Tiền lương được xem là một trong những vấn đề quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và bền vững của mối quan hệ lao động, nên những quy định của pháp luật liên quan đến tiền lương ngày càng được nhiều người quan tâm. Hiện nay, với sự đổi mới của Bộ luật lao động năm 2019 thì việc người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương ngày càng trở nên phổ biến. Do vậy, để hiểu rõ hơn về “tiền lương” và trả lời cho câu hỏi “có thể ủy quyền nhận lương cho người khác hay không”, Luật Trần và Liên Danh mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Khái niệm tiền lương
Dưới góc độ khái quát nhất, tại Điều 1 Công ước số 95 năm 1949 về bảo vệ tiền lương, Tổ chức Lao động quốc tế định nghĩa về tiền lương như sau:
“Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập, bất kể tên gọi hay cách tính mà có thể biểu hiện bằng tiền mặt và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động hoặc bằng pháp luật quốc gia, do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo một hợp đồng thuê mướn lao động, bằng viết hoặc bằng lời nói cho một công việc đã thực hiện hoặc sẽ phải thực hiện, hoặc cho những dịch vụ đã làm hay sẽ phải làm.”
Định nghĩa này được ra đời từ khá lâu và có tính rộng rãi, phổ biến nhất và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng làm căn cứ để cụ thể hóa trong pháp luật nước mình, Việt Nam cũng vậy.
Theo đó, “tiền lương” được định nghĩa tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Ý nghĩa của tiền lương
Thứ nhất, tiền lương là thước đo giá trị sức lao động.
Sức lao động là loại hàng hóa đặc biệt. Theo đó, tiền lương là giá cả của sức lao động và do giá trị của sức lao động quyết định. Giá trị sức lao động của mỗi người là không giống nhau, dẫn đến việc mức lương trả cho người lao động cũng khác nhau.
Thứ hai, tiền lương có vai trò tái sản xuất sức lao động.
Trong quá trình lao động, sức lao động đương nhiên sẽ bị hao phí, nên cần phải được bù đắp và nâng cao để có thể đáp ứng những yêu cầu lao động. Tiền lương trả cho người lao động ngoài việc bù đắp một cách giản đơn hao phí sức lao động còn phải đảm bảo cải thiện đời sống, nâng cao tay nghề cho người lao động,…
Thứ ba, tiền lương là động lực phát triển kinh tế.
Theo đó, tiền lương không chỉ kích thích người lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động nhằm duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình mà còn góp phần vào sự tăng trường kinh tế của doanh nghiệp và nhà nước.
Thứ tư, tiền lương là khoản tích lũy của người lao động.
Dự phòng cho cuộc sống lâu dài là điều con người luôn quan tâm và tìm cách thực hiện bằng nhiều nguồn và nhiều cách khác nhau, đặc biệt đối với người lao động khi mà cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tiền lương thì tiết kiệm từ tiền lương để dự phòng cho cuộc sống vẫn là biện pháp chủ yếu.
Thứ năm, tiền lương có ý nghĩa về mặt xã hội.
Tiền lương thực hiện chức năng xã hội thông qua việc ổn định việc làm, ổn định và cải thiện đời sống, nâng cao trình độ nghề nghiệp… cho người lao động, hạn chế thất nghiệp, ổn định và điều tiết thị trường lao động theo hướng tích cực.
Có thể uỷ quyền cho người khác nhận lương hay không?
Về vấn đề có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hay không, Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể tại Điều 94 quy định về nguyên tắc trả lương cho người lao động như sau:
“Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Theo đó, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích cho người lao động – bên yếu thế trong quan hệ lao động, thì Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Đây được xem là điểm mới và tiến bộ của Bộ luật Lao động năm 2019.
Cụ thể về việc ủy quyền, Bộ luật Lao động năm 2019 không đưa ra quy định về điều kiện cụ thể khi ủy quyền nhận lương. Tuy nhiên, với quy định được nêu trên thì có thể thấy người lao động được phép ủy quyền cho người khác nhận lương khi: không thể trực tiếp nhận lương và có ủy quyền hợp pháp.
– Không thể nhận lương trực tiếp ở đây được hiểu là bản thân người lao động không tự mình nhận lương được, có thể là do ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc đang đi công tác ở nước ngoài, …
– Pháp luật cũng không bắt buộc người lao động phải chứng minh lý do chính đáng của việc ủy quyền, chỉ là họ phải tự chịu trách nhiệm về việc ủy quyền cho người khác nhận lương thay của mình.
Từ đây, có thể thấy, người sử dụng lao động cũng không có quyền đòi hỏi người lao động phải chứng minh lý do ủy quyền. Nên về nguyên tắc, người lao động có thể ủy quyền cho bất kỳ ai nhận lương thay mình, kể cả việc trả lương sang tài khoản của người khác.
– Việc ủy quyền hợp pháp ở đây cần phải đảm bảo về nội dung và hình thức ủy quyền. Theo đó, nội dung ủy quyền không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Ngoài ra, đối với quy định về hình thức ủy quyền thì Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn chưa có quy định trực tiếp về hình thức ủy quyền mà chỉ quy định gián tiếp qua khoản 1 Điều 140 nên có thể thấy, việc ủy quyền có thể được thể hiện dưới hình thức văn bản, thông qua Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền.
Đối với Giấy ủy quyền thì chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền, trong khi Hợp đồng ủy quyền cần phải có chữ ký của cả bên nhận ủy quyền và bên ủy quyền. Đồng thời, việc lập Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền cũng cần phải được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, đa số trong trường hợp này, người lao động thường chọn lập Giấy ủy quyền.
Ngoài ra, việc ủy quyền là do ý chí của người lao động, ủy quyền nhận toàn bộ hay một phần tiền lương là do họ quyết định.
Nhiều trường hợp trong gia đình chồng lên thành phố làm việc, thì người chồng có thể ủy quyền cho người vợ của mình ở quê nhận một phần lương (có thể thông qua hình thức chuyển khoản) để chăm lo cho con cái, gia đình, còn phần còn lại người chồng nhận trực tiếp để trang trải, phục vụ nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt của mình.
Quy định này rõ ràng đã giúp người lao động không phải tốn thời gian, công sức cũng như tốn phí giao dịch khi hàng tháng phải ra ngân hàng để chuyển tiền về cho người thân.
Tóm lại, tiền lương là chế định quan trọng trong pháp luật lao động, không chỉ giúp đảm bảo hài hòa quan hệ lao động mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế nước nhà, duy trì ổn định xã hội.
Việc pháp luật có những chính sách mới liên quan đến tiền lương, trong đó có quy định về việc ủy quyền nhận lương, đã tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, tăng năng suất lao động, không ngừng sáng tạo để tạo ra thành quả lao động tốt nhất.
Mẫu giấy ủy quyền lĩnh thay lương chi tiết nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
GIẤY ỦY QUYỀN LĨNH THAY LƯƠNG
NGƯỜI ỦY QUYỀN:
-Họ và tên: … Năm sinh: …
-Số CMND: … Cấp ngày: … Tại: …
-Số điện thoại: …
-Nơi công tác: …
-Hưởng chế độ với số tiền thời điểm hiện tại là:
Bằng số: …
Bằng chữ: …
Tôi đồng ý ủy quyền cho Ông (Bà) … lĩnh thay lương.
NGƯỜI ĐƯỢC ỦY QUYỀN
-Họ và tên: … Năm sinh: …
-Số CMND: … Cấp ngày: … Tại: …
-Số điện thoại: …
-Nơi công tác: …
-Mối quan hệ với người cho lĩnh thay lương: …
-Thời hạn lĩnh thay: từ ngày …. tháng ….. năm …… đến ngày … tháng … năm …
-Nơi lĩnh: …
Tôi xin cam kết chấp hành đúng quy định về việc lĩnh tiền chế độ lương. Trong trường hợp Người ủy quyền về công tác hoặc có lý do khác, tôi có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Đại diện chi trả lương và kế toán.
……, ngày…tháng…năm…
Chữ ký của người lĩnh thay
(Ký, ghi rõ họ tên
Chữ ký của người hưởng lương
(Ký, ghi rõ họ tên)
Xác nhận của chính quyền địa phương
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
Chứng thực ông/bà …
CMND số: … cấp ngày: …
Tại: …đã ký trước mặt tôi.
Số chứng thực: … Quyển số …SCT/CK
Nơi công tác … Ngày ….. tháng ….. năm …..
Hướng dẫn viết giấy ủy quyền lĩnh thay lương:
-Ghi cụ thể thông tin của người ủy quyền như: Họ và tên, năm sinh, số CMND, ngày cấp, nơi cấp, số điện thoại, địa chỉ nơi làm việc,…
-Lời cam kết
-Các bên chứng kiến ký và ghi rõ họ tên.
Một số quy định về ủy quyền lĩnh thay lương hưu:
Điều kiện ủy quyền nhận lương:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1.Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2.Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.”
Quy định về nguyên tắc trả lương tại Bộ luật Lao động 2019 vẫn tiếp tục kế thừa quy định tại Bộ luật Lao động 2012 về việc người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định mới về việc ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp.
Khi nào được ủy quyền cho người khác nhận lương?
Bộ luật Lao động không đưa ra quy định về điều kiện cụ thể khi ủy quyền nhận lương. Tuy nhiên căn cứ khoản 1 Điều 94 Bộ luật này có thể thấy người lao động được phép ủy quyền cho người khác nhận lương khi:
-Không trực tiếp nhận lương được;
-Ủy quyền hợp pháp.
Việc không thể nhận lương trực tiếp ở đây có thể hiểu là việc bản thân của người lao động không tự mình nhận lương được do nhiều nguyên nhân như: ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc đang đi công tác ở nước ngoài;…
Tuy nhiên, pháp luật nước ta cũng không bắt buộc người lao động phải chứng minh lý do chính đáng của việc ủy quyền nhưng họ phải tự chịu trách nhiệm về việc ủy quyền cho người khác nhận thay. Người sử dụng lao động cũng không có quyền đòi hỏi người lao động phải chứng minh lý do ủy quyền.
Theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định một trong những quyền của người lao động đó là được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu. Cụ thể:
Quyền của người lao động
-Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
-Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
-Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
+Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
+Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
+Thông qua người sử dụng lao động.
-Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+Đang hưởng lương hưu;
+Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
+Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
+Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
-Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
-Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
-Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
-Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, người lao động có thể tự mình trực tiếp nhận lương hưu hoặc nhờ người khác nhận hộ. Do đó, người lao động hoàn toàn có thể ủy quyền cho con của mình đến nhận lương hưu thay mình.
Tuy nhiên, việc nhận hộ lương hưu chỉ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết khi người lao động và con của họ đã thực hiện đúng thủ tục ủy quyền nhận lương hưu.
Thủ tục ủy quyền cho con lĩnh thay lương hưu:
Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH, để ủy quyền cho con lĩnh thay lương hưu, cần thực hiện các công việc sau:
* Chuẩn bị hồ sơ:
1- Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền nhận thay lương hưu theo quy định pháp luật.
Trong đó, mẫu Giấy ủy quyền nhận thay lương hưu được thực hiện theo mẫu số 13 HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH:
+Điền đầy đủ thông tin về người được hưởng lương hưu và con của người đó.
+Nội dung ủy quyền ghi rõ: Nhận thay lương lương hưu
+Thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm. Ví dụ: Từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2023.
+Trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là một năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Lưu ý: Giấy ủy quyền phải được chứng thực chữ ký của người ủy quyền:
Người được hưởng lương hưu có thể đến một trong các cơ quan sau để chứng thực chữ ký:
-Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
-Phòng Công chứng;
2-Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền nhận thay lương hưu.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
-Cơ quan BHXH tỉnh/huyện
-Cơ quan Bưu điện được cơ quan BHXH ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý người hưởng.
Thời hạn giải quyết: Con của người được hưởng lương hưu sẽ chỉ cần nộp Giấy ủy quyền nhận thay lương hưu hoặc Hợp đồng ủy quyền; đồng thời xuất trình được Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu sẽ được cơ quan tiếp nhận trả tiền chi trả luôn.
Nếu nộp tại Cơ quan Bưu điện, thì nơi này có trách nhiệm cập nhật thông tin, thời hạn, nội dung ủy quyền tại Mẫu số 13-HSB hoặc Hợp đồng ủy quyền vào hệ thống công nghệ thông tin sau đó nộp Mẫu số 13-HSB hoặc Hợp đồng ủy quyền cho cơ quan BHXH.
Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Lao động năm 2019.
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
– Công ước số 95 năm 1949 về bảo vệ tiền lương của ILO.
Trên đây là bài viết ủy quyền nhận lương của Luật Trần và Liên Danh. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.