Thực hiện kiểm toán

thực hiện kiểm toán

Kiểm toán báo cáo tài chính là quá trình thu thập và đánh giá các bằng chứng về một thông tin nhằm xác định và báo cáo về sự phù hợp của thông tin này với các tiêu chuẩn được thiết lập. Quá trình phải được thực hiện kiểm toán bởi các kiểm toán viên có đủ năng lực và độc lập.

Quy định chung về kiểm toán

Kiểm toán do nhiều chủ thể tiến hành, do đó, tùy thuộc vào loại kiểm toán mà quyền và nghĩa vụ của chủ thể thực hiện kiểm toán và đối tượng bị kiểm toán có sự khác nhau. Căn cứ vào tư cách pháp lÍ của chủ thể tiến hành kiểm toán và giá trị pháp lí của hoạt động kiểm toán, kiểm toán được phân thành các loại: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ.

Kiểm toán nhà nước hay còn gọi là kiểm toán công, do cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành để kiểm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, hợp lí, hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thu, chỉ ngân sách nhà nước.

Kiểm toán độc lập là hoạt động kiểm toán do Kiểm toán viên độc lập thực hiện theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm toán đối với hoạt động tài chính của mình. Hoạt động của Kiểm toán viên độc lập nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm toán thẩm định tính đầy đủ, trung thực, hợp lí của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính.

Kiểm toán nội bộ là kiểm toán thực hiện trong phạm vi một chủ thể kinh doanh. Kiểm toán nội bộ được thực hiện nhằm bảo đảm duy trì trật tự và hiệu quả của hoạt động tài chính của chính chủ thể tổ chức hoạt động kiểm toán. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện kiểm toán nội bộ là nghĩa vụ được pháp luật quy định.

Kết quả của hoạt động kiểm toán thể hiện ở báo cáo kiểm toán do đoàn kiểm toán hoặc Kiểm toán viên lập. Giá trị pháp lí của báo cáo kiểm toán tài chính phụ thuộc vào chủ thể tiến hành kiểm toán.

Hoạt động kiểm toán không thay thế các cơ quan nhà nước về kế toán và kiểm tra. Dịch vụ kiểm toán đã có hơn 100 năm nay. Công ti Praixơ Oatơhao (Price Waterhouse) được thành lập năm 1880 tại Luân Đôn, Công ti Athơ Anđecxen (Arthur Andersen) được thành lập năm 1889 tại Chicago, Hoa Kì. Trên thế giới hiện nay có những tập đoàn, công ti kiểm toán lớn như tập đoàn Erônxtơ Young.

Trước đây, ở Việt Nam, có công tỉ kiểm toán Việt Nam (VACO) là công ti kiểm toán đầu tiên, thành lập năm 1991, hoạt động một cách độc lập. Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân ban hành theo Nghị định số 07/CP ngày 21.01.1994 của Chính phủ. Quốc hội Khoá XI, tại kì họp lần thứ 7 năm 2005 đã thông qua Luật kiểm toán nhà nước năm 2005 tạo cơ sở pháp lí ở tầm lập pháp cho sự ra đời, thành lập hệ thống các cơ quan kiểm toán nhà nước Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam đang áp dụng Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 (Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2019)

Khái niệm

Kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá các bằng chứng về một thông tin nhằm xác định và báo cáo về sự phù hợp của thông tin này với các tiêu chuẩn được thiết lập. Quá trình kiểm toán phải được thực hiện bởi các KTV có đủ năng lực và độc lập”. (Arens et al., 2012).

Kiểm toán BCTC là việc KTV hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của BCTC của đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.

Mục đích

Theo ISA 200, việc kiểm toán BCTC nhằm mục đích là tăng độ tin cậy của người sử dụng đối với BCTC. Điều này đạt được thông qua việc các KTV đưa ra ý kiến về việc liệu BCTC có được lập và trình bày trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng hay không.

Từ đây có thể thấy rằng báo cáo kiểm toán là phương tiện truyền thông giữa KTV và người sử dụng BCTC. Nó đại diện cho khía cạnh quan trọng nhất của quy trình kiểm toán và KTV sử dụng báo cáo này để chuyển tải kết quả của quá trình kiểm toán đến những người sử dụng BCTC.

Theo Arens et al. (2006), nhu cầu về dịch vụ kiểm toán xuất phát từ nhiều yếu tố như khoảng cách xa giữa người sử dụng BCTC và người chuẩn bị các báo cáo này, xung đột lợi ích giữa những người sử dụng BCTC, sự phức tạp của các giao dịch kinh tế và những ảnh hưởng kỳ vọng của BCTC đối với việc ra quyết định.

Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán – cụ thể là ý kiến kiểm toán thực sự có ý nghĩa hay không với các nhà đầu tư vẫn là một vấn đề còn chưa thống nhất. Estes và Reimer (1977), Houghton (1983), Robertson (1988) và Lin et al. (2003) cho rằng báo cáo kiểm toán không gây ra ảnh hưởng đáng kể trong các phân tích của họ. Tuy nhiên, Firth (1980), Gul (1987), Bessell et al. (2003) và Guillamon (2003) cho lại cho rằng báo cáo kiểm toán là một nguồn thông tin hữu ích cho các bên tham gia trong thị trường, và các loại ý kiến không phải chấp nhận toàn phần ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và quyết định đầu tư.

Chu trình kiểm toán BCTC

Kiểm toán BCTC bao gồm các chu trình cơ bản sau:

Kiểm toán chu trình bán hàng- thu tiền.

Kiểm toán chu trình mua hàng- thanh toán.

Kiểm toán chu trình Hàng tồn kho.

Kiểm toán chu trình lương và phải trả người lao động.

Kiểm toán chu trình TSCĐ và XD cơ bản.

Mối quan hệ giữa các chu trình được thể hiện qua sơ đồ:

Qua đó có thể thấy chu trình hàng tồn kho có quan hệ với tất cả các chu trình khác, chỉ khác ở góc độ trực tiếp hay gián tiếp. Đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với chu trình Mua hàng- thanh toán, tiền lương nhân viên, bán hàng- thu tiền. Đó là những chu trình, những đầu mối quan trọng với cả khách hàng và công ty kiểm toán. Cụ thể hơn, trong công tác kế toán tại doanh nghiệp, kết quả của hàng tồn kho không chỉ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với kiểm toán, kết quả kiểm toán chu trình hàng tồn kho giúp các kiểm toán viên có thể kết hợp, đối chiếu và kiểm tra kết quả của các chu trình khác (mua hàng, tiền lương..) từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công tác. Chính từ những đặc điểm nêu trên, các kiểm toán viên luôn xác định kiểm toán hàng tồn kho là trọng tâm khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính.

Phương pháp kiểm toán

Kiểm toán tài chính là hoạt động đặc trưng của hoạt động kiểm toán nói chung do đó để thực hiện chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến, kiểm toán tài chính cũng sử dụng các phương pháp kiểm toán chứng từ (kiểm toán các quan hệ cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic) và kiểm toán ngoài chứng từ (Kiểm kê, thực nghiệm, điều tra).

Do mỗi loại kiểm toán có chức năng cụ thể khác nhau, đối tượng kiểm toán khác nhau và quan hệ chủ thể, khách thể kiểm toán khác nhau nên cách thức kết hợp các phương pháp kiểm toán cơ bản trên cũng khác nhau. Trong kiểm toán tài chính, các phương pháp kiểm toán cơ bản được triển khai theo hướng kết hợp lại hoặc chi tiết hơn tuỳ tình huống cụ thể trong suốt quá trình kiểm toán.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, người ta chia các phương pháp kiểm toán thành hai loại:

Thử nghiệm cơ bản:

Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Các thử nghiệm cơ bản bao gồm:

Kiểm tra chi tiết (các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh);

Thủ tục phân tích cơ bản.

thực hiện kiểm toán
thực hiện kiểm toán

Thử nghiệm kiểm soát

Là thủ tục kiểm toán được thiết kế nhằm đánh giá tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát trong việc ngăn ngừa, hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.

Quy trình kiểm toán BCTC

Trong kiểm toán Báo cáo tài chính, để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán có giá trị để làm căn cứ cho kết luận của kiểm toán viên về tính trung thực và hợp lý của thông tin trên Báo cáo tài chính đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, kinh tế, tính hiệu lực của từng cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải xây dựng được quy trình cụ thể cho cuộc kiểm toán đó. Thông thường, mỗi quy trình kiểm toán được chia thành 3 bước:

Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá

Thực hiện kiểm toán

Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán

Lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý đối với rủi ro đã đánh giá

Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán phải lập kế hoạch kiểm toán trong đó mô tả phạm vi dự kiến và cách thức tiến hành công việc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán phải đầy đủ, chi tiết để làm cơ sở cho chương trình kiểm toán.

Trong bước công việc này, bắt đầu từ thư mời kiểm toán, kiểm toán viên sẽ tìm hiểu khách hàng với mục đích hình thành hợp đồng hoặc đưa ra được kế hoạch chung.

Kiểm toán viên cần thu thập các thông tin cụ thể về khách hàng, tìm hiểu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ … Bên cạnh đó, trong khi lập kế hoạch, công ty kiểm toán cũng phải có sự chuẩn bị về phương tiện và nhân viên cho việc triển khai thực hiện chương trình đã xây dựng.

Ngoài ra, KTV và Công ty Kiểm toán phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá.

Thực hiện kiểm toán

Các kiểm toán viên sẽ sử dụng các phương pháp kỹ thuật thích ứng với từng đối tượng cụ thể để thu thập bằng chứng kiểm toán.

Thực chất của quá trình này là việc triển khai một cách chủ động và tích cực các kế hoạch, chương trình kiểm toán nhằm đưa ra ý kiến xác thực về tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên Báo cáo tài chính dựa vào các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, có giá trị.

Đây là giai đoạn các kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán được hình thành từ các loại trắc nghiệm, là thủ tục kiểm soát, thủ tục phân tích và thủ tục kiểm tra chi tiết. Thủ tục kiểm toán được hình thành rất đa dạng và căn cứ vào kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, từ đó đi đến quyết định sử dụng các thủ tục khác nhau.

Tổng hợp, kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán

Là lúc kiểm toán viên đưa ra kết luận kiểm toán. Các kết luận này nằm trong báo cáo hoặc biên bản kiểm toán.

Để đưa ra được những ý kiến chính xác, kiểm toán viên phải tiến hành các công việc cụ thể như: xem xét các khoản nợ ngoài dự kiến, xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ, xem xét tính liên tục trong hoạt động của đơn vị, thu thập thư giải trình của Ban Giám đốc…

Cuối cùng, kiểm toán viên tổng hợp kết quả, lập nên Báo cáo kiểm toán đồng thời có trách nhiệm giải quyết các sự kiện phát sinh sau khi lập Báo cáo kiểm toán. Tùy theo kết quả, các kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến: Ý kiến chấp nhận toàn phần và Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về quy trình thực hiện kiểm toán Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139