Thế nào là xâm phạm bí mật kinh doanh? hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh chịu những trách nhiệm gì? Cùng Luật Trần và Liên danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bí mật kinh doanh là gì ?
Trong khoa học pháp lí, bí mật kinh doanh được hiểu theo nghĩa rộng, đó là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin cần được bảo hộ cho các chủ đầu tư nói chung, không chỉ là người sử dụng lao động.
Trong lĩnh vực luật lao động, trách nhiệm giữ gìn bí mật kinh doanh của người lao động chỉ được chú trọng trong điều kiện kinh tế thị trường. Pháp luật hiện hành quy định nếu đơn vị sử dụng lao động có nội quy hoặc phải ban hành nội quy thì các quy định về giữ gìn bí mật kinh doanh phải đưa vào nội quy lao động của đơn vị. Khi đơn vị sử dụng lao động đã có quy định hợp pháp mà người lao động vi phạm, cố ý tiết lộ cho người khác biết hoặc làm lộ gây thiệt hại nghiêm trọng thì người sử dụng lao động có quyền xử lí kỉ luật đến mức sa thải.
Đặc điểm của bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh thưởng được công nhận là một đối tượng tài sản trí tuệ, tuy nhiên do tính chất “bí mật”, không công khai, các cơ chế bảo hộ quen thuộc của pháp luật sở hữu trí tuệ như đăng kí, cấp văn bằng bảo hộ… thường không được sử dụng. Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu chỉ cho biết về sự tồn tại của bí mật kinh doanh và yêu cầu bảo hộ khi đối tượng đã bị xâm phạm. Do đó, theo truyền thống, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thường được sử dụng để bảo vệ đối tượng này. Cách tiếp cận này đã phần nào được thể hiện tại nội dung Luật cạnh tranh và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, theo đó Điều 127 Luật sở hữu trí tuệ 2005 coi xâm phạm bí mật kinh doanh là hành vi xâm phạm quyền SHTT, thay vì đặt nó trong khuôn khô Điều 130 về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật SHTT là Nghị định 106/2006/NĐ-CP và Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đều dẫn chiếu hành vi này về xử lí theo Điều 40 Luật cạnh tranh.
Bí mật kinh doanh theo định nghĩa tại Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Không phải là hiểu biết thông thường;
– Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;
– Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Nội dung này cũng phù hợp với Điều 39 Thoả thuận về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS – 1994) mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Có thể thấy các đặc trưng của bí mật kinh doanh đều xoay quanh tính “bí mật” của thông tin.
Thứ nhất, thông tin đó không phải là hiểu biết thông thường, có nghĩa là công chúng nói chung và hay các đối tượng quan tâm không thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin bằng các biện pháp, phương tiện thông thường.
– Thứ hai, Giá trị kinh tế mà thông tin đem lại xuất phát từ yếu tố bí mật, không phổ biến của nó. Một khi thông tin được bộc lộ, ai cũng biết, giá trị thương mại của thông tin và lợi thế cạnh tranh nó đem lại cho chủ sở hữu sẽ không còn. Đặc điểm này cũng đòi hỏi thông tin phải có giá trị ứng dụng về mặt kinh doanh nói chung, không nhất thiết phải gắn liền với tiến bộ khoa học-công nghệ và tiêu chí này sẽ được đánh giá trên hoàn cảnh thực tế. Lấy ví dụ thông tin là danh sách khách hàng hay đối tác kinh doanh của một doanh nghiệp có thể coi là một bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó, vì thông tin có thể đem lại lợi thế cạnh tranh mặc dù không thể hiện yếu tố “trí tuệ” hay “sáng tạo”. Đây cũng là một khía cạnh giải thích cho việc đặt bí mật kinh doanh vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
– Đặc điểm cuối cùng đòi hỏi chủ sở hữu hay người nắm giữ bí mật kinh doanh hợp pháp (thông qua hợp đồng, ủy quyền) phải bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết, nhằm ngăn cản công chúng và các đối tượng quan tâm tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và phổ biến thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là về chủ quan, bản thân chủ sở hữu cũng phải ý thức được tính chất bí mật của thông tin. Nếu chủ sở hữu không có ý thức bảo mật, vô ý do cẩu thả hoặc chủ động cung cấp thông tin cho người khác, thì cho dù bí mật kinh doanh có giá trị thực sự, pháp luật cũng sẽ từ chối bảo hộ.
Các dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
Luật cạnh tranh năm 2018 chỉ điều chỉnh hai dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh là:
– Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
– Hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.
– Hai dạng hành vi còn lại được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh năm 2004 đã được bỏ đi, có lẽ do tính chất cạnh tranh không lành mạnh của các hành vi đó không rõ ràng. Các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh đã bị bò khỏi Luật cạnh tranh năm 2018 bao gồm: (i) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó; và Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh cùa người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm bàng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước.
– Hành vi thứ nhất là dạng xâm phạm bí mật kinh doanh điển hình, khi bên vi phạm chủ động tiếp cận, thu thập thông tin bằng cách phá vỡ lại các biện pháp bảo mật của người có bí mật. Tuy nhiên, trong trường hợp người này chỉ thu thập thông tin nhằm mục đích trục lợi (bán lại cho bên thứ ba) mà không trực tiếp khai thác, theo chúng tôi việc sử dụng các biện pháp dân sự (kiện bồi thường thiệt hại) hoặc thậm chí các biện pháp hành chính, hình sự (Theo chúng tôi trong một số trường hợp có thể xem xét việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác hay các tội phạm vê chiêm đoạt tài sản đôi với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, đặc biệt khi xác định được bí mật kinh doanh có giá trị lớn) để chống lại bên vi phạm tỏ ra hợp lí hơn là áp dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, vẫn có thể xem xét sử dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh (điểm (b) khoản 1 Điều 45) để ngăn chặn bên thứ ba mua lại sử dụng bí mật kinh doanh nhằm mục đích cạnh tranh.
– Như đã phân tích, dạng hành vi thứ hai hướng đến các đối tượng thứ ba, không trực tiếp chiếm đoạt bí mật kinh doanh từ chủ sở hữu hay người nắm giữ hợp pháp bí mật nhưng có thể tiếp nhận từ người trực tiếp chiếm đoạt, những người thứ ba khác hoặc từ các nguồn công khai sau khi bí mật đã được bộc lộ. Kể cả trong trường hợp người này tiếp nhận thông tin một cách ngay tình, pháp luật cũng không cho phép họ tiếp tục sử dụng hay lưu truyền thông tin cho người khác.
Nhìn chung, việc áp dụng quy định chổng xâm phạm bí mật kinh doanh theo pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh luôn cần kết hợp với cơ chế bồi thường thiệt hại. Như đã phân tích ở trên, giá trị khai thác của bí mật kinh doanh nằm ở sự bí mật của nó. Thông tin khi đã bị bộc lộ sẽ không bao giờ còn là bí mật nữa và sẽ hoàn toàn mất đi giá trị của mình. Đối với các hình thức tài sản trí tuệ khác, cơ chế bảo hộ sau khi xử lí hành vi vi phạm sẽ giúp chủ sở hữu khôi phục lại đầy đủ quyền khai thác, sử dụng của mình nhưng trong trường hợp bí mật kinh doanh, khó có thể ngăn chặn các bên thứ ba và công chúng nói chung thu nhận và sử dụng thông tin.
Do đó, biện pháp khắc phục thiệt hại quan trọng nhất cần thực hiện là giải quyết bồi thường thiệt hại một lần và toàn bộ giá trị của bí mật thương mại đã bị bộc lộ. Khi Luật cạnh tranh chưa có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại và đồng thời cơ quan cạnh tranh, với tư cách là một cơ quan hành chính, cũng không có thẩm quyền giải quyết về bồi thường thiệt hại, thì trong tương lai gần, cần xây dựng cơ chế liên thông để toà án có thể sử dụng kết quả điều tra vụ việc cạnh tranh cũng như quyết định xử lí vi phạm của cơ quan cạnh tranh làm cơ sở giải quyết bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm một cách nhanh chóng nhất.
Luật sư hình sự tư vấn các điều kiện bảo hộ với bí mật kinh doanh
Không phải mọi bí mật kinh doanh đều được bảo hộ mà bí mật kinh doanh được bảo hộ chỉ khi đáp ứng được một số điều kiện trong mục 7 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
“ Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”
Để đơn giản thì tức là bí mật kinh doanh không cần phải là thứ độc nhất vô nhị nhưng nó đặc biệt phải là thứ mà không phải ai cũng có thể hiểu và nghĩ ra được, sự đặc biệt có thể đến từ sự phức tạp của tài sản trí tuệ, ví dụ như kiến thức nếu như mà được công bố cho dân chúng biết một cách phổ thông như kiến thức trên các trang mạng uy tín hay trong sách giáo khoa, báo chí thì sẽ không được bảo hộ, … Một nguyên tắc tối quan trọng là bí mật kinh doanh phải gắn liền với kinh doanh tức là phải giúp cho chủ sở hữu của nó có lợi thế hơn hẳn các chủ thể khác không có bí mật này trong việc kinh doanh, kiếm ra lợi nhuận. Cuối cùng là bí mật kinh doanh cần phải được bảo vệ một cách cẩn mật và hết sức chú trọng và bên sở hữu bí mật phải chứng minh được rằng mình đã sử dụng các biện pháp bảo vệ giữ gìn tài sản trí tuệ này hết sức nhằm mục đích tài sản không bị đánh cắp. Điều này được thể hiện là khi ra toà, toà chỉ chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn nếu như nguyên đơn (chủ sở hữu tài sản trí tuệ) đã sử dụng các biện pháp thiết bị cần thiết mà vẫn không ngăn được việc tài sản của mình bị đánh cắp.
Quy định như vậy là để nhằm tránh các tranh chấp không đáng có liên quan đến vấn đề này.
Tương tự như điều kiện với bí mật kinh doanh được bảo hộ, Luật sở hữu trí tuệ 2005 còn đưa ra các trường hợp mà bí mật kinh doanh không được bảo hộ ở Điều 85.
“1. Bí mật về nhân thân;
2. Bí mật về quản lý nhà nước;
3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;
4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.”
Doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể bảo vệ bí mật kinh doanh của mình bằng cách nào?
Tự bảo vệ
Nhìn vào các tập đoàn khổng lồ liên quan đến ngành ăn uống đã phát triển lớn mạnh lên nhờ vào bí mật kinh doanh có một không hai, ta có thể thấy các hiện diện rõ ràng nhất là Coca Cola, KFC, Lotteria hay Mc Donald…Tất cả các tập đoàn lớn này đều sử dụng cách thức bảo vệ bí mật kinh doanh của mình cực kỳ chặt chẽ để lưu giữ công thức chế biến nhưng có một điểm chung là họ đều sử dụng phương pháp tự bảo vệ.
Phương pháp tự bảo vệ này theo luật Việt Nam được ghi nhận trong Điều 198, chương XVI : Quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Luật sở hữu trí tuệ 2005 như là một quyền tối thượng của chủ sở hữu trong việc tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bao gồm
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và đặc biệt là chấm dứt hành vi xâm phạm
- Khởi kiện ra toà án
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm
Ngoài ra chủ sở hữu bí mật kinh doanh còn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định dân sự hoặc hành chính về xử lý hành vi vi phạm về cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2018. Nếu như hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh có đủ cấu thành tội phạm thì hành vi đó còn có thể bị điều chỉnh bằng luật hình sự.
Đăng ký bằng sáng chế
Do hiện nay vẫn chưa có quy định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với đối tượng là bí mật kinh doanh nên ngoài việc tự bảo vệ ra, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể thực hiện việc bảo vệ bí mật kinh doanh thông qua việc đăng ký bằng sáng chế.
Tuy nhiên việc đăng ký với danh nghĩa là sáng chế sẽ luôn có một số bất lợi nhất định.
Thứ nhất ở Việt Nam thì việc đăng ký bằng độc quyền sáng chế sẽ rất khó bởi sản phẩm trí tuệ phải chưa từng có tiền lệ xuất hiện trước đó, tức là phải hoàn toàn mới và tính sáng tạo cao.
Thứ hai thì khi đăng ký sáng chế thì sẽ luôn có thời hạn nhất định và sẽ còn mất phí duy trì bằng sáng chế, cụ thể là đối với bằng độc quyền sáng chế thì sẽ có hạn là 20 năm kể từ ngày nộp đơn còn bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì có thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp đơn, hết thời hạn này thì chủ sở hữu sẽ không thể gia hạn được (theo thông tư 16/2016/TT-BKHCN) và tài sản trí tuệ sẽ không được bảo hộ nữa, đây là một thiệt thòi rất lớn nếu như cá nhân, doanh nghiệp muốn phát triển bí mật kinh doanh đó để thực hiện kinh doanh lâu dài về sau ( theo quy định tại khoản 2,3 Điều 93 và khoản 1 Điều 94 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009).
Ngoại lệ với bí mật kinh doanh
Trong phần này, chủ sở hữu không được cấm các chủ thể khác thực hiện các hành vi sau mặc dù chủ sở hữu có cho rằng đó là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh của mình.
Các hành vi đó được quy định trong khoản 3 điều 125 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
“a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này;
c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại;
d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;
đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.”
Trên đây là một số nội dung tư vấn của chúng tôi về hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.