Nhu cầu sử dụng tiền đẩy vào lưu thông, mua sắm hàng hóa, tiêu dùng tăng cao nên việc sản xuất, tiêu thụ tiền giả càng được các đối tượng đặc biệt “quan tâm”. Nhằm cung cấp cho bạn những thông tin, kiến thức cần thiết về tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả.
Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh xin gửi đến quý bạn đọc một số nội dung của tội này như sau:
Thế nào là tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được quy định tại Điều 207 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hiểu là tội phạm vi phạm pháp luật hình sự khi có hành vi làm ra tiền giả, cất giấu tiền giả, vận chuyển tiền giả bằng nhiều cách thức khác nhau hoặc đem tiền giả vào lưu thông, trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường:
Theo quy định tại Điều 207 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Bộ luật hình sự như sau:
“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Cần hiểu rõ rằng, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là một tội ghép của bốn hành vi phạm tội bao gồm làm tiền giả, tàng trữ tiền giả, vận chuyển tiền giả và lưu hành tiền giả.
Khi một tổ chức, cá nhân có thực hiện một trong bốn hành vi trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển tiền giả.
Tuy nhiên, khi tiến hành định tội thì cần căn cứ theo từng trường hợp cụ thể của người phạm tội để định tội. Chẳng hạn, một người có hành vi làm ra tiền giả thì khi định tội sẽ là người phạm ” Tội làm tiền giả”, hoặc người thực hiện cả hai hành vi là tàng trữ tiền giả và đưa tiền giả vào lưu hành thì được định tội là ” Tội tàng trữ và lưu hành tiền giả”.
Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến sự phát triển của quốc gia như làm ảnh hưởng đến việc phát hành tiền, lưu hành và quản lý tiền tệ của Nhà nước.
Do đó, pháp luật quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là tội phạm hình sự và có những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi này.
Các yếu tố cấu thành tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:
– Đối với tội làm tiền giả được thể hiện qua các hành vi in, vẽ, photo hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các đối tượng này giống như tiền thật, ngân phiếu thật, công trái thật nhằm làm cho người khác tưởng thật.
– Đối với tội tàng trữ tiền giả. Được thể hiện qua hành vi cất giữ các đối tượng này (một cách trái pháp luật) dưới bất kỳ hình thức nào.
– Đối với tội vận chuyển tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa đối tượng này từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức (đường sông, đường bộ, đường không…) với mọi phương tiện (như tàu, xe, máy bay…).
– Đối với tội lưu hành tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi…(như dùng tiền để mua hàng hóa…).
Lưu ý: Việc làm ra tiền giả là nhằm để thu lợi bất chính.
Khách thể:
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quy định của nhà nước về quản lý tiền tệ.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm nêu trên với lỗi cố ý.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định. Như vậy người từ đủ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 249 đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Hình phạt tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tùy thuộc theo từng trường hợp có thể bị xử lý như sau:
– Trường hợp 1: Người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Chuẩn bị phạm tội nghĩa là người phạm tội có thể đang trong giai đoạn chuẩn bị như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm.
Cụ thể trong trường hợp này, người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm như mua sắm trang thiết bị để làm ra tiền giả, chứ chưa có xuất hiện tiền giả trong thực tế.
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
– Trường hợp 2:
Người có hành vi làm ra tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Theo quy định này, người làm ra tiền giả, tàng trữ tiền giả, vận chuyển, lưu hành tiền giả chỉ cần đã có hành vi thực hiện các công việc trên, chưa xác định mức độ thiệt hại hay giá trị tiền giả là, bao nhiêu đã bị xử lý vi phạm về hành vi này.
Ngoài ra, pháp luật không quy định độ tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả mà ” người nào”, tức là bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định thực hiện việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
– Trường hợp 3: Trị giá tiền giả tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Khác với quy định trên, trong trường hợp này pháp luật quy định rõ giá trị tiền giả tương ứng trong phạm vi từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tù với mức cao hơn trường hợp thứ nhất với khung hình phạt từ 05 năm đến 12 năm. Việc tăng hình phạt có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đã cao hơn so với trường hợp đầu tiên.
– Trường hợp 4: Trị giá tiền giả tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đây là khung hình phạt nặng nhất đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, cho thấy mức độ phạm tội khi tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
Mức phạt tù thấp nhất là 10 năm được áp dụng cho người phạm có tội nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án…Ngược lại, hình phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân áp dụng cho người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng khi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội lần thứ 02 trở lên…
Ngoài hình phạt chính như trên, người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thuộc một trong bốn trường hợp trên còn thể chịu hình phạt bổ sung như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. So với “Bộ luật hình sự năm 2005” thì hình phạt bổ sung với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trong Bộ luật hình sự năm 2015 không có sự thay đổi.
Việc áp dụng hình phạt bổ sung theo hình thức phạt tiền hay tịch thu tài sản tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Chẳng hạn, người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì mức độ và hậu quả gây ra chưa nghiệm trọng như trường hợp đã làm ra tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả mà trị giá tiền giả tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì hình phạt bổ sung có thể chỉ áp dụng phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý rất nhiều đối tượng làm, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả nhưng những hành vi này vẫn được thực hiện một cách rất tinh vi và lưu hành “trót lọt” trong thị trường. Hậu quả của việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là rất nghiêm trọng, gây cho tình trạng khốn đốn cho người bị thiệt hại.
Thiết nghĩ, tiền là tiền giả nhưng hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là thật và sẽ là biện pháp cần thiết để xử lý những đối tượng có hành vi phạm tội.
Thêm vào đó, để tránh những rủi ro cũng như hậu quả của tiền giả gây ra, người dân cũng cần chủ động tìm hiểu về cách phân biệt tiền thật, tiền giả và trình báo cơ quan chức năng khi có dấu hiệu của tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Trên đây là một số nội dung về tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.