Trong những năm gần đây việc cổ phần hóa một doanh nghiệp dần trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Việc này đã phần nào góp phần thúc đẩy trong việc sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế đất nước nói chung. Vậy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu về khái niệm và những quy định của pháp luật mới nhất về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Cổ phần hóa là gì?
Cổ phần hóa là cách gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần ở Việt Nam. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện từ năm 1992, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc nên trên thực tế đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được cổ phần hóa. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, vừa qua Chính phủ vừa ban hành nghị định Số: 126/2017/NĐ-CP quy định về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đâu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Trên thị trường kinh tế hiện nay, có rất nhiều những công ty, doanh nghiệp từ một chủ chuyển sang nhiều chủ. Hoạt động đó được gọi chung là cổ phần hóa doanh nghiệp. Thông qua việc chuyển một hay toàn bộ phần tài sản của doanh nghiệp cho nhiều người, mà doanh nghiệp bán cổ phần cho những chủ thể đó.
Khi nhận được cổ phần những đối tượng này sẽ trở thành cổ đông của công ty cổ phần đó. Từ đó, có thể thấy việc cổ phần hóa có thể áp dụng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào kể cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Bản chất chính của việc cổ phần hóa một doanh nghiệp chính là cách để các cá nhân chủ doanh nghiệp có thể thực hiện xã hội hóa sở hữu. Việc này giúp doanh nghiệp có thể chuyển từ doanh nghiệp một chủ thành doanh nghiệp nhiều chủ. Cũng có thể hiểu đơn giản đây là cách chuyển doanh nghiệp từ hình thức sở hữu đơn nhất thành sở hữu chung, thông qua việc chuyển một hay toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cho một số thành phần kinh tế khác
Thế nào là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thành công ty cổ phần theo quy định pháp luật.
Cụ thể các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa bao gồm:
– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(đã được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).
Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:
– Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;
– Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả;
– Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP.
(Khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)
Các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, các hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
– Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
– Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
– Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa
Bao gồm:
Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp);
Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh);
Các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ – công ty con;
Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá;
Người có liên quan theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 của tổ chức và cá nhân quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 4 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Đồng tiền thanh toán và phương thức bán cổ phần lần đầu
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp bằng đồng Việt Nam.
Việc bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo các phương thức quy định tại Nghị định này, cụ thể:
Đấu giá công khai;
Bảo lãnh phát hành;
Thỏa thuận trực tiếp;
Phương thức dựng sổ (Booking building).
Đối tượng áp dụng phương thức dựng sổ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc bán cổ phần theo phương thức này.
Chi phí thực hiện cổ phần hóa
Chi phí thực hiện cổ phần hóa bao gồm:
Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp;
Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định. Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan;
Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc;
Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.
Các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Chi phí cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, các chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
– Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:
+ Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp;
+ Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;
+ Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ;
+ Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa;
+ Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;
+ Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;
+ Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;
+ Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.
– Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định.
Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.
– Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc:
+ Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.
+ Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.
– Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.
Đối với chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không xác định là chi phí cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp theo quy định.
Ngoài các chi phí trên, chi phí cổ phần hóa còn được lấy từ nguồn tiền thu từ bán cổ phần theo quy định tại Điều 39 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc dừng không thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp và doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
(Điều 8 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và được bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP)
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.