như sau:
Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ;
Trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện theo quy định tại Điều 202 của Luật này.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật này.
Hy vọng những thông tin về góp vốn điều lệ không đủ xử lý như thế nào? sẽ giúp ích cho Qúy khách hàng. Ngoài ra, để nhanh chóng và thuận tiện, Qúy khách có thể tham khảo dịch vụ tư vấn pháp luật thành lập Doanh nghiệp của Luật Trần và Liên Danh.