Rất nhiều doanh nghiệp khi thành lập sẽ đăng ký mua và sử dụng chữ ký số để tiện lợi hơn trong việc giao dịch và quản lý giấy tờ. Vậy chữ ký số là gì? Doanh nghiệp khi hoạt động có bắt buộc phải dùng chữ ký số không? Dưới đây là một số nội dung liên quan mà Luật Trần và Liên Danh giải đáp tới quý khách như sau:
Chữ ký số là gì?
Căn cứ khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP nêu rõ:
“Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”
Như vậy, chữ ký số (hay còn gọi là Token) là một dạng chữ ký bằng phương pháp điện tử.
Có thể thấy, chữ ký số là sản phẩm của việc ứng dụng “công nghệ” về hệ thống mật mã không đối xứng (asymmetric encryption) hay khoá công khai (public key cryptography). Với công nghệ này, mỗi chủ thể sử dụng chữ ký số (“Người Ký”) sẽ tạo lập hoặc được cung cấp một cặp mã (là những chuỗi số nhị phân tương đối dài) phục vụ cho việc xác lập giao dịch, gồm khoá bí mật (private key) và khoá công khai (public key). Khoá bí mật sẽ được Người Ký dùng để tạo chữ ký số trên một tài liệu điện tử (gọi tắt là “ký số”), còn khoá công khai sẽ được những người liên quan dùng để kiểm tra chữ ký số trên tài liệu có đúng là của Người Ký hay không và kể từ thời điểm ký số, tài liệu đó có toàn vẹn (không bị thay đổi) hay không.
Về cơ bản, khoá bí mật và khoá công khai sẽ được tạo ra bằng một “công thức” toán học hay giao thức (protocol) đặc biệt, sao cho người có được khoá công khai sẽ không thể tính toán ra được khoá bí mật với trình độ của công nghệ máy tính hiện tại. Mỗi khoá bí mật, về nguyên tắc, chỉ thuộc về một Người Ký duy nhất, và chỉ Người Ký đó có thể và có nghĩa vụ lưu trữ, bảo mật, và giữ an toàn khoá bí mật. Trong khi đó, khoá công khai của Người Ký hoàn toàn có thể được công bố cho tất cả mọi người hay cung cấp cho bất kỳ người nào khác mà vẫn đảm bảo an toàn cho khoá bí mật.
Trên thực tế, việc sử dụng chữ ký số không thể thiếu vai trò hỗ trợ của một bên thứ ba, đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (“Tổ Chức Chứng Thực”). Theo Điều 4 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm các công việc sau:
(1) Tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao;
(2) Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao;
(3) Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số; và
(4) Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký số của thuê bao đã ký số trên thông điệp dữ liệu.
Trong đó, chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do Tổ Chức Chứng Thực phát hành nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng. Nói cách khác, bằng việc cấp cho chúng ta chứng thư số, Tổ Chức Chứng Thực sẽ xác nhận và đứng ra bảo đảm rằng một khoá công khai nào đó đã được cấp cho chủ thể nào.
Giá trị pháp lý của chữ ký số
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã có các quy định tương đối đầy đủ để đảm bảo hiệu lực của giao dịch được xác lập bằng chữ ký số trong những lĩnh vực nhất định.
Bộ luật Dân sự 2015, đạo luật chung điều chỉnh về các giao dịch dân sự, quy định giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được xem là giao dịch bằng văn bản, và sẽ có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung.
Luật Giao dịch Điện tử 2005, được quy định chi tiết bởi Nghị định 130/2018/NĐ-CP, đã có các quy định công nhận hiệu lực của giao dịch được ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định; tuy nhiên, Luật này không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Trên cơ sở các văn bản trên, để một giao dịch được ký số trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại có hiệu lực (trừ các giao dịch được loại trừ như đã nêu), các điều kiện sau đây phải được đáp ứng:
(1) Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung theo Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
(a) Chủ thể tham gia giao dịch có đầy đủ năng lực và tự nguyện tham gia giao dịch;
(b) Nội dung và mục đích của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội; và
(c) Giao dịch phải được lập thành văn bản, công chứng, chứng thực nếu luật có yêu cầu. Liên quan đến điều kiện này, Điều 119.1 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định giao dịch điện tử (bao gồm giao dịch được ký số) phù hợp với pháp luật về giao điện tử được xem là giao dịch bằng văn bản.
và
(2) Các điều kiện có hiệu lực đặc thù của giao dịch được ký số, bao gồm:
(a) Các bên tham gia giao dịch có thoả thuận về việc sử dụng chữ ký số để xác lập giao dịch, kể cả thoả thuận về việc sử dụng chữ ký số có chứng thực hay không chứng thực và thoả thuận về việc lựa chọn Tổ Chức Chứng Thực. Theo chúng tôi, các thoả thuận trên không nhất thiết phải minh thị bằng lời hay văn bản, mà có thể là thoả thuận ngầm định bằng chính hành vi ký số vào tài liệu giao dịch của các bên;
(b) Chữ ký số được sử dụng có giá trị pháp lý, nghĩa là:
(i) Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó;
(ii) Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các Tổ Chức Chứng Thực được cấp phép cấp; và
(iii) Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của Người Ký tại thời điểm ký.
Có thể thấy, các điều kiện có hiệu lực đặc thù của giao dịch được ký số đã phản ánh được khá toàn diện các yêu cầu kỹ thuật của chữ ký số mà chúng ta đã phân tích. Nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của những Tổ Chức Chứng Thực được cấp phép và ứng dụng các công nghệ đạt tiêu chuẩn thì có thể dễ dàng xác định (i) việc ký số có được thực hiện bằng khoá bí mật của Người Ký, và (ii) mã công khai mà người nhận có được thật sự thuộc về Người Ký.
Các loại chữ ký số phổ biến hiện nay
Loại chữ ký |
Định nghĩa |
Đối tượng áp dụng |
Mục đích sử dụng |
Chữ ký số doanh nghiệp |
Chữ ký trên nền tảng số, có giá trị pháp lý như con dấu của tổ chức, doanh nghiệp. |
– Pháp nhân đại diện doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. – Người đại diện công ty theo đăng ký kinh doanh |
Phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký hợp đồng,… |
Chữ ký số của cán bộ nhân viên thuộc doanh nghiệp |
Tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân. Chữ ký số cá nhân được dùng để xác thực danh tính của người ký trong các chứng từ doanh nghiệp trên môi trường điện tử. |
– Cán bộ thuộc bộ phận nhất định của doanh nghiệp; – Quản lý cấp trung, cấp cao trong doanh nghiệp. |
Ký số các văn bản thuộc quyền hạn chức vụ trong doanh nghiệp, tổ chức.
|
Chữ ký số của cá nhân |
Là chữ ký để xác thực danh tính người ký trong các giao dịch điện tử |
Cá nhân |
Ký trên các văn bản, tài liệu số để xác nhận nội dung. |
Chữ ký số dùng để làm gì?
Chữ ký số là công cụ có rất nhiều ưu điểm, sử dụng chữ ký số là một biện pháp mang lại rất nhiều lợi ích:
– Thủ tục nhanh gọn, không cần trực tiếp ký tay: Thay thế chữ ký tay trong tất cả các trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước: phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng…
Theo Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT, hiện nay một số giao dịch điện tử với chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa (sử dụng qua các App ký điện tử), người sử không cần USB Token, máy tính, vẫn có thể ký số đối với các giao dịch điện tử.
– Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công, di chuyển, doanh nghiệp không cần gặp gỡ nhau, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý.
Lưu ý: Theo Điều 35 Luật Giao dịch điện tử 2005, các bên tham gia giao dich phải cùng thoả thuận sử dụng chữ ký số thì việc ký bằng chữ ký số mới được coi là có hiệu lực.
– Chữ ký số đảm bảo tính chính xác, bảo mật dữ liệu: Chữ ký số là bằng chứng cho các giao dịch điện tử, nội dung đã ký kết, các bên không có cơ sở phủ nhận chữ ký của mình khi đã thực hiện việc ký số. Từ đó, hạn chế các tranh chấp không đáng có giữa các bên.3. Mua chữ ký số ở đâu? Chi phí như thế nào
Cá nhân, tổ chức có thể mua chữ ký số từ đại lý chữ ký số của VIETTEL, FPT, BKAV, CK, VINA, NEWTEL, NACENCOMM, SAFE-CA…Các nhà cung cấp này được phép cung cấp chữ ký số cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chi phí sử dụng chữ ký số khoảng từ 02 – 03 triệu đồng/01 năm (tuỳ thuộc vào giá của đơn vị cung cấp và thời gian sử dụng).4. Doanh nghiệp có bắt buộc dùng chữ ký số
Hiện tại không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số trong hoạt động kinh doanh.
Theo khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số, cụ thể:
Các trường hợp |
Căn cứ pháp lý |
Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán. |
Điểm e khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC. |
Hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, khi sử dụng hóa đơn điện tử phải có phần chữ ký số. |
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP. |
Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật. |
Khoản 10 Điều 17 Luật quản lý thuế 2019. |
Trên đây là một số vấn đề về chữ ký số và các loại phổ biến hiện nay. Nếu Quý khách hàng còn vướng mắc liên quan đến nội dung tư vấn trên của chúng tôi, vui lòng liên hệ để được tư vấn nhanh chóng và nhanh nhất.