Trong giai đoạn dịch bệnh, kinh tế khó khăn, vấn đề cho vay tiền được rất nhiều người quan tâm. Việc cho vay cần có văn bản ký kết rõ ràng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên. Vậy mẫu giấy mượn tiền viết tay mới nhất hiện nay được quy định ra sao? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu vấn đề này nhé.
Giấy mượn tiền là gì?
Giấy mượn tiền (hay còn gọi là Giấy vay tiền) là giấy tờ thể hiện sự thỏa thuận của các bên (gồm bên cho vay và bên vay) về việc vay nợ một khoản tiền. Bên cho vay sẽ cho bên vay vay một khoản tiền nhất định theo thỏa thuận, có ghi rõ trong Giấy vay nợ cùng các nội dung khác có liên quan như hạn trả nợ, lãi suất (nếu có),…
Giấy mượn tiền có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, đồng thời hạn chế trường hợp tranh chấp khi một trong các bên phá vỡ cam kết. Ngoài ra, Giấy mượn tiền còn là căn cứ quan trọng trong quá trình kiện tụng có liên quan đến vay mượn, thế chấp tài sản.
Giấy mượn tiền có thể được đánh máy hoặc viết tay nhưng bắt buộc yêu cầu phải có chữ ký và xác nhận của các bên cùng người làm chứng (nếu có). Theo đó, mẫu Giấy mượn tiền cần có các nội dung:
– Thời gian và địa chỉ làm Giấy mượn tiền;
– Thông tin của các bên: Họ và tên; số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại…
– Tài sản vay và lãi suất vay (nếu có);
– Mục đích vay;
– Thời hạn vay nợ;
– Cam kết;
– Chữ ký của các bên và người làm chứng (nếu có)…
Mẫu Giấy mượn tiền viết tay mới nhất
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…., ngày …… tháng ….. năm ……
GIẤY MƯỢN TIỀN
1/ Thông tin bên vay:
Ông: …. Ngày sinh: ….
CMND số: …. do Công an tỉnh …. cấp ngày…..tháng…..năm…….
Hộ khẩu thường trú: ….
Chỗ ở hiện tại: ….
Bà: ….. Ngày sinh: ….
CMND số: …. do Công an tỉnh …. cấp ngày …. tháng …năm ….
Hộ khẩu thường trú: …..
Chỗ ở hiện tại: …..
Ông …. và bà …. là vợ chồng theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số ngày …. Nơi đăng ký ….
2/ Thông tin bên cho vay:
Ông: ….. Ngày sinh: ….
CMND số: …. do Công an tỉnh …. cấp ngày…..tháng…..năm….
Hộ khẩu thường trú: ….
Chỗ ở hiện tại: ….
Bà: …. Ngày sinh: ….
CMND số: … do Công an tỉnh …. cấp ngày … tháng …. Năm ….
Hộ khẩu thường trú: ….
Chỗ ở hiện tại: ….
Ông …. và bà …. là vợ chồng theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số …. ngày …. Nơi đăng ký ….
3/ Tài sản vay và lãi suất vay:
Bên vay tự nguyện vay của bên cho vay Số tiền là: …. đồng, bằng chữ: …
Với lãi suất: …%/tháng, trong thời hạn … tháng, kể từ ngày: …
Những thỏa thuận khác: (thỏa thuận gì thì ghi vào, ví dụ trả lãi theo tháng, quí hay tới hạn, vốn cho trả dần hay trả 1 lần khi tới hạn …. Tài sản bảo đảm: …. Có thể viết sẵn giấy ủy quyền sử dụng, bán ngôi nhà đó (có chữ ký hợp pháp) cho bên cho vay – nếu cần)
4/ Mục đích vay: ….
5/ Cam kết:
Bên vay cam kết sẽ thanh toán nợ gốc và lãi theo đúng nội dung đã thỏa thuận nêu trên. Nếu sai, bên vay hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẵn sàng phát mãi tài sản do bên vay làm chủ sở hữu để thanh toán cho bên cho vay.
Bên vay |
Bên cho vay |
Người làm chứng |
Xác nhận của UBND xã/phường/phòng công chứng (nếu có) |
Giấy mượn tiền có cần công chứng không?
Hiện nay, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan không bắt buộc Giấy mượn tiền của các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng phải công chứng.
Tuy nhiên, trường hợp Giấy mượn tiền không công chứng, khi xảy ra tranh chấp, một trong các bên có thể từ chối nội dung đã thỏa thuận thì bên còn lại phải chứng minh được sự việc đã ký vào Giấy mượn tiền. Việc chứng minh bên cho vay tiền đã giao nhận tiền xảy ra trên thực tế sẽ khó khăn và phức tạp hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Ngược lại, trường hợp Giấy mượn tiền được công chứng, khi có tranh chấp xảy ra, giấy tờ có công chứng sẽ đảm bảo quyền và lợi ích cho bên bị xâm phạm quyền. Việc chứng minh có sự việc xảy ra trên thực tế đã có cơ quan nhà nước hoặc Phòng công chứng là những tổ chức có chức năng công chứng và chứng thực đảm bảo.
Hướng dẫn viết mẫu hợp đồng vay tiền cá nhân
– Phần đầu của hợp đồng vay tiền là quốc hiệu, tiêu ngữ;
– Tên hợp đồng (Hợp đồng cho vay tiền);
– Nội dung cụ thể hợp đồng vay:
(1) Ghi thông tin cụ thể của bên cho vay và bên vay tiền; số tiền cho vay là bao nhiêu; thời hạn vay bao lâu, ghi cụ thể từ ngày nào đến ngày nào;… Cá nhân là chủ thể của hợp đồng vay phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
(2) Thỏa thuận về mức lãi suất cho vay. Ví dụ bên vay đồng ý vay số tiền trên với lãi suất…..% một tháng kể từ ngày nhận tiền. Tiền lãi hàng tháng được trả vào ngày….tính từ ngày vay tiền; khi trả chậm mức lãi là….% một tháng. Do sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vay có thể thỏa thuận về mức lãi suất phải trả hoặc không có lãi suất.
(3) Quyền và nghĩa vụ của các bên:
Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay: giao tiền cho bên vay đầy đủ và đúng số lượng theo như đã thỏa thuận; không được yêu cầu bên vay trả tiền trước thời hạn quy định; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác,….
Quyền và nghĩa vụ cụ thể của bên vay tiền. Khi đến thời hạn trả tiền phải trả đầy đủ theo như thỏa thuận; trả lãi đúng ngày thỏa thuận (nếu có),….
(4) Phương thức xử lý khi có xảy ra tranh chấp. Khi các bên đã thỏa thuận xong hợp đồng thì kí vào hợp đồng vay theo thỏa thuận và mỗi bên sẽ giữ một bản. Tùy theo thỏa thuận thì có thể tiến hành công chứng hay chứng thực hợp đồng vay.
Hợp đồng vay tiền có phải công chứng không?
Hình thức của hợp đồng vay tiền có thể là thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức vay thỏa thuận bằng miệng thường được áp dụng khi số tiền cho vay không lớn hay giữa các bên có sự quen biết; tin tưởng. Tuy nhiên trong trường hợp này khi có tranh chấp xảy ra thường rất khó để giải quyết; chứng minh việc cho vay.
Hình thức hợp đồng vay tiền không phải là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực. Theo đó dù là hợp đồng vay thỏa thuận bằng miệng hay bằng văn bản thì đều có giá trị pháp lý như nhau. Pháp luật hiện nay không có quy định về việc hợp đồng vay tiền phải thực hiện công chứng.
Tuy nhiên các bên vẫn có thể thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng vay tiền tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại ủy ban nhân dân xã; phường, thị trấn nơi gần nhất.
Việc công chứng; chứng thực hợp đồng vay tiền sẽ giúp các bên chứng minh được quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra; một bên có hành vi vi phạm hợp đồng như không thực hiện trả tiền theo thỏa thuận hoặc trả nhưng không đủ tiền.
Như thế nào là giấy vay tiền hợp lệ?
Cho dù được viết tay hay đánh máy, giấy vay tiền đều có giá trị pháp lý như nhau nếu đảm bảo được các yếu tố dưới đây:
Giấy vay tiền phải đảm bảo được các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật tức là người cho vay và đi vay đều phải có năng lực về hành vi dân sự. Đồng thời mục đích, nội dung giấy vay tiền phải đúng pháp luật, không được vi phạm các quy định cấm và trái đạo đức.
Giữa 2 bên phải hoàn toàn tự nguyện cho vay và đi vay với các nội dung trên giấy vay tiền
Nội dung giấy vay tiền phải đầy đủ thông tin cá nhân của 2 bên: Tên, ngày sinh, CMND, hộ khẩu, chữ kí, dấu vân tay xác nhận.
Ngoài ra, giấy vay tiền phải có đầy đủ thông tin 2 bên và số tiền/tài sản vay, lãi suất, mục đích sử dụng, thời hạn trả nợ, xác nhận.
Phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận để đảm bảo tính pháp lý của giấy vay
Giấy vay nợ theo quy định của pháp luật
Hợp đồng vay tài sản, vay tiền là gì ?
Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
Điều 463: Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Pháp luật chỉ quy định là sự thỏa thuận giữa các bên tuy nhiên ở Việt Nam thì sự thỏa thuận bằng văn bản là tốt nhất, tối ưu nhất về mặt pháp lý.
Nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vay tài sản?
Điều 464, Luật dân sự năm 2015 quy định về quyền sở hữu đối với tài sản vay: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”.
Như vậy, nếu các bên cho nhau vay tiền thì bên vay tiền là chủ sở hữu của tài sản là tiền đó kể từ thời điểm nhận tiền. Tức là họ được quyền chi tiêu theo thỏa thuận mà không phụ thuộc vào bên cho vay (trừ khi hai bên có thỏa thuận về mục đích việc vay tiền.
Bên cho vay tiền có các nghĩa vụ sau đây theo quy định tại điều 464, Bộ luật dân sự năm 2015:
Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Bên vay có các nghĩa vụ pháp lý sau theo quy định tại điều 466, Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tóm lại, giấy mượn tiền không bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên để hạn chế rủi ro, các bên vay tiền nên lập hợp đồng bằng văn bản và công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nơi thuận tiện.