Bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty là một chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 cũng như Bộ luật lao động 2019. Đây là hình thức trách nhiệm dân sự được lập ra nhằm mục đích buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Trên thực tế việc bồi thường thiệt hại, đặc biệt là bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty diễn ra rất phổ biến nhưng nhiều chủ thể lại chưa hiểu rõ về bản chất và các quy định về bồi thường thiệt hại của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ giúp người đọc tìm hiểu về bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty theo quy định của pháp luật dân sự.
Khái quát chung về bồi thường thiệt hại
Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nội dung sau đây: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được lập ra nhằm mục đích là khắc phục và đền bù những tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu từ hành vi gây thiệt hại cũng như có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại là cơ sở nhằm duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho lẽ công bằng trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Trên thực tế luôn tồn tại một quy luật khách quan của thực tiễn cho thấy rằng: khi một người nào đó gây ra thiệt hại (dù vô tình hay cố ý) thì phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mình gây ra đối với người bị thiệt hại. Cho tới hiện tại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn là quy tắc đạo đức mà đã được pháp điển hóa, ghi nhận thành một chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Đây là một hình thức trách nhiệm dân sự được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập ra nhằm mục đích buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Trong các hình thức trách nhiệm dân sự trong hợp đồng thì bồi thường thiệt hại là một hình thức trách nhiệm thông dụng nhất và được sử dụng rất nhiều trong thực tế.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Theo quy định của Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 thì bồi thường thiệt hại được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:
– Thiệt hại trên thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác về việc bồi thường thiệt hại.
– Người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Cần lưu ý rằng khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Ngoài ra, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Các bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Ngày nay các nguyên tắc bồi thường đa phần chỉ áp dụng được đối với trường hợp thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bởi vì bằng cách này hay cách khác, giá trị của tài sản bị xâm phạm đều co thể được xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường trên thực tế.
Còn đối với các trường hợp đối tượng bị xâm phạm là các giá trị nhân thân ví dụ như sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín thì việc xác định thiệt hại trên thực tế sẽ rất khó, bởi vì các giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là các đại lượng ngang giá nên không thể dùng tiền để đo giá trị nhân thân bị tổn hại.
Bởi vì vậy, khi các giá trị nhân thân bị các chủ thể hay các tổ chức xâm phạm, mức độ bồi thường thiệt hại chỉ là tương đối chứ không thể tuyệt đối ví dụ như trường hợp xâm phạm tài sản.
Đối với nguyên tắc bồi thường thiệt hại kịp thời được hiểu là ngay khi thiệt hại được xảy ra, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng khắc phục tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Việc khắc phục này cần phải được thực hiện trước khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại được Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền thỏa thuận về mọi vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ đó.
Cũng chính bởi vậy trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan đến vụ việc cụ thể như mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Việc thỏa thuận này có thể diễn ra trước, trong hoặc sau khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận trước đó, các vấn đề pháp lý có liên quan đến bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty là gì?
Trong một quan hệ lao động, khi người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) xác lập quan hệ lao động thì cùng với đó, giữa họ xuất hiện một quan hệ nghĩa vụ. Nghĩa vụ này các bên có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc thực hiện theo pháp luật dựa vào hợp đồng lao động. Do đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ) gây thiệt hại cho bên kia thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp luật đã dự liệu trước đó, gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong các quan hệ được luật lao động điều chỉnh cũng có thể xảy ra những hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ đó, bởi khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, NLĐ khó có thể tránh khỏi những sơ suất, vô ý gây thiệt hại cho NSDLĐ hoặc NSDLĐ vì một lý do nào đó như lợi nhuận mà vi phạm những thỏa thuận trong HĐLĐ gây ra thiệt hại cho NLĐ.
Để ngăn chặn và khắc phục hậu quả của những hành vi gây ra thiệt hại, Nhà nước sử dụng các biện pháp khác nhau trong đó bồi thường thiệt hại có thể được coi là một phương tiện pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động.
Như vậy, có thể hiểu, bồi thường thiệt hại trong luật lao động là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi một bên trong quan hệ lao động có hành vi vi phạm nghĩa vụ thiệt hại cho bên kia nhằm khôi phục tình trạng tài sản, bù đắp về tổn thất, tinh thần và sức khỏe cho người bị thiệt hại.
Các trường hợp bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty
Trường hợp 1: Gây thiệt hại không nghiêm trọng
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.
– Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
– Tiền lương làm căn cứ khấu trừ tiền lương của người lao động là tiền lương thực tế người lao động nhận được hằng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định.
Trường hợp 2: Gây thiệt hại nghiêm trọng
Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
– Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
– Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
Trường hợp 3: Gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng
Trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
Quy định pháp luật về bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty
Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.
Trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, thiệt hại gần 30 triệu đồng, do lỗi vô ý, nếu công ty của bạn ở địa bàn TX. Giá Rai, theo quy định của Chính phủ là vùng III, thì mức lương tối thiểu vùng là 3.430.000/tháng. Như vậy là bạn gây thiệt hại không nghiêm trọng, theo quy định của luật thì bạn chỉ phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng lương và được khấu trừ dần hàng tháng.
Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo theo quy định về bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
Trên đây là bài viết tư vấn về bồi thường khi gây thiệt hại cho công ty của Luật Trần và Liên danh. Nếu có thắc mắc hãy gọi cho chúng tôi theo số Hotline: 0969 078 234 để được tư vấn miễn phí.