Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì? Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự được quy định như thế nào?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì?
Hiện nay, không có văn bản nào định nghĩa cụm từ “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự”, do đó căn cứ vào các quy định hiện hành có liên quan như sau:
Theo Điều 57 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm như sau:
Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm
Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Và Bộ luật Dân sự 2015 không định nghĩa “trách nhiệm dân sự” là gì, tuy nhiên, nếu căn cứ vào Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Như vậy có thể hiểu trách nhiệm dân sự là trách nhiệm, nghĩa vụ của một bên đối với một bên khác phát sinh do hành vi gây thiệt hại của người này gây ra, hoặc các trường hợp khác theo Luật định.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, “trách nhiệm dân sự” trong hợp đồng bảo hiểm được hiểu hẹp hơn là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên thứ 3 do sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Mà theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm số tiền bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Giới hạn trách nhiệm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 59 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm như sau:
Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm
Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.
Ngoài việc trả tiền bồi thường quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Như vậy giới hạn trách nhiệm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự được quy định cụ thể như trên.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có phải là bảo hiểm bắt buộc không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023) về bảo hiểm bắt buộc như sau:
Bảo hiểm bắt buộc
Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc.
Nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được hướng dẫn bởi Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
Phạm vi bồi thường của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 20 Thông tư 13/2012/TT-BTC quy định về phạm vi bồi thường như sau:
Phạm vi bồi thường
Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên mua bảo hiểm các chi phí mà bên mua bảo hiểm phải bồi thường cho bên thứ ba để hoàn thành trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm về những thiệt hại có nguyên nhân trực tiếp từ việc tiến hành công việc bức xạ của bên mua bảo hiểm.
Theo đó, phạm vi bồi thường cho bên mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là các chi phí mà bên mua bảo hiểm phải bồi thường cho bên thứ ba để hoàn thành trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm về những thiệt hại có nguyên nhân trực tiếp từ việc tiến hành công việc bức xạ của bên mua bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ được bồi thường dựa trên những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 22 Thông tư 13/2012/TT-BTC quy định về nguyên tắc bồi thường như sau:
Nguyên tắc bồi thường
Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên mua bảo hiểm số tiền mà bên mua bảo hiểm phải bồi thường cho bên thứ ba trên cơ sở khiếu nại của bên thứ ba đối với bên mua bảo hiểm khi sự cố xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm nêu trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp bên mua bảo hiểm bị chết, bị đình chỉ, thu hồi giấy phép tiến hành hoạt động bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho bên thứ ba bị thiệt hại.
Trường hợp sự cố thuộc phạm vi bảo hiểm gây thiệt hại cho nhiều đối tượng thì tổng số tiền bồi thường cho tất cả các đối tượng trong mỗi sự cố không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp có quyết định của toà án thì số tiền bồi thường căn cứ vào quyết định của toà án nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường hết mức trách nhiệm bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm cho bất kỳ sự cố nào thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chấm dứt đối với hợp đồng bảo hiểm đó.
Theo đó, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ được bồi thường dựa trên những nguyên tắc được quy định tại Điều 22 nêu trên.
Hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ bao gồm những tài liệu gì?
Căn cứ Điều 23 Thông tư 13/2012/TT-BTC quy định về hồ sơ bồi thường như sau:
Hồ sơ bồi thường
Hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự do doanh nghiệp bảo hiểm lập, bao gồm các tài liệu sau:
Tài liệu do bên mua bảo hiểm cung cấp:
a) Văn bản khiếu nại của bên mua bảo hiểm trong đó bao gồm các nội dung: vị trí, thời gian, địa điểm xảy ra sự cố; nguyên nhân ban đầu của sự cố; tính chất, khả năng diễn biến của sự cố; thiệt hại về người, tài sản, kinh tế; các nội dung công việc đã tiến hành liên quan đến sự cố.
b) Văn bản khiếu nại của bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của họ đối với bên mua bảo hiểm.
c) Các tài liệu liên quan đến bên thứ ba (bản phô tô có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đối chiếu với bản chính), bao gồm:
– Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân của người bị tai nạn;
– Giấy chứng thương;
– Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
d) Các tài liệu liên quan đến bên mua bảo hiểm (bản phô tô có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính), bao gồm:
– Giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
– Chứng chỉ nhân viên bức xạ (đối với các trường hợp phải có chứng chỉ theo quy định);
– Hợp đồng bảo hiểm.
đ) Các tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản (nếu có thiệt hại về tài sản), bao gồm:
– Chứng từ, tài liệu xác nhận tình trạng hư hỏng của tài sản bị tổn thất;
– Hoá đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do sự cố gây ra do chủ sở hữu tài sản hoặc bên mua bảo hiểm thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý trước của doanh nghiệp bảo hiểm;
– Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà bên mua bảo hiểm đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (trừ trường hợp sự cố hạt nhân).
Tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập:
a) Văn bản xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và mức sự cố của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
b) Các tài liệu khác chứng minh tổn thất về người và tài sản liên quan đến sự cố theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo đó, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ bao gồm tài liệu do bên mua bảo hiểm cung cấp và tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập được quy định cụ thể tại Điều 23 nêu trên.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.