Tội sản xuất buôn bán hàng giả

tội sản xuất buôn bán hàng giả

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, được quy định tại Điều 192, Mục 1, Chương XVIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin giới thiệu về tội sản xuất buôn bán hàng giả này như sau:

Hàng giả là gì?

Hàng giả được hiểu là hàng tiêu dùng vi phạm luật bản quyền giả hiệu chính thống với mẫu mã giống những thương hiệu có tiếng, sau đó bán ra thị trường để đánh lừa người tiêu thụ bằng cách bán giá cao để lời to.

Hàng giả thường có chất lượng kém bởi nó không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn kiểm soát về chất lượng của xí nghiệp hay tiêu chuẩn an toàn của chính phủ. Các loại mặt hàng được làm giả cũng rất đa dạng, có thể kể đến như: mỹ phẩm, sữa bột, đồ điện tử,…

Một số hình thức của hàng giả đã được pháp luật quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP theo phương thức liệt kê các đặc điểm của hàng giả.

Quy định của pháp luật tội sản xuất buôn bán hàng giả

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự 2015:

“ 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Cấu thành tội sản xuất buôn bán hàng giả

Mặt khách quan

Thứ nhất, về hành vi: người phạm tội có hành vi sản xuất hàng giả hoặc buôn bán hàng giả với đối tượng là những sản phẩm, hàng hoá như: mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, giống cây trồng,…

(i) Đối với các tội sản xuất hàng giả: Có hành vi sản xuất ra các loại hàng giả làm cho người mua bị nhầm lẫn hoặc để lừa dối người mua nhằm thu lợi bất chính. Đây là đặc điểm cơ bản không thể thiếu vì sản xuất hàng giả chi phí thấp nhưng tiêu thụ dễ và thu lợi cao bởi hàng bị làm giả thường có uy tín cao trên thị trường

Bên cạnh đó, việc sản xuất hàng giả phải là sản xuất trái phép. Tức là không có giấy phép hoặc sản xuất trái với nội dung giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(ii) Đối với tội buôn bán hàng giả: Có hành vi buôn bán hàng giả, được thể hiện qua các hành vi cụ thể sau:

Hành vi mua hàng giả: là việc người mua dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá để đổi lấy sản phẩm, hàng hoá mặc dù biết đó là hàng giả để bán lại nhằm thu lợi bất chính.

Hành vi bán hàng giả: là việc người bán dùng sản phẩm, hàng hoá mà biết rõ là hàng giả đưa ra thị trường để đổi lấy tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá để thu lợi bất chính.

Thứ hai, ngoài các dấu hiệu về hành vi thì hành vi được coi là thuộc tội sản xuất, buôn bán hàng giả còn phải có ít nhất một trong các dấu hiệu cơ bản sau đây:

(i) Về định lượng: hàng hoá vi phạm nói trên phải có số lượng lớn.

(ii) Về hậu quả: gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho nhiều vật nuôi, cây trồng chết trên một phạm vi rộng (như trên một hoặc nhiều xã, huyện).

(iii) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là các đối tượng nêu trên hoặc một trong các hành vi: buôn lậu; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; kinh doanh trái phép, trôn thuế, hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội sau:

  • Tội buôn lậu
  • Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.
  •  Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
  •  Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
  •  Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
  • Tội kinh doanh trái phép.
  •  Tội trốn thuế.

Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và người sản xuất ra hàng thật của chính sản phẩm đó.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm trên với lỗi cố ý với động cơ vì vụ lợi.

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là các cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm hình sự.

Bình luận tội sản xuất buôn bán hàng giả

Đây là loại tội phạm hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đó, người phạm tội lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt động nhỏ lẻ thì ngày nay, đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất sứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.

tội sản xuất buôn bán hàng giả
tội sản xuất buôn bán hàng giả

Một số câu hỏi thường gặp

Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thuốc phòng bệnh bị xử lý như thế nào?

Khác với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên, nếu đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả trên là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 194 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đó, căn cứ vào hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại, người phạm tội có thể bị áp dụng một số khung hình phạt sau:

Thứ nhất, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Thứ hai, phạt tù từ 05 năm đến 12 năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như: phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; buôn bán qua biên giới; tái phạm nguy hiểm;…

Thứ ba, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với các hành vi phạm tội thuộc Khoản 3 điều luật trên.

Thứ tư, phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu hành vi vi phạm thuộc một số trường hợp theo quy định tại Khoản 4 điều luật trên như: thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; làm chết 02 người trở lên,…

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như:

(i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,

(ii) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(iii) Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, nếu chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại thì bị áp dụng một số khung hình phạt như sau:

(i) Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

(ii) Phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

(iii) Phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;

(iv) Phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

(v) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

(vi) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội sản xuất hàng giả là thực phẩm bị phạt bao nhiêu năm tù?

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội trên có thể bị áp dụng các khung hình phạt sau:

(i) Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

(ii) Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

(ii) Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

(iv) Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như:

(i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

(ii) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(iii) Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau:

(i) Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

(ii) Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

(iii) Phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

(iv) Phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

(v) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Ngoài ra, một số hình phạt bổ sung có thể áp dụng với pháp nhân thương mại với tội phạm trên như: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Sản xuất hàng giả là phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng có bị truy cứu về tội này không?

Theo Điều 195 Bộ luật Hình sự, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi có thể bị áp dụng một trong các khung hình phạt sau:

(i) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

(ii) Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

(iii) Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

(iv) Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như:

(i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

(ii) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(ii) Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là một số nội dung về tội sản xuất buôn bán hàng giả, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139