Điều kiện kinh doanh bất động sản

điều kiện kinh doanh bất động sản

Ngày 06 tháng 01 năm 2022 Chính phủ ký quyết định ban hành nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Vậy điều kiện kinh doanh bất động sản của cá nhân là gì? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Phạm vi kinh doanh bất động sản

Theo Luật kinh doanh bất động sản 2014 trước đây có thể chia thành hai phạm vi kinh doanh bất động sản như sau:

Kinh doanh bất động sản: bao gồm các hoạt động: xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Kinh doanh dịch vụ bất động sản: bao gồm các hoạt động: thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.

Khái quát các quy định về kinh doanh bất động sản

Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.

Nguyên tắc kinh doanh bất động sản

– Bình đẳng trước pháp luật; tự do thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thông qua hợp đồng, không trái quy định của pháp luật.

– Bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

– Kinh doanh bất động sản phải trung thực, công khai, minh bạch.

– Tổ chức, cá nhân có quyền kinh doanh bất động sản tại khu vực ngoài phạm vi bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh

Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này (sau đây gọi là bất động sản) bao gồm:

– Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân;

– Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân;

– Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;

– Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.

Các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản

– Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định.

– Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản.

– Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản.

– Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

– Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật này.

– Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.

Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có các điều kiện sau đây:

a) Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp);

b) Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật), thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản, thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có), thông tin về số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.

Đối với các thông tin đã công khai quy định tại điểm này mà sau đó có thay đổi thì phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi;

c) Chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.

Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản

Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Khi thực hiện kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc xác định vốn chủ sở hữu quy định tại khoản này được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động (được thực hiện trong năm hoặc năm trước liền kề); trường hợp là doanh nghiệp mới thành lập thì xác định vốn chủ sở hữu theo vốn điều lệ thực tế đã góp theo quy định của pháp luật.

Có phải cá nhân không được kinh doanh bất động sản từ 01/3/2022?

Điểm a khoản 2 Điều 76 Luật Đầu tư 2020 nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này

Theo đó, khoản 2 Điều này trong quy định trên là khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nêu rõ:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

điều kiện kinh doanh bất động sản
điều kiện kinh doanh bất động sản

Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, cho thuê, cho thuê lại… bất động sản.

Có thể thấy, cá nhân kinh doanh bất động sản bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trừ trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên. Tuy nhiên, trường hợp này phải kê khai nộp thuế dù không phải thành lập doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, ngoài cá nhân bán, chuyển nhượng bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên nêu trên thì cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản cũng là đối tượng được kinh doanh mà không cần thành lập doanh nghiệp:

– Dịch vụ môi giới bất động sản.

– Dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.

– Dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản…

Đồng thời, Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP đã liệt kê các hoạt động kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp gồm:

– Cơ quan, tổ chức thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan, tổ chức thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản là tài sản công theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng bất động sản do mình đầu tư xây dựng mà không phải là dự án đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Một số câu hỏi liên quan đến điều kiện kinh doanh bất động sản

Cá nhân có nhà cho thuê có phải thành lập công ty kinh doanh bất động sản?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP thì Cá nhân có nhà thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác thuê không phải thành lập công ty kinh doanh bất động sản.

Vốn tối thiểu để thành lập công ty kinh doanh bất động sản?

Theo quy định Luật đầu tư 2020, bỏ quy định về vốn pháp định 20 tỷ đối với Công ty kinh doanh bất động sản. Do đó không có quy định vốn tối thiểu để thành lập công ty kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đối với công ty đầu tư xây dựng cho thuê, vốn phải tương ứng phù hợp với giá trị đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Khi thành lập công ty môi giới bất động sản có phải xuất trình chứng chỉ môi giới bất động sản?

Khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh môi giới bất động sản không cần xuất trình chứng chỉ môi giới bất động sản. Công ty tự đảm bảo đủ điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về điều kiện kinh doanh bất động sản. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139