Theo quy định của pháp luật về thuế thì việc nộp thuế thu nhập của cá nhân, tổ chức là một nghĩa vụ bắt buộc nộp cho cơ quan quản lý thuế. Theo đó, luật quy định về hạn mức tiền lương, tiền của người lao động nhận được từ quá trình lao động phải nộp thuế và doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân và khai quyết toán thuế. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ thuế tư vấn thuế thu nhập cá nhân, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Thế nào là thuế thu nhập cá nhân?
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập thực nhận của các cá nhân trong một năm, từng tháng hoặc từng lần. Thuế này thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Chính vì thế thuế thu nhập cá nhân có những đặc điểm sau:
– Có diện đánh thuế rộng là tất cả các cá nhân có thu nhập chịu thuế.
– Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia.
– Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.
Thuế thu nhập cá nhân lầ đầu tiên ra đời ở Anh (1841) sau đến Nhật (1887), Mỹ (1913) và Mỹ trở thành quốc gia có tỉ suất thuế thu nhập cá nhân lớn nhất thế giới, chiếm 30-60% tổng thu thuế vào ngân sách nhà nước. Trung Quốc, thuế thu nhập cá nhân ra đời từ năm 1914 đến tận năm 1955 mới trở thành một sắc thuế độc lập. Ở Pháp thuế thu nhập cá nhân ra đời từ năm 1916, Liên Xô là 1922, cho đến nay theo thống kê của ERNST & YOUNG tại “The global Excutive” tính đến ngày 15/09/2001 thế giới có 136 nước áp dụng thuế thu nhập cá nhân.
Trước đây do điều kiện hoàn cảnh nền kinh tế tập trung, do nguồn thu nhập của dân cư trong xã hội mang tính thuần chất nên Nhà nước không thu thuế đối với thu nhập của cá nhân không kinh doanh. Hiện tại, cơ chế quản lý và cơ chế kinh tế đã thay đổi theo hướng nền kinh tế thị trường, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn nên để thực hiện điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, ngà 27/12/1990, Hội đồng nhà nước ban hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Pháp lệnh này được áp dụng trên thực tế kể từ ngày 1/4/1991. Qua quá trình thực hiện, Quốc hội đã sửa đổi bổ sung nhiều lần vào năm 1992, 1993, 1994, 1997, 2001, 2004. Ngày 21/11/2007 Quốc hội đã ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Và đến năm 2012, Luật thuế thu nhập cá nhân đã được sửa đổi bổ sung một số điều để phù hợp với thực tiễn.
Công thức và các bước tính thuế thu nhập cá nhân:
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức sau:
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
+ Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
– Thu nhập chịu thuế được tính như sau:
+ Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn
Các bước tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được số thuế phải nộp hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Xác định tổng thu nhập chịu thuế
Bước 2. Tính các khoản được miễn
Bước 3. Tính thu nhập chịu thuế theo công thức (3)
Bước 4. Tính các khoản được giảm trừ
Bước 5. Tính thu nhập tính thuế theo công thức (2)
Bước 6. Tính số thuế phải nộp theo công thức (1).
Theo đó, người nộp thuế áp dụng phương pháp tính thuế sau theo đúng đối tượng.
Hiện nay có 03 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công áp dụng cho 03 đối tượng khác nhau, cụ thể:
– Tính theo biểu lũy tiến từng phần: Áp dụng đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên
– Khấu trừ 10%: Áp dụng đối với cá nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
– Khấu trừ 20%: Áp dụng đối với cá nhân không cư trú, thường là người nước ngoài.
Như vậy, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.
Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ 11 khoản phụ cấp, trợ cấp.
– Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như:
+ Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới.
+ Tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
+ Tiền tham gia các dự án, đề án.
+ Tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút.
+ Tiền tham gia các hoạt động giảng dạy.
+ Tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
+ Tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.
– Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau:
+ Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
+ Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
+ Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
+ Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, thuế thu nhập cá nhân sẽ là khoản thuế trực thu được đánh trực tiếp vào tổng thu nhập thực nhận của cá nhân từ các khoản tiền lương, tiền công của người lao động nhận của người sử dụng lao động sau quá trình làm việc.
Trách nhiệm khai, nộp thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm thực hiện khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý hoặc theo từng lần phát sinh như sau:
– Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải khai, nộp thuế theo tháng hoặc quý
Việc khai, nộp thuế theo tháng hay quý chỉ được xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế và áp dụng cho cả năm tính thuế, cụ thể như sau:
– Kê khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng khi
Doanh nghiệp trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên.
– Kê khai thuế thu nhập cá nhân theo quý khi
+ Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
+ Hoặc, doanh nghiệp trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của các loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân dưới 50 triệu đồng.
Trường hợp trong tháng hoặc quý, doanh nghiệp trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không phải khai thuế.
Doanh nghiệp trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp doanh nghiệp không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập phải khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh gồm:
Căn cứ vào từng lần phát sinh thu nhập mà doanh nghiệp làm thủ tục khai và nộp thuế thay cho cá nhân.
– Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản:
+ Trường hợp cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng đem thế chấp, bảo lãnh vay vốn hoặc thanh toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đến hết thời hạn trả nợ, cá nhân không có khả năng trả nợ thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm thủ tục phát mại, bán bất động sản đó đồng thời thực hiện khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân trước khi thực hiện thanh quyết toán các khoản nợ của cá nhân.
+ Trường hợp cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng đem thế chấp để vay vốn hoặc thanh toán với doanh nghiệp khác, nay thực hiện chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) bất động sản đó để thanh toán nợ thì doanh nghiệp làm thủ tục chuyển nhượng thay phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân trước khi thanh quyết toán các khoản nợ.
+ Trường hợp bất động sản do cá nhân chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác theo quyết định thi hành án của Tòa án thì doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá phải khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân chuyển nhượng.
– Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn:
Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
– Đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
– Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh doanh thì cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp khai thuế và nộp thuế thay theo phương pháp khoán. Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp.
– Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân thì cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp khai thuế và nộp thuế thay. Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
– Đối với cá nhân có thu nhập từ cho thuê tài sản
Cá nhân ký hợp đồng cho thuê tài sản với doanh nghiệp mà trong hợp đồng thuê có thỏa thuận bên đi thuê (doanh nghiệp) nộp thuế thay thì doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, doanh nghiệp cũng sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ phải tiến hành khai, nộp thuế theo quý hoặc theo tháng hoặc theo trường hợp có phát sinh và có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn thuế thu nhập cá nhân của công ty Luật Trần và Liên Danh. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.