Án lệ số 03/2016/AL

án lệ số 03

Án lệ số 03 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ số 03

Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Gia Phác, bà Phùng Thị Tài, anh Phạm Gia Ơn, chị Phạm Thị Lữ, anh Bùi Văn Đáp, chị Đỗ Thị Ngọc Hà.

Khái quát nội dung của án lệ số 03

Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

– Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986;

– Điều 242 của Bộ luật dân sự năm 1995;

– Khoản 2 Điều 176 của Bộ luật dân sự năm 1995.

Khái quát nội dung vụ án:

Chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam kết hôn năm 1992, có đăng ký tại UBND xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Sau chung sống một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, hai vợ chồng sống ly thân từ tháng 9 năm 2008 đến nay. Ngày 18-4-2009, chị Hồng khởi kiện xin ly hôn anh Nam, anh Nam cũng đồng ý. Về tài sản: Trong quá trình chung sống thì vợ chồng có xây nhà hai tầng vào năm 2002 (năm 2005 xây thêm một tum để chống nóng), nhà được xây trên thửa đất 80m2 tại xóm Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Về nhà, vợ chồng thống nhất là tài sản chung hai vợ chồng. Riêng về đất thì các bên không thống nhất được với nhau.

Theo chị Hồng: Đất là của gia đình ông Phạm Gia Phác (bố đẻ anh Nam) được cấp đất giãn dân năm 1992, sau đó gia đình ông Phác đã họp và tuyên bố cho vợ chồng chị diện tích đất, không làm giấy tờ. Năm 2001, ông Phác sang báo và anh Nam đi làm thủ tục cấp sổ đỏ nên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ anh Phạm Gia Nam nên đất này là tài sản chung của vợ chồng. Chị yêu cầu được sử dụng nhà và đất nêu trên và thanh toán 1/2 giá trị đất và tài sản trên đất cho anh Nam như giá mà Hội đồng định giá đã đưa ra.

Theo anh Nam: Thửa đất này bố mẹ anh được cấp giãn dân năm 1992, bố mẹ chỉ cho vợ chồng ở nhờ chứ chưa cho vì gia đình anh còn đông anh em. Năm 2001, anh tự kê khai làm giấy tờ đất, gia đình anh không biết. Quan điểm của anh là trả lại đất cho ông Phác.

Theo ông Phác và bà Tài (bố mẹ anh Nam): Nguồn gốc đất là của ông được Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo cấp đất giãn dân năm 1992, ông có xây một căn nhà cấp 4 trên đó. Năm 1993, gia đình ông cho vợ chồng anh Nam, chị Hồng ra đó làm ăn sinh sống chứ không cho đất vì vợ ông bị liệt 15 năm nay, ông và anh Ơn (em trai anh Nam) phải chăm sóc, nguyện vọng của gia đình là để mảnh đất này cho anh Ơn vì anh Ơn chưa có chỗ ở. Khi gia đình được cấp đất giãn dân thì gia đình chỉ có 4 người là ông, bà Tài, chị Lữ, anh Ơn (còn anh Nam đã thoát ly khỏi địa phương). Khi chị Hồng xin ly hôn anh Nam thì gia đình mới biết anh Nam đã tự động sang tên đất từ năm 2001. Nay ông, bà yêu cầu anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho ông, bà.

án lệ số 03
án lệ số 03

Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đều cho rằng quyền sử dụng 80m2 đất trên thuộc về hộ gia đình ông Phác, không phải là tài sản chung của vợ chồng anh Nam chị Hồng. Tuy nhiên, bản án sau đó đã được kháng nghị.  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng việc Tòa án các cấp nhận định rằng anh Nam đi làm giấy tờ đất ông Phác không biết và việc chị Hồng khai gia đình chồng đã cho vợ chồng nhưng không có chứng cứ chứng minh, để xác định diện tích đất 80m2 tại thôn Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác; đồng thời, buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác, là không đúng. Cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của vợ chồng anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Nội dung án lệ số 03

Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo thì năm 2001 xã tổ chức cho các hộ dân trong xã Vân Tảo đăng ký kê khai để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và các hộ kê khai tại trụ sở thôn xóm (BL 103). Tất cả các hộ dân trong xã đều được biết về chủ trương kê khai đất này. Ông Phác là chủ đất nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người đi kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ngày 21-12-2001 anh Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U060645 đứng tên hộ ông Phạm Gia Nam. Vợ chồng anh chị đã xây nhà 2 tầng kiên cố vào năm 2002 và đến năm 2005 thì xây thêm tum tầng 3. Ông Phác và các anh chị em trong gia đình anh Nam đều biết việc xây dựng trên của vợ chồng anh Nam chị Hồng, nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Như vậy, từ khi được cấp giấy chứng nhận (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng (2009), gia đình ông Phác cũng không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà này. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng diện tích đất nêu trên. Do đó, việc ông Phác và anh Nam khai rằng anh Nam tự ý kê khai giấy tờ đất, ông Phác không biết là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, có căn cứ xác định lời khai của chị Hồng về việc gia đình ông Phác đã cho anh chị diện tích đất trên, là có cơ sở.

Bình luận án lệ số 03

Án lệ số 03/2016/AL (án lệ số 03) xoay quanh tranh chấp đất đai nhằm phân chia tài sản trong vụ án ly hôn. Án lệ số 03 lập luận việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha mẹ và con cái có thể được xác lập qua hành vi cụ thể của các bên mà không cần văn bản. Ngoài ra, việc tặng cho của cha mẹ chồng khi không có bằng chứng chỉ cho riêng con trai thì cần được hiểu là cho cả hai vợ chồng người con – tức đây được xem như tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân.

Theo án lệ số 03, cha mẹ chồng đã có hành vi cho vợ chồng người con trai sử dụng đất làm nhà nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng. Tuy vậy lại có ba yếu tố pháp lý sau:

Thứ nhất, hai vợ chồng đã xây nhà kiên cố trên đất. Việc đầu tư tiền bạc, công sức xây dựng căn nhà khang trang ba tầng đã thể hiện vợ chồng người con có ý định sinh sống lâu dài trên đất.

Thứ hai, cả vợ chồng đã ở công khai liên tục 16 năm nhưng gia đình chồng không có bất kì phản đối hay khiếu kiện lên cơ quan thẩm quyền. Nếu nhà chồng không đồng ý việc tặng cho quyền sử dụng đất thì liệu có “bình chân như vại” khi hai vợ chồng xây dựng nhà kiên cố và ở tận 16 năm?

Thứ ba, người chồng trong thời kì hôn nhân đã tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất và được Uỷ ban nhân dân xã cấp chứng nhận đứng tên hộ gia đình. Sổ đỏ do hộ gia đình người con trai đứng tên, tức cả vợ và chồng đều có chung quyền sử dụng đất. Việc cha mẹ chồng khai con trai tự ý đi đăng ký nên họ không biết là vô lý vì với tư cách là chủ sở hữu, cha mẹ chồng phải biết và có trách nhiệm đối với tài sản cũng như thực hiện các thủ tục pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà cửa do cả hai vợ chồng cùng nhau tiến hành. Việc tạo lập, xây dựng do công sức đóng góp của cả hai. Hơn nữa sổ đỏ không đứng tên riêng người con mà đứng tên hộ gia đình, tức cả vợ và chồng đều xác lập quyền sử dụng. Luật Hôn nhân và gia đình quy định khi không có căn cứ chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Ở đây cha mẹ chồng kháng cáo với lý do chưa cho vợ chồng người con đất chứ không phải việc chỉ cho riêng con trai mà không cho con dâu. Án lệ số 03 nhận định quyền sử dụng đất là tài sản chung trong thời kì hôn nhân của vợ chồng và khi chia phải căn cứ theo công sức đóng góp, nhu cầu về chỗ ở nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên là phù hợp với nguyên tắc phân chia tài sản của Luật Hôn nhân và gia đình.

Pháp luật ghi nhận quy tắc chia đôi tài sản chung khi ly hôn, nhưng cần xét đến những yếu tố khác như hoàn cảnh, công sức đóng góp của các bên. Quy định này phù hợp với nguyên tắc vợ chồng bình đẳng nhau về quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân. Tuy nhiên trên thực tế, quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã ăn sâu trong nếp sống nhiều gia đình. Vì vậy cha mẹ khi cho tài sản (đặc biệt là đất) thường chỉ cho riêng con ruột chứ không cho cả dâu và rể. Đây là suy nghĩ ông bà ta từ xưa đến nay vẫn phổ biến và cũng không phải là một hủ tục cần bị bài trừ hay xoá bỏ.

Án lệ quyết định khi chia phải xem người chồng có công sức đóng góp nhiều hơn và cần phải căn cứ vào nhu cầu chỗ ở để chia hiện vật, đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Án lệ số 03 nhìn chung đã có cân nhắc đến nguồn gốc đất (được cha mẹ chồng cho) khi xác định người chồng có đóng góp nhiều hơn. Đây là hướng giải quyết hợp lý nhưng chưa thật toàn diện. Vì bản chất đất ban đầu do cha mẹ chồng cho, không phải do hai vợ chồng tự bỏ công bỏ sức để có nên việc người chồng muốn “nại” lý do tự ý đăng ký để không mất đất cha mẹ vào “tay” người vợ là có thể hiểu được. Dù những căn cứ bên nhà chồng đưa ra là không thuyết phục nhưng xét về lẽ công bằng, sẽ hợp lý hơn nếu Toà án xét đến hoàn cảnh của người vợ để xác định liệu người vợ có thật sự cần đất để sinh sống không hay chỉ tranh thủ “giành” đất từ nhà chồng. Nếu người vợ có tài chính ổn định thì chỉ nên chia giá trị căn nhà – tài sản mà người vợ thật sự bỏ công sức đóng góp.

Nhìn chung, trong án lệ này, chủ thể tặng cho quyền sử dụng đất là cha mẹ, chủ thể được tặng cho quyền sử dụng đất là vợ chồng người con, đều là các thành viên trong gia đình. Như vậy, nếu chủ thể tặng cho là ông bà; chủ thể được tặng cho là vợ chồng người cháu, một hoặc nhiều người cháu, một hoặc nhiều người con thì khi giải quyết các vụ việc có các tình tiết tương tự trong án lệ số 03/2016/AL, Tòa án có thể nghiên cứu xem xét áp dụng tương tự các giải pháp pháp lý của án lệ này. 
Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139