Thế nào được coi là quấy nhiễu nhân dân? Tội quấy nhiễu nhân dân quy định tại Điều 415 BLHS năm 2015?
Nếu quấy nhiễu nhân dân thì phải chịu những hình phạt như thế nào? Cấu thành tội phạm của tội này là gì?
Nếu bạn đang quan tâm đến tội quấy nhiễu nhân dân thì hy vọng viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp đủ đến bạn thông tin về vấn đề này.
Quy định chi tiết của pháp luật về Điều 415 Bộ luật hình sự 2015
Điều 415 BLHS năm 2015 quy định tội quấy nhiễu nhân dân như sau:
“Điều 415. Tội quấy nhiễu nhân dân
1. Người nào có hành vi quấy nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong khu vực có chiến sự;
d) Trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”
Dấu hiệu pháp lý tại Điều 415 BLHS năm 2015
Khách thể của tội phạm – Điều 415 Bộ luật hình sự
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa nhân dân với quân nhân là mối quan hệ đặc biệt quan trọng, là nguồn gốc tạo nên sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của quân đội ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân được thể hiện trên 04 nội dung cơ bản sau
– Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đây là quan điểm chỉ rõ cội nguồn sức mạnh của quân đội ta.
– Quân đội ta phải hiếu với dân. Tư tưởng “hiếu với dân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong những lần nói chuyện với bộ đội. Cách đây hơn 70 năm, vào tháng 8-1948, trên lá cờ Người tặng cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) có thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Người luôn căn dặn: Đã là người cán bộ cách mạng, cán bộ quân đội thì dù ở cương vị nào cũng phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
– Quân đội ta phải biết tôn trọng nhân dân. Tôn trọng nhân dân chính là sự kế thừa tư tưởng trọng dân của ông cha ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng này lên tầm cao mới. Người yêu cầu: “Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ, đều phải: … Thương dân, trọng dân và tốt với dân”.
– Quân đội ta phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội phải giúp đỡ nhân dân bất kỳ việc to, việc nhỏ, từ việc giúp nhân dân gặt hái, lấy củi, lấy nước, may vá, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến những công việc lớn hơn như giúp dân tăng gia sản xuất, giúp đồng bào trong phong trào bình dân học vụ, dạy chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức; đồng thời, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tội quấy nhiễu nhân dân xâm phạm quan hệ đoàn kết quân dân, xâm phạm bản chất và truyền thống cách mạng của quân đội, gây thiệt hại về tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân, làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an xã hội.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quan hệ đoàn kết quân dân; truyền thống cách mạng của quân đội.
Mặt khách quan của tội phạm – Điều 415 Bộ luật hình sự
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi quấy nhiễu nhân dân.
Quẫy nhiễu nhân dân được thực hiện dưới dạng hành động như phá phách, chửi bới, hạch sách, đánh đập, xâm phạm tài sản… của nhân dân trong khu vực đóng quân.
Hành vi này thể hiện sự không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, phong tục, tập quán, tài sản, đời sống vật chất, tinh thần… của nhân dân.
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm xảy ra hậu quả nghiêm trọng hoặc trong trường hợp khi trước đó người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật về hành vi quấy nhiễu nhân dân theo quy định tại Điều 30 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về việc áp dụng các hình thức kỉ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỉ luật trong Bộ Quốc phòng:
“Điều 30. Quấy nhiễu nhân dân
Khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, gây phiền hà, khó khăn, cản trở sinh hoạt bình thường của nhân dân hoặc xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của nhân dân nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.
Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Trong khu vực có chiến sự hoặc tình trạng khẩn cấp;
d) Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội.”
Chủ thể của tội phạm – Điều 415 Bộ luật hình sự
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm.
Họ chỉ có thể là:
“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân
Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”
Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội quấy nhiễu nhân dân là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm – Điều 415 Bộ luật hình sự
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra, mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Hình phạt tại Điều 415 BLHS năm 2015
Điều 415 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
Mức hình phạt tại khoản 1 Điều 415 Bộ Luật hình sự: Người nào có hành vi quấy nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức hình phạt tại khoản 2 Điều 415 Bộ Luật hình sự: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
- Lôi kéo người khác phạm tội;
- Trong khu vực có chiến sự;
- Trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo có thể được hưởng khi phạm tội tại Điều 415 BLHS năm 2015
Điều 51 Bộ luật hình sự có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo đó, khi bị cáo có một trong các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 thì Hội đồng xét xử có thể xem xét cho giảm nhẹ trách nhiệm. Cụ thể:
Các tình tiết các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự về việc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Vì vậy, bị cáo có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 hoặc trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo còn có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 415 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.