Tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản

tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản

Được làm mẹ là điều vô cùng thiêng liêng đối với bất kỳ người phụ nữ nào tại Việt Nam. Bất kể phụ nữ nào khi sinh con cũng muốn quá trình sinh nở diễn ra thật nhẹ nhàng và suôn sẻ. Tuy nhiên hiện nay việc sinh con tốn kém rất nhiều chi phí khiến các gia đình phải lo lắng, cân nhắc khi sinh.

Hiểu được vấn đề này, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động là phụ nữ. Trong đó có quy định riêng về chế độ thai sản cho người lao động nữ khi sinh con.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc không phải ai cũng có thời gian hoặc hiểu biết để tìm hiểu về chế độ thai sản dẫn đến việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng và không đầy đủ làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động khi sinh con và hưởng chế độ thai sản.

Với lý do nêu trên, để giúp người lao động nữ hoặc đối tượng khác có cơ hội được giải đáp thắc mắc liên quan đến chế độ thai sản, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản qua tổng đài để hỗ trợ và giải đáp tất cả những thắc mắc của khách hàng liên quan đến chế độ thai sản.

Điều kiện và mức hưởng chế độ thai sản mới nhất

Thứ nhất: Về điều kiện hưởng chế độ thai sản

Được quy định Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 lao động nữ đáp ứng đủ các điều kiện như: lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; lao động nữ nuôi con nuôi dưới 06 tuổi… và đáp ứng đủ điều kiện là đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian là 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh tổng là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con thì người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng, thời gian nghỉ trước sinh tối đa không quá 02 tháng.

Thứ hai: Về mức hưởng chế độ thai sản

Được quy định cụ thể tại Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đó là lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Người lao động sẽ được hưởng 6 tháng và được lãnh tiền một lần cho 6 tháng thai sản đó.

Đối với trường hợp lao động thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc sinh non, thai chết lưu cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng điều kiện và mức hưởng sẽ khác nhau tùy vào mỗi trường hợp cụ thể.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Để hưởng chế độ thai sản, Quý vị cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định pháp luật. Tùy từng trường hợp cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu tương ứng như sau:

Với người đang đóng BHXH:

Hồ sơ gồm: Danh sách theo mẫu 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Một số trường hợp đặc biệt cần các giấy tờ như sau:

– Nếu con chết sau sinh: phải có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo khai tử của con, nếu con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ thể hiện thông tin con chết.

– Nếu người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử.

– Nếu người mẹ sau sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản giám định y khoa của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.

– Nếu mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì phải có một trong cá giấy tờ:

+ Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai nếu điều trị nội trú;

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai nếu điều trị ngoại trú;

+ Biên bản giám định y khoa với trường hợp phải giám định y khoa.

– Nếu lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và văn bản xác nhận thời điểm giao đức trẻ của hai bên.

– Nếu nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi: phải có bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

Với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH do thôi việc, phục viên, xuất ngũ trường thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi:

Hồ sơ gồm sổ bảo hiểm xã hội đã chốt và các giấy tờ, tài liệu tương tự như trên, tuy nhiên nếu các giấy tờ trong hồ sơ không thể hiển việc nghỉ dưỡng thai thì có thêm Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

Với trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định, bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định.

tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản
tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản

Cách tính chế độ thai sản?

Thứ nhất: Tiền nghỉ những ngày đi khám thai

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ theo Luật x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai/24).

Trường hợp khi nghỉ khám khi chưa đóng BHXH đủ 06 tháng thì tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đã đóng BHXH.

Thứ hai: Tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

– Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

– Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Hiện tại mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và dự kiến giữ nguyên trong năm 2022.

Dưới đây chúng tôi sẽ Tư vấn bảo hiểm thai sản mới nhất 2022 về Tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh:

– Đối với người mẹ:

Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Mức hưởng 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Ví dụ 1: Chị C dự kiến sinh con vào ngày 16/3/2021, có quá trình đóng BHXH như sau:

– Từ tháng 10/2020 đến tháng 01/2021 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;

– Từ tháng 02/2021 đến tháng 3/2021 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.

Chị C nghỉ thai sản 06 tháng khi sinh con, tiền thai sản của chị C = 5.500.000 * 6 = 33.000.000 đồng.

– Đối với người cha:

+ Khi nghỉ chế độ thai sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ /24)

Trường hợp khi nghỉ chưa đóng BHXH đủ 06 tháng thì tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đã đóng BHXH.

+ Khi nghỉ hưởng chế độ thai sản của vợ

Trường hợp 1: Chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ.

Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30.

Trường hợp 2: Cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.

Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 3: Chỉ có mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ.

Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 4: Cả cha và mẹ đều tham gia bBHXH nhưng người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.

Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 5: Chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.

Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Lưu ý, đối với trường hợp người cha đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Thứ ba: Tiền dưỡng sức sau sinh

Tiền dưỡng sức sau sinh = Số ngày nghỉ dưỡng sức * 30% * 1.490.000

Trong đó, số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định:

– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

– Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

– Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung mà Luật Trần và Liên Danh cung cấp về tư vấn bảo hiểm xã hội chế độ thai sản.

Nếu còn có bất cứ vướng mắc pháp lý gì về bảo hiểm xã hội hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi và tận tình nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139